Phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) trước đây có 206 tổ dân phố, sau khi sát nhập tổ dân phố nay tinh giảm còn 103 tổ dân phố. Ông Võ Đình Công, Chủ tịch UBND phường Thọ Quang cho biết: riêng việc chỗ ngồi mỗi khi hội họp thôi phường cũng đỡ vất vả hơn. Trước đây, cũng vì nhỏ lẻ quá nhiều tổ trưởng, trong khi hội trường sinh hoạt của phường chật hẹp nên nhiều cuộc hội họp không đủ chỗ ngồi.
Về mặt điều hành và quản lý, ông Công cho hay: việc sát nhập tổ dân phố rất thuận lợi cho địa phương. Nếu như trước đây tìm một người làm tổ trưởng cho tổ dân phố 30 hộ rất khó. Nhưng nay gộp lại, việc tìm người thuận lợi hơn, chất lượng tổ trưởng được tăng lên, vấn đề nhân sự dễ dàng hơn trước. Trước đây, vì nhỏ lẻ nên việc nhiều tổ dân phố bầu lên theo kiểu “có còn hơn không” nên hoạt động không hiệu quả.
Trước đây, hàng tuần họp giao ban, phường mời tổ trưởng nhưng không phải tổ trưởng nào cũng đi dự được. Nay đã khác, trường hợp tổ trưởng không đi được đã có tổ phó đi thay nên việc triển khai công việc cũng dễ hơn. Ngoài ra, cùng với việc sát nhập tổ dân phố, là chia tách chi bộ Đảng. Mỗi chi bộ phụ trách 3 – 5 tổ dân phố, đông đảo nên hoạt động đều hơn, các phong trào đoàn hội cũng mạnh mẽ hơn.
“Từ khi sát nhập, tăng số lượng hộ dân, có tổ trưởng và tổ phó nên tổ dân phố trên địa bàn như được hồi sinh, hiệu quả và thiết thực hơn trước!” ông Công cho biết.
Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Đà Nẵng cho biết: việc sắp xếp tổ dân phố đã giúp tinh gọn bộ máy, thực hiện đúng theo chủ trương của Bộ Nội vụ về việc khuyến khích sáp nhập tổ dân phố, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương. Mỗi tổ dân phố sau khi sắp xếp lại bố trí 1 tổ trưởng, 1 tổ phó để phối hợp, hỗ trợ trong công tác quản lý tổ chức hoạt động tổ dân phố thuận lợi; đồng thời, nâng cao hiệu quả hiệu lực trong quá trình tổ chức hoạt động ở khu dân cư, cụ thể như: tập trung được nhân dân, tạo sức mạnh trong nhân dân và các hoạt động, phong trào đoàn kết tại địa phương; đặc biệt, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được truyền tải đến với người dân một cách đầy đủ, thuận lợi hơn, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, đảm bảo các chỉ tiêu KTXH, ổn định ANTT tại địa phương.
“Đến nay, công tác sắp xếp tổ dân phố trên địa bàn thành phố đã hoàn tất; các địa phương đã hoàn chỉnh công tác bầu cử tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố sau khi thực hiện sắp xếp lại” ông Đồng cho biết.
Tiết kiệm gần 10 tỷ đồng/năm
Theo ông Võ Ngọc Đồng: Sau khi HĐND TP khóa IX, kỳ họp thứ 4 ban hành Nghị quyết về việc sắp xếp các tổ dân phố trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, UBND thành phố đã ban hành các quyết định và hướng dẫn sắp xếp tổ dân phố trên địa bàn thành phố. Do quá trình xây dựng đề án và lập thủ tục trình HĐND thông qua được chuẩn bị kỹ lưỡng từ tổ chức khảo sát, tọa đàm, đến lấy ý kiến cử tri tại khu dân cư nên khi tiến hành sắp xếp tổ dân phố không gặp khó khăn, trở ngại nào.
Riêng việc thay đổi điều chỉnh thông tin trong các giấy tờ, hộ khẩu của các hộ dân, ông Đồng cho biết: Chủ tịch UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, phường, xã, các cơ quan Trung ương, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tạo điều kiện thuận lợi nhất để giải quyết thủ tục hành chính cho công dân khi có yêu cầu trong trường hợp có liên quan đến việc thay đổi tên gọi tổ dân phố do sắp xếp lại theo chủ trương của thành phố; chủ động đối chiếu tên gọi tổ dân phố trước và sau khi sắp xếp, không yêu cầu công dân phải xác nhận tên gọi tổ dân phố khi giải quyết các thủ tục hành chính cho công dân.
UBND các phường có trách nhiệm phát hành thông báo thay đổi tên gọi tổ dân phố đến các hộ gia đình để biết và thực hiện các thủ tục hành chính liên quan khi có nhu cầu. Việc này được các phường thực hiện nghiêm túc, nhiều nơi đã phát hành thông báo việc sáp nhập tổ dân phố đến từng hộ gia đình.
Hiện nay, số lượng tổ dân phố trên địa bàn thành phố được thành lập theo Nghị quyết số 108/NQ-HĐND của HĐND thành phố là 2.784 tổ dân phố (giảm 2.965 tổ so với trước đây). Trong số này có 12 tổ dưới 50 hộ, 2.603 tổ từ 50 đến 90 hộ, 169 tổ trên 90 hộ. Mỗi tổ sẽ có 1 tổ trưởng (phụ cấp hàng tháng tương đương 0,5% mức lương cơ sở) và 1 tổ phó (0,3% mức lương cơ sở). Theo tính toán của ngành Nội vụ, sau khi sắp xếp, chỉ tính riêng kinh phí phụ cấp tổ dân phố, ngân sách thành phố tiết kiệm được 9,672 tỷ đồng/năm.