Cứu thành công thiếu niên bị rắn độc cắn liệt cơ hô hấp

Nạn nhân bị rắn cắn sau 10 ngày điều trị đã bình phục.
Nạn nhân bị rắn cắn sau 10 ngày điều trị đã bình phục.
TPO - Chiều 26/8, Trung tâm y tế huyện Yên Lập (Phú Thọ) cho biết, thiếu niên bị rắn độc cắn dẫn đến liệt cơ hô hấp đã hoàn toàn bình phục và xuất viện.

Trước đó, ngày 16/8, em Đ.X.L. (14 tuổi, ở xã Xuân Viên, huyện Yên Lập) bị rắn cắn vào đốt số 4 bàn chân trái. Do bị rắn cắn bất ngờ nên gia đình không xác định được loại rắn.

Đáng chú ý, sau bị rắn cắn L. xuất hiện các triệu chứng bị nhiễm độc nên gia đình lập tức đưa đến Trung tâm Y tế huyện Yên Lập.

Tại đây, L. được các bác sỹ tại khoa Cấp cứu- Hồi sức tích cực và Chống độc trấn an, thăm khám và làm các cận lâm sàng cần thiết. Ngón 4 chân trái của người bệnh có vết răng xước dài 3cm, không chảy máu, không bầm tím được xử trí vệ sinh và cho dùng thuốc.

Tiến hành chụp X-quang phổi, các bác sĩ nhận thấy hình ảnh lan tỏa hai bên trường phổi (nhu mô phổi 2 bên kém sáng dày thành phế quản). Sau khoảng 7 tiếng từ khi bị cắn, em L. khó thở nhiều, đau nhiều vùng cổ, không nói được, vật vã kích thích, tím môi và gốc mũi, phổi thông khí giảm.

Nhận định người bệnh nhiễm độc tố gây liệt cơ hô hấp, bác sĩ đã tư vấn, giải thích phương pháp cấp cứu và người nhà đã đồng ý để tiến hành đặt nội khí quản. Ngay sau đó, em L. được đặt ống nội khí quản với máy thở IPPV đồng thời theo dõi chỉ số sinh tồn qua máy mornitor 7 thông số.

Bệnh nhân đồng thời được dùng thuốc qua truyền tĩnh mạch, đặt sonde túi dẫn lưu, sonde dạ dày và hút đờm dãi,  cứ cách mỗi 4 tiếng được cho ăn cháo và sữa qua ống sonde. Sau 10 ngày điều trị tích cực, L. phục hồi hoàn toàn, khỏe mạnh để ra viện.

Bác sỹ chuyên khoa I Đinh Xuân Hạnh, Trưởng khoa CC, HSTC&CĐ Trung tâm y tế Yên Lập cho biết: Vào mùa mưa số bệnh nhân nhập viện cấp cứu do bị rắn độc cắn lại gia tăng. Nếu sơ cứu khi bị rắn độc cắn không đúng cách, nạn nhân có nguy cơ bị hoại tử chi, nhiễm trùng máu, hay thậm chí là tử vong.

Vì vậy sau khi bị rắn độc cắn cần nhanh chóng sơ cứu đúng cách với mục đích làm cho nọc độc của rắn từ vết cắn xâm nhập vào trong cơ thể chậm hơn và ít hơn. Sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có điều kiện điều trị thực sự (thí dụ cấp cứu hô hấp, tim mạch tốt hoặc có huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu) để được xử lý kịp thời.

MỚI - NÓNG