Ngày 25/8, bác sĩ Trần Quốc Tuấn - khoa ngoại thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - thông tin về 2 người bệnh bị túi phình động mạch não khổng lồ được điều trị bằng kỹ thuật đặt stent chuyển dòng.
Chị Tăng Diễm T. (31 tuổi, ngụ TPHCM) là nhân viên kế toán của một công ty bất động sản. Chị xuất hiện triệu chứng đau đầu liên tục trong 3 ngày. Uống thuốc giảm đau không ăn thua. Chị đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Dược và được cho chụp MRI. Kết quả phát hiện túi phình khổng lồ hình thoi trong động mạch não với chiều dài 40mm, đường kính 20mm. Sau khi hội chẩn cùng các chuyên gia Nhật và Úc, ê kíp phẫu thuật khoa ngoại thần kinh đã quyết định đặt 2 stent chuyển dòng lồng vào nhau để che phủ đoạn mạch máu phình. Bệnh nhân đã phục hồi hoàn toàn ngay sau mổ.
Trường hợp thứ 2, bà Nguyễn Thị S. (61 tuổi, ngụ Sóc Trăng) nhập viện do đau đầu âm ỉ kéo dài, nhưng không có biểu hiện yếu liệt. Bà có tiền căn tăng huyết áp, đái tháo đường đang trong giai đoạn điều trị. Cũng qua kết quả chụp MRI, bác sĩ phát hiện túi phình rất lớn tại động mạch não bên trái nội sọ, với kích thước 35x20mm. Người bệnh cũng được điều trị bằng stent chuyển dòng và đặt coils (các vòng xoắn kim loại) túi phình để hạn chế nguy cơ tai biến mạch máu não do túi phình gây ra về sau.
Theo bác sĩ Tuấn, thông thường các túi phình chỉ dài 3-5mm. Bệnh lý túi phình khổng lồ trong mạch máu não có thể lớn gấp 10 lần như thế có thể gặp ở người già và cả người trẻ tuổi. Tuy nhiên rất hiếm gặp. Thống kê cho thấy túi phình động mạch não nói chung có ở khoảng 3% dân số châu Âu-Mỹ, trong đó 5-8% là túi phình khổng lồ.
Túi phình khổng lồ động mạch não có nguy cơ tai biến xuất huyết và/hoặc nhồi máu não về sau rất cao. Bên cạnh đó, khoảng 60-70% các người bệnh có túi phình khổng lồ động mạch não sẽ trở nặng sau 5 năm và nguy cơ tử vong là rất cao lên đến 70-90%.
Phương pháp đặt stent chuyển dòng để điều trị bệnh lý này ra đời vào năm 2005. Từ năm 2007, sau các cuộc thử nghiệm trên mô hình và trên động vật, phương pháp mới này bắt đầu được áp dụng điều trị thử các túi phình khổng lồ trên người, với 53 bệnh nhân ở Buenos Aires, Argentina. Năm 2009, kết quả công bố của nghiên cứu được đánh giá là một cuộc cách mạng khi hơn 90% các túi phình được chữa khỏi hoàn toàn sau 1 năm với tỷ lệ tử vong, tàn tật sau điều trị thấp, dưới 5%.
Vào năm 2011, sau nhiều nghiên cứu tương tự chứng minh được hiệu quả của stent chuyển dòng, phương pháp này được công nhận chính thức ở Hoa Kỳ bởi FDA - là cơ quan xét duyệt các phương pháp điều trị ứng dụng ở Mỹ. Từ đó phương pháp này nhanh chóng trở nên phổ biến trên toàn thế giới.
Ở Việt Nam, stent chuyển dòng được áp dụng lần đầu vào các năm 2012-2013 tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Từ 2015-2016, phương pháp này bắt đầu được ứng dụng tại các bệnh viện ở miền Nam. Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM là một trong các bệnh viện tiên phong trong việc triển khai phương pháp này.