“Hình ảnh hai người phụ nữ ám ảnh tôi cả đời”
Mất cha khi mới 2 tuổi, ông Tạo kể: “5 tuổi mẹ tôi đi bước nữa, tôi ở với ông bà ngoại bữa đói bữa no. Để phụ giúp ông bà, từ rất nhỏ tôi đã đi bán báo, đánh giày để kiếm thêm tiền mua gạo”.
NSƯT Hoàng Quân Tạo từng làm việc tại NH Kịch Hà Nội trong 40 năm |
12 tuổi ông Tạo bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng bằng việc thu thập đạn về cho đội du kích Hồng Hà.
Tháng 12/1946, khi Bác Hồ phát động toàn quốc kháng chiến, ông đi theo lực lượng tự vệ chiến đấu đục tường xuyên từ nhà nọ sang nhà kia, qua dọc ngang phố cổ để tạo thành con đường bí mật liên hệ giữa các lực lượng.
Đến tháng 6/1952, ông bị bắt tại 85 Hàng Đường và bị giam tại nhà tù Hỏa Lò. “Tôi bị giam ở khu Cachot (ngục tối), còn được gọi là ngục trong ngục. Mọi người đều bị cùm chân trong bóng tối, chỉ sau một thời gian ngắn sẽ bị phù nề vì xích và mờ mắt do thiếu ánh sáng và dưỡng khí.
Suốt 17 ngày đêm tôi bị tra tấn, trói vào ghế băng, lấy dây thừng quấn quanh, sau đó bị dùng bàn là nóng là chân cho đến bỏng chín. Tôi ngất thì bị hất nước vào mặt cho tỉnh. Sau này, mất 6 tháng trời tôi chỉ di chuyển bằng cách bò. Hơn nửa thế kỷ sau cũng không dám đi chân đất vì rát không đi được”, ông Tạo nhớ lại.
Nhưng sự tra tấn về thể xác ấy chưa là gì so với nỗi đau tinh thần mà ông Tạo phải chứng kiến. Cùng bị bắt với ông khi đó là nữ sinh Nguyễn Thị Điền, cũng là người yêu của ông. Biết được mối quan hệ này, những kẻ tra tấn đã thay nhau làm nhục bà Điền ngay trước mặt ông, khiến bà muốn chết nhiều lần mà không được.
“Lúc ấy tôi cũng ngất, đau đớn quá mà ngất. Trong lúc nửa tỉnh nửa mê tôi nghe văng vẳng có người hát “Làng tôi” của Văn Cao. Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm gối đầu lên đùi một chị phụ nữ. Tôi hỏi: Chị là ai, sao lại bị bắt? Chị bảo: Tôi làm giao liên ở Hải Dương, đêm đi công tác thì bị bắt. Rồi chị dặn tôi không được khai gì, phải nhớ lời chị! Chúng tôi chưa kịp hỏi tên, địa chỉ mà chỉ nói vài câu động viên nhau thì chị bị gọi tên. Chúng tôi đều biết đó là chuyến đi cuối cùng của chị. Còn người yêu của tôi, sau khoảng một năm bị giam giữ, chịu đủ mọi hình thức tra tấn mà không khai ra bất cứ điều gì, đã được ra tù và cô ấy tiếp tục hoạt động cách mạng. Hình ảnh hai người phụ nữ đó theo tôi suốt đời”.
Đưa kịch Lưu Quang Vũ lên sân khấu
Mê kịch nói nên ngay khi bị giam giữ trong Hỏa Lò, ông Tạo đã dựng nhiều vở kịch ngắn ngay tại xà lim để tuyên truyền cách mạng và cổ vũ anh em chiến sĩ. Sau khi Hiệp định Genève năm 1954 được ký kết, Hoàng Quân Tạo được thả tự do. Năm 1959, ông bắt đầu hoạt động sân khấu kịch chuyên nghiệp và là một trong 18 người tham gia thành lập đội kịch Đoàn Văn công nhân dân Hà Nội, tiền thân của Nhà hát Kịch Hà Nội ngày nay.
Được làm đúng công việc mà mình yêu thích, ông gần như lăn lộn cả ngày ở Nhà hát, dành toàn bộ thời gian để học nghề, học kiến thức, bù cho quãng thời gian đói khổ trước đó chưa từng được đến trường một cách tử tế. Con gái ông, chị Hoàng Thu Vân kể, cùng sống một nhà nhưng hai chị em ít khi được gặp bố bởi khi bố đi làm thì con chưa ngủ dậy, tối bố về con đã đi ngủ rồi.
Sau khi trở thành giám đốc của nhà hát Kịch Hà Nội, ông Tạo là một trong những người đầu tiên tìm đến Lưu Quang Vũ đặt hàng anh viết kịch bản.
Đạo diễn, NSƯT Hoàng Quân Tạo (tên khai sinh là Lương Bá Lưu) sinh năm 1932 tại Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội. Ông đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tặng Huy chương vàng với các vở diễn “Tôi và chúng ta” (năm 1985), “Nghĩ về mình” (năm 1990); được Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội trao giải thưởng với các vở diễn “Hà Nội đêm trở gió” (năm 1993), “Lũy hoa” (năm 1995)...
Ngoài ra, NSƯT Hoàng Quân Tạo còn tham gia nhiều vai diễn trong các phim truyện điện ảnh và phim truyền hình như vai Đôn trong phim “Cuộc chiến đấu vẫn tiếp diễn”, thầy giáo người Kinh trong phim “Rừng xà nu”, Phó tổng giám đốc trong phim “Chuyện tình biển xa”, Thủ tướng Phạm Hùng trong phim “Giải phóng Sài Gòn”...
Kịch bản “Tôi và chúng ta” do chính Hoàng Quân Tạo đạo diễn đã phải qua “năm chìm bảy nổi” với 11 lần chỉnh sửa mới chính thức được ra mắt. Sau đó, vở kịch trở thành “cơn địa chấn cả nước”, diễn hơn 1.000 đêm, trở thành hiện tượng hiếm có ở sân khấu nước ta từ thập niên 1980 đến nay. Lần đầu tiên trên sân khấu Việt Nam, nhân vật trong kịch là Ủy viên Trung ương giữ chức vụ Bộ trưởng. Cho đến tận mấy chục năm sau, khi nhớ về thời điểm đó ông Tạo vẫn có thể kể rành rẽ: “Hôm duyệt “Tôi và chúng ta”, tôi vô cùng lo lắng, dù được Thành ủy Hà Nội ủng hộ nhưng vở diễn có thể bị dừng lại. Nhờ mối quan hệ sẵn có, tôi đã mời đồng chí Hoàng Tùng (Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương) đến xem. Đồng chí Hoàng Tùng lại mời đồng chí Tố Hữu (khi đó là Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) cùng dự. Đêm duyệt kết thúc, khi ban lãnh đạo đoàn tiễn các vị lãnh đạo cấp cao ra ô tô, đồng chí Tố Hữu nói: “Vở diễn nói chung tốt”. Nhận xét của đồng chí Tố Hữu như một quyết định không chữ ký, cho phép đoàn được diễn cho công chúng”.
Suốt cả tháng trời sau đó, “Tôi và chúng ta” diễn ngày 3 suất ở Hà Nội và khi vào TP Hồ Chí Minh, buổi diễn nào rạp cũng kín chỗ và người ta đã phải kê thêm ghế ở lối đi. Những lời khen ngợi trên báo và dư luận xã hội khiến Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Linh đi xem. Vở diễn sau đó giành được Huy chương Vàng tại hội diễn sân khấu toàn quốc.