Kết có hậu
Hai bức tranh cổ động ở khu vực chợ Mơ của ông vua tranh cổ động Trường Sinh sáng tác 1981-1982, do nhà nước đặt hàng để mừng 30 năm Giải phóng Thủ đô. Ngoài ra, tượng đài ở khu vực ngã năm Ô Chợ Dừa, ga Yên Phụ, tác phẩm gò đồng biểu tượng công binh, sáng tác trong thời kỳ đó tới nay đều không còn do quá trình đô thị hóa.
Khi dự án mở rộng đường vành đai 2 thi công tháng 2 năm nay, may mắn thay họa sĩ Trường Sơn (con trai họa sĩ Trường Sinh) nắm bắt thông tin nên kịp giải cứu hai bức tranh ở chợ Mơ. Một bức gắn gốm mô tả cô gái trẻ cầm hoa vẫy chào đón khách ở cửa ô Hà Nội được họa sĩ Trường Sơn tháo từng mảnh đem cất giữ, chờ tạo dựng lại trong không gian riêng của gia đình. Còn bức đắp vữa 5 nhân vật tạo hình khỏe khoắn nhằm cổ vũ tinh thần đoàn kết của thanh niên trong các lĩnh vực nghề nghiệp của xã hội, đòi hỏi việc di chuyển cả mảng tường.
Tranh vữa không may bị phá dỡ một phần do máy ủi. Tác phẩm này cũng không nằm trong danh mục kiểm kê di sản của Hà Nội nên không được bảo tồn. Điều kỳ diệu đã đến. Tháng 3 vừa rồi, ông Martin Rama, Giám đốc Trung tâm Phát triển đô thị bền vững, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đề nghị hợp tác để bảo tồn. Hà Nội bèn chỉ đạo Sở VHTT làm đầu mối di dời tác phẩm ra vị trí phù hợp - là vỉa hè đường Trần Quang Khải, đoạn nối lên cầu Long Biên.
Tranh được di dời cách đây một tuần, tuy nhiên Trường Sơn cho biết do có chút khúc mắc về thủ tục nên gia đình đang phối hợp hoàn thiện để sớm thi công cố định tác phẩm. Ban đầu vị trí này bị nhầm là thuộc quận Hoàn Kiếm, thực tế lại thuộc quận Ba Đình nên toàn bộ thủ tục tiếp nhận phải làm lại. Gia đình cũng đang chờ ý kiến Sở Giao thông Vận tải, bởi khu vực vỉa hè này do Sở quản lý.
“Mỗi tác phẩm phục vụ từng thời kỳ, tác phẩm nghệ thuật cổ động này đặc trưng cho những năm 1980. Gia đình giữ được bức tranh là điều đáng mừng, bởi nó gắn với kỷ niệm của Hà Nội. Khi chúng tôi tới di chuyển tác phẩm, có những người tuổi còn trẻ nói cảm ơn tôi di dời tranh, bởi như thế là cách giữ lại tuổi thơ của họ, nghe cũng vui vui. Chưa kể ông Martin Rama còn bỏ tiền ra bảo tồn, tôi thấy xúc động và tự nhủ mình cần làm đến nơi đến chốn. Ông ấy không có trách nhiệm, không liên quan gì mà còn tâm huyết như thế, chẳng lẽ người Việt Nam lại không làm gì”, Trường Sơn nói.
Công viên nghệ thuật
Tự đánh giá bức tranh cổ động ở chợ Mơ chưa phải công trình quá to lớn so với nhiều công trình khác phải nhường chỗ cho đô thị hóa, tuy nhiên họa sĩ Trường Sơn nêu ý kiến: đôi khi phải sống chậm hơn một chút. Để nhìn lại những ký ức, lịch sử của thủ đô. Xã hội ngày nay quay cuồng trong guồng quay vật chất, những giá trị tinh thần và di sản chưa thực sự được đặt đúng chỗ. Ngay việc di dời này đều chủ yếu dựa vào sự vận động của gia đình và của cá nhân yêu di sản.
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn (giám tuyển dự án nghệ thuật công cộng Phùng Hưng) đề xuất vị trí đặt bức tranh cổ động gần cầu Long Biên. Anh đánh giá, tranh cổ động của Trường Sinh phản ánh công thức và dấu ấn lịch sử thời bấy giờ-ít dấu ấn cá nhân - nhưng lại có giá trị lịch sử. Anh đề xuất đưa tác phẩm về khu vực cầu Long Biên nhằm tạo ra trục nghệ thuật đô thị, nghệ thuật công cộng kết nối khu Phùng Hưng với con đường gốm sứ. Bức tranh cổ động này phù hợp để đối thoại với con đường gốm sứ. Ngoài ra vị trí đặt bức tranh kết nối với dự án nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân, tạo thành không gian đi bộ trên cầu Long Biên.
“Hiện có nhiều khách nước ngoài đi bộ trên cầu, tương lai cả không gian Bãi Giữa có thể phát triển các tuyến đi bộ, đi xe đạp. Hà Nội nên phát triển hướng ra bờ sông bởi chúng ta không còn nhiều không gian rộng giữa lòng đô thị nữa. Nếu có điều kiện, thành phố có thể kè bờ sông Hồng để nối khu Phúc Tân với Phúc Xá, cầu Long Biên và tạo thành khu liền kề phố cổ vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị sinh thái”, Thế Sơn phân tích. Hà Nội có được bài học từ dự án con đường gốm sứ: muốn phát triển bền vững phải dựa vào cộng đồng. Con đường gốm sứ mới ở dạng trang trí thành phố, nhưng lại bị biến thành nơi cho các công ty đặt logo chẳng khác nào pano quảng cáo và nhanh chóng xuống cấp.
Trục không gian nghệ thuật Phùng Hưng mở rộng ra cầu Long Biên, khu Bãi Giữa hoàn toàn có thể trở thành công viên trung tâm như ở New York. Không gian Bãi Giữa chừng 5 hecta tới nay gần như ổn định về dòng chảy, có thể phát triển kinh tế Bãi Giữa làm thành khu trồng cây, trồng hoa phát triển sinh kế cho cư dân ở đó, vừa tạo nên lá phổi xanh trong lành cho thành phố. “Đi liền với nguồn lực về kinh tế, cảnh quan và sinh thái là nghệ thuật cộng đồng, để cộng đồng ở đó hưởng lợi. Nếu chúng ta phát triển dự án này một cách có tổ chức và quy hoạch, nó sẽ trở thành nguồn lực cho thành phố, vừa có không gian để du khách và người dân hưởng thụ cảnh quan không kém Center Park ở New York”, Nguyễn Thế Sơn nói.