Ngày 28/10, UBND thành phố Đà Nẵng cho biết: vừa ban hành văn bản giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, Sở NN&PTNT, UBND các quận, huyện, các cơ quan đơn vị triển khai thực hiện theo nội dung Công văn của Bộ TN&MT về việc phát động phong trào “Chống rác thải nhựa”.
Theo đó, UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị các sở, ngành, địa phương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc không sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, túi nhựa sử dụng một lần trong hoạt động của cơ quan, đơn vị. Phát động mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hành động và vận động người thân cùng thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”. Phát động phong trào, huy động sự tham gia của cộng đồng trong thu gom, phân loại các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì, túi nilon và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý theo quy định. Đồng thời, đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sản xuất; hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm có thể phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường thay thế túi nilon, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần.
Bên cạnh đó, cần phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cơ quan và cộng đồng thực hiện các chiến dịch truyền thông về nguy cơ ô nhiễm nhựa và nilon nhằm thay đổi, tiến tới từ bỏ thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần. Các cơ quan, đơn vị đăng ký tham gia thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trong đơn vị gắn với tổ chức thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nhằm ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm nhựa và nilon do Bộ TN&MT tổ chức.
Trước đó, ngày 10/10, Bộ TN&MT đã có công văn số 5539 phát động phong trào “Chống rác thải nhựa”. Mục đích nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng cùng nhau thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon khó phân hủy, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe con người và hệ sinh thái.
Hiện nay, các chuyên gia môi trường đang đưa ra cảnh báo “ô nhiễm trắng” do rác thải là túi nilon gây ra. Theo các nhà khoa học, túi nilon được làm từ những chất khó phân hủy. Sự tồn tại của túi nilon trong môi trường còn gây ô nhiễm thứ cấp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước bởi túi lẫn vào đất sẽ ngăn cản ôxi đi qua đất, gây xói mòn đất, làm cho đất bạc màu, không tơi xốp, kém chất dinh dưỡng, từ đó làm cho cây trồng chậm tăng trưởng. Nghiêm trọng hơn các nhà khoa học còn phát hiện ra rằng, từ đất và nước bị ô nhiễm bởi túi nilon sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sức khỏe con người. Điều đáng tiếc, việc xử lý túi nilon hiện nay chủ yếu bằng thu gom đốt, tạo thành chất rất độc hại. Dù được cảnh báo rất nhiều nhưng túi nilon vẫn được thải ra môi trường với khối lượng và tần suất nhiều hơn.