Ông Boris Johnson trong một lần tiếp kiến Nữ hoàng Elizabeth II. (Ảnh: Getty) |
Trong cuốn sách sẽ lên kệ vào ngày 10/10 và được đăng một phần trên báo Daily Mail, ông Johnson kể lại những ngày cuối đời của Nữ hoàng tại Balmoral, Scotland.
Ông Johnson từ chức chỉ 2 ngày trước khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời vào tháng 9/2022. Trong thời gian sau đó đã có nhiều suy đoán về nguyên nhân thực sự khiến bà ra đi.
“Tôi đã biết trong hơn 1 năm trước đó rằng Nữ hoàng mắc một dạng ung thư xương, và các bác sĩ lo ngại bất cứ lúc nào bà cũng có thể rơi vào tình trạng suy sụp nghiêm trọng”, ông Johnson viết trong đoạn trích.
Đây là tiết lộ đầu tiên từ một cựu lãnh đạo cấp cao về nguyên nhân ra đi của Nữ hoàng. Trên giấy chứng tử của bà chỉ ghi nguyên nhân qua đời là “tuổi cao”.
Ông Johnson không phải là cựu thủ tướng đầu tiên hồi tưởng về cuộc sống, thời gian tại nhiệm và những lần gặp gỡ Nữ hoàng trong cuốn tự truyện. Các cựu lãnh đạo Anh như Tony Blair, Gordon Brown và David Cameron cũng đã làm vậy, nhưng chỉ kể chung chung và không có chi tiết sống động như trong cuốn tự truyện của ông Johnson.
Cung điện Buckingham có quy định không bình luận về các cuốn sách viết về gia đình Hoàng gia, do đó họ chưa xác nhận hay phủ nhận thông tin mà ông Johnson viết.
Trong cuốn sách, ông Johnson, người làm thủ tướng Anh từ năm 2019 - 2022, nhớ lại chuyến đi đến nơi ở của Hoàng gia tại Balmoral để thực hiện buổi tiếp kiến và từ chức. Khi đến nơi, ông được thư ký riêng của Nữ hoàng - Edward Young - đón và cho biết tình trạng của bà đã xấu đi đáng kể trong mùa hè năm đó.
Nhớ lại lần cuối cùng hai người ngồi cùng nhau trong phòng vẽ của Nữ hoàng, ông Johnson viết rằng ông hiểu ý của thư ký muốn nói gì.
“Bà ấy trông nhợt nhạt và lưng còng hơn, tay và cổ tay có nhiều vết bầm, có thể do truyền dịch hoặc tiêm”, ông Johnson viết.
“Nhưng trí tuệ của bà ấy, như Edward nói, hoàn toàn không bị bệnh tật ảnh hưởng. Thỉnh thoảng trong cuộc trò chuyện của chúng tôi, Nữ hoàng vẫn nở nụ cười trắng sáng tuyệt đẹp, làm bừng sáng bầu không khí”, cuốn sách viết.
Cựu Thủ tướng Johnson mô tả những buổi tiếp kiến hằng tuần với Nữ hoàng là “một đặc ân” và “liều thuốc an ủi”.
“Bà ấy toát ra một tinh thần phục vụ, kiên nhẫn và lãnh đạo đến mức khiến bạn thực sự cảm thấy rằng, nếu cần thiết, bạn sẽ sẵn sàng hy sinh vì Nữ hoàng. Điều đó nghe có vẻ kỳ lạ với một số người (và hoàn toàn hiển nhiên với nhiều người khác), nhưng lòng trung thành đó, dù có thể nguyên thủy đến đâu, vẫn là trái tim hệ thống của chúng ta”, ông viết.
“Bạn cần một người tử tế và khôn ngoan, vượt trên chính trị, để thể hiện những điều tốt đẹp nhất về đất nước của chúng ta. Nữ hoàng đã làm công việc đó một cách xuất sắc”, cựu thủ tướng Anh bình luận.
Nữ hoàng chưa bao giờ chia sẻ chi tiết về tình trạng sức khỏe của mình với công chúng. Các thành viên Hoàng gia có quyền riêng tư về sức khỏe như bất kỳ ai khác.
Vua Charles III và Công nương Catherine đã phá vỡ truyền thống và cởi mở hơn về tình trạng sức khỏe, để chia sẻ về việc điều trị và phục hồi sau khi phát hiện bệnh ung thư.
Tuy nhiên, cả hai đều không tiết lộ cụ thể loại bệnh ung thư mà họ phải chống chọi.