Thông tin trên được bệnh viện Đà Nẵng cho hay sáng 25/11. Theo đó, từ 1/10 - 24/11, bệnh viện tiếp nhận điều trị cho 28 ca bệnh Whitmore.
Bệnh này do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei sống trong môi trường tự nhiên gây ra. Bệnh gây áp xe, hoại tử nhiều cơ quan trong đó có da. Người và động vật có thể nhiễm bệnh khi tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bị nhiễm vi khuẩn, do hít phải các hạt nước hoặc bụi li ti có nhiễm vi khuẩn, uống phải nguồn nước có vi khuẩn. Nguy cơ gây bệnh qua tiếp xúc trực tiếp với vết xây xước nhỏ ngoài da.
Bệnh viện Đà Nẵng nhấn mạnh, bệnh thường gặp vào mùa mưa, tập trung từ tháng 7 – 11 hàng năm. Đặc biệt, mùa mưa lũ là điều kiện thuận lợi cho bệnh Whitmore phát triển.
Tại bệnh viện, ghi nhận nhiều ca mắc bệnh sau khi tiếp xúc với nước lũ, bùn non. Bệnh nhân Dương V.T. (46 tuổi, Đại Lộc, Quảng Nam) có vết bầm tím ở đùi. Sau lũ, anh T. dọn dẹp nhà cửa, lội nước lũ và bùn non khiến vết bầm bị sưng, nhức. Bệnh nhân được đưa tới BVĐK miền núi phía Bắc Quảng Nam rồi chuyển ra BV Đà Nẵng và điều trị bệnh Whitmore tại đây.
Một trường hợp khác là anh Lê.H.S (43 tuổi, quê Đại Thắng, Đại Lộc, Quảng Nam) cũng nhập viện sau khi dọn lũ với ngón chân sưng mủ, bị tiêu chảy và sốt.
Bệnh viện Đà Nẵng lưu ý người dân cần hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây bệnh như đất, nước, bùn lầy, đặc biệt những nơi có ô nhiễm nặng. Khi có vết thương hở trên da, vết loét hoặc bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có nguy cơ bị ô nhiễm và chứa vi khuẩn. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì phải sử dụng băng chống thấm, găng tay cao su, ủng cao su… và cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ, rửa sạch sẽ trước và ngay sau khi tiếp xúc.