> Biệt thự triệu đô cho thuê giá... nhà trọ
> 72 biệt thự triệu đô hoang vắng ở Dung Quất
Quỹ biệt thự kiến trúc Pháp đồ sộ
Đà Lạt là một trong những đô thị hiếm hoi của Việt Nam ngay từ khi mới hình thành đã được xây dựng và chỉnh trang theo những đồ án quy hoạch kiến trúc tiên tiến của những kiến trúc sư người Pháp tài hoa như E.Hébrard, Pineau, Mondet, Lagisquet… Những đồ án đó đã định hình một cách cơ bản dung mạo và cốt cách Đà Lạt là một tiểu Pari - vùng du lịch nghỉ dưỡng bậc nhất Đông Dương; chi phối quá trình phát triển kiến trúc Đà Lạt cho đến tận ngày nay.
Hơn 1.900 biệt thự (trong đó hơn 1.500 biệt thự được xây dựng trước 1975) được xây dựng ở Đà Lạt là sự chắt lọc tinh hoa kiến trúc của mọi miền nước Pháp. “Đó là bộ sưu tập kiến trúc rất Pháp, phong phú về thể loại, đa dạng về phong cách, nổi trội về chất lượng thẩm mỹ mà không đô thị nào của Việt Nam có được” - GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính nói.
Nhiều KTS tên tuổi khác cũng cho rằng Đà Lạt là khu bảo tồn kiến trúc Pháp tập trung và giá trị nhất trong hệ thống các đô thị Việt, cũng như đối với khu vực Đông Nam Á.
So với những thành phố còn lưu giữ được nhiều dấu ấn của kiến trúc và văn minh Pháp như Hà Nội, TPHCM… thì Đà Lạt nổi trội nhất. Không chỉ có quỹ biệt thự đồ sộ, việc tổ chức cảnh quan xung quanh các tòa nhà cũng rất đặc sắc.
Các công trình kiến tạo đều tuân thủ nguyên tắc tôn trọng cảnh quan để khéo léo hòa nhập vào khung cảnh tự nhiên sẵn có tạo nên một đô thị phong cảnh theo phong cách Tây phương. Địa hình địa mạo nhấp nhô uốn lượn với suối, hồ, thác nước, núi cao, đồi xanh khiến các biệt thự như thoắt ẩn, thoắt hiện, sang trọng và lãng mạn.
Lập bàn thờ cúng bái trong biệt thự ma. |
Sử dụng lãng phí
Nhiều năm qua, Đà Lạt đã lập đề án sử dụng hợp lý quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước với 178 ngôi, căn nhưng số biệt thự thực sự đưa vào kinh doanh du lịch là rất hạn hữu.
Hiện có tới 66 biệt thự dùng làm trụ sở của các cơ quan, 77 biệt thự cho 561 hộ thuê làm nhà ở tạm bợ, hàng chục biệt thự khác đã có chủ trương cho các doanh nghiệp thuê nhưng rồi bị bỏ hoang tàn.
Qua khảo sát đánh giá thực trạng kiến trúc Đà Lạt của cơ quan chức năng, chỉ có hơn 20% số biệt thự còn nguyên trạng hoặc được tu sửa, 30% hư hỏng nặng, xuống cấp trầm trọng, 50% bị cơi nới, cải tạo thay đổi về cơ bản cấu trúc diện mạo.
Trung tuần tháng 7 này, nghị trường HĐND tỉnh Lâm Đồng lại nóng lên về tình trạng sử dụng lãng phí các biệt thự. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng Huỳnh Đức Hòa đã thốt lên: Có lẽ không thành phố nào có nhiều biệt thự hoang như Đà Lạt. Giữa lòng thành phố mà có quá nhiều biệt thự hoang không sử dụng là trách nhiệm của các ngành, các cấp và cơ quan quản lý trực tiếp các biệt thự. Phải quan tâm hơn đến việc này, phải rút kinh nghiệm để sắp tới giải quyết. |
Gây dư luận bức xúc nhất là 11 biệt thự khá đẹp trên đường Nguyễn Du. Năm 2010, Tỉnh đã giao cho Cty CP Trung Thủy thuê để đầu tư kinh doanh du lịch nhưng Cty không đầu tư nâng cấp và đến cuối năm 2012 thì rút khỏi dự án.
Do buông lỏng quản lý nên nhiều ngôi nhà bị tháo dỡ, hư hỏng, xuống cấp và trở thành nơi tụ tập ăn chơi, chích hút của các thành phần bất hảo gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
Đối với hai ngôi biệt thự số 5 và 13 trên đường Trần Hưng Đạo, tỉnh cũng có chủ trương cho Cty Én Việt thuê từ 2010 nhưng họ không đầu tư và bỏ hoang cho đến bây giờ.
77 ngôi biệt thự do Trung tâm Quản lý nhà Đà Lạt quản lý nằm rải rác ở các tuyến đường trong thành phố, trong đó có 561 hộ đang ở. Các hộ mặc sức sửa chữa, cơi nới; tùy tiện xây thêm công trình phụ hoặc xây quán để kinh doanh trong khuôn viên khiến nhiều biệt thự xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ mất an toàn.
Tỉnh đã chỉ đạo giải tỏa, thu hồi toàn bộ số biệt thự này để giao các nhà đầu tư thuê phát triển du lịch. Tuy nhiên, do thiếu quỹ nhà tái định cư và một số nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết đền bù, tái định cư cho dân nên đến nay mới giải tỏa được 12 ngôi, căn.
Ngoài ra Đà Lạt còn một số biệt thự nằm ở vùng ven thành phố như đèo Prenn, Vạn Thành, Xuân Thọ… bị bỏ hoang. Một số ngôi, căn bị đồn thổi là nhà ma và trở thành nơi lập bàn hương án cầu cúng, khói hương nghi ngút. Nhiều người dân địa phương và khách du lịch tìm đến tham quan, chụp ảnh; xì xụp quỳ lạy, khấn vái.