Cựu Thủ tướng Israel tiết lộ lời hứa của Tổng thống Putin

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cựu Thủ tướng Israel Naftali Bennett, người từng đóng vai trò trung gian ngắn ngủi khi Nga mới mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, vừa kể rằng ông đã thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin đảm bảo an toàn tính mạng cho người đồng cấp Ukraine, AP đưa tin hôm qua.

Ông Bennett đóng vai trò hoà giải bất ngờ trong những tuần đầu tiên của cuộc xung đột, và là một trong số ít lãnh đạo phương Tây gặp Tổng thống Putin trong chuyến thăm Mátxcơva vào tháng 3 năm ngoái. Dù nỗ lực của ông Bennett không có mấy tác dụng đối với cuộc xung đột kéo dài đến tận bây giờ, nhưng cuộc trả lời phỏng vấn của vị cựu thủ tướng tiết lộ câu chuyện ngoại giao hậu trường và những nỗ lực cấp bách nhằm tháo ngòi cuộc chiến ngay trong những ngày đầu.

Cựu Thủ tướng Israel tiết lộ lời hứa của Tổng thống Putin ảnh 1

Từ trái sang: Cựu Thủ tướng Israel Naftali Bennett, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Getty

Trong cuộc trả lời phỏng vấn, ông Bennett kể ông đã hỏi Tổng thống Putin rằng liệu nhà lãnh đạo Nga có đảm bảo an toàn tính mạng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hay không. “Tôi đã hỏi: “Điều này thì sao? Ngài có ý định sát hại ông Zelensky không”? Ông ấy nói: “Tôi không sát hại ông Zelensky”. Sau đó tôi nói: ‘Tôi phải hiểu rằng ngài đang hứa với tôi rằng ngài sẽ không sát hại ông Zelensky’. Ông ấy nói lại: ‘Tôi sẽ không sát hại ông Zelensky”, ông Bennett kể.

Ông Bennett sau đó gọi điện cho ông Zelensky để thông báo về cam kết của nhà lãnh đạo Nga. “Nghe này, tôi vừa dự một cuộc họp, ông ấy (Tổng thống Putin) sẽ không sát hại ông. Ông ấy (Tổng thống Zelensky) hỏi tôi có chắc không. Tôi bảo chắc chắn 100%”, ông Bennett nói. Cựu Thủ tướng Israel cũng cho biết, trong nỗ lực làm cầu nối đó, Tổng thống Putin khẳng định sẽ từ bỏ mục tiêu tước vũ khí của Ukraine và ông Zelensky phải cam kết sẽ không xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Đến thời điểm hiện tại, giới chức Nga và Ukraine chưa đưa ra bình luận về thông tin trên.

Ông Bennett mới làm thủ tướng hơn 6 tháng khi xung đột nổ ra nhưng đã cố gắng dấn thân vào nỗ lực ngoại giao quốc tế, sau khi ông đặt Israel vào vị trí đứng giữa Nga và Ukraine. Israel coi quan hệ tốt với Điện Kremlin là tài sản chiến lược để đối phó với Iran, nhưng cũng tham gia với phương Tây và ủng hộ Ukraine. Dù khi đó chưa được quốc tế biết đến nhiều, ông Bennett đã bay sang Mátxcơva để gặp Tổng thống Putin trong lễ Sa-bát của người Do Thái. Tuy nhiên, nỗ lực dàn xếp hoà bình của ông không thể duy trì lâu, vì nhiệm kỳ thủ tướng của ông sớm kết thúc. Chính phủ của ông Bennett sụp đổ từ mùa hè năm ngoái vì lục đục nội bộ. Ông Bennett sau đó rời khỏi chính trường và hiện chỉ là công dân bình thường.

Ukraine trả tự do cho 63 binh sĩ Nga

63 quân nhân Nga vừa được phía Ukraine trả tự do. Ngày 4/2, Bộ Quốc phòng Nga cho biết thỏa thuận hoán đổi bao gồm “những người thuộc diện nhạy cảm”. Tất cả các quân nhân này hiện đã ở Nga và đang được hỗ trợ y tế. Họ cũng đã liên lạc với gia đình. Phía Nga công bố đoạn video ghi lại cảnh các tù binh lên xe buýt ở Vùng Belgorod của Nga, giáp biên giới với Ukraine.

Ngày 4/2, ông Andrey Yermak, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, tuyên bố trên Telegram rằng Kiev đã đàm phán để phía Nga thả 116 người. Ông cho biết 87 người trong số họ là quân nhân Ukraine, trong đó có hai lính đặc nhiệm. Số còn lại là lực lượng bảo vệ lãnh thổ, vệ binh quốc gia, cảnh sát, biên phòng, hải quân và cứu hộ.

Từ khi xung đột bùng phát vào tháng 2 năm ngoái, Nga và Ukraine đã đàm phán nhiều đợt hoán đổi tù binh. Các thỏa thuận thường do các bên thứ ba làm trung gian, đáng chú ý nhất là Thổ Nhĩ Kỳ và Ả-rập Xê-út. Cuộc trao đổi tù nhân trước đó diễn ra vào đầu tháng 1. Bộ Quốc phòng Nga cho biết đang đàm phán để phía Ukraine trao trả 50 quân nhân đang đối mặt với “nguy hiểm chết người” khi bị giam giữ.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland vừa tuyên bố chuyển giao khối tài sản đầu tiên - bị tịch thu trước đó như một phần của lệnh trừng phạt chống lại Nga - cho Ukraine để chi trả cho việc tái thiết đất nước. Theo RT, khối tài sản trị giá 5,4 triệu USD được tịch thu từ doanh nhân Nga Konstantin Malofeyev với cáo buộc trốn tránh lệnh trừng phạt. “Với sự ủy quyền của tôi, số tài sản bị tịch thu sẽ được chuyển đến Bộ Ngoại giao để hỗ trợ người dân Ukraine”, ông Garland nói.

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.