Bị cán bộ gây khó phải bán nhà đền
Chiều 20/7, phiên xét xử vụ án chuyến bay giải cứu tiếp tục với phần bào chữa của luật sư và tự bào chữa của 54 bị cáo.
Trong phần tự bào chữa, bị cáo Trần Thị Mai Xa (Giám đốc Công ty Cổ phần Giáo dục Masterlife) trình bày, trong các bút lục điều tra thể hiện bị cáo xin cấp phép chuyến bay đầu tiên vào tháng 5/2021. Đây là lần bị cáo có hành vi vi phạm mà nguyên nhân xuất phát từ văn bản từ chối của Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an.
Theo Xa trình bày, vì Cục Quản lý xuất nhập cảnh ban hành công văn không chấp thuận cấp phép chuyến bay khiến bị cáo sốt ruột, bởi trong tháng 4 trước đó đã phải hoãn một chuyến do không đủ khách. Sự cố này khiến bị cáo phải bán nhà bồi thường cho đối tác, khách hàng.
Lần này sát ngày bay vẫn "vướng", bị cáo Xa đã gọi điện sang Phòng bảo hộ công dân Cục Lãnh sự và nhận lời khuyên "em sang Bộ Công an xin xem thế nào”.
“Nghe xong bị cáo rất run, thời điểm đó bị cáo như rơi vào thế ‘chim ngã mà sợ cành cong’, vì không còn nhà để bán”, bị cáo Xa nói.
Vẫn theo bị cáo Xa, sau đó, bị cáo đã gặp bị cáo Vũ Sỹ Cường (cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an) và nhận được câu trả lời “sếp không biết doanh nghiệp em là ai cả”. Nghe xong, Xa cảm thấy ấm ức trong lòng vì đang làm việc tốt theo chủ trương nhân đạo của Nhà nước mà nhận câu nói "rất khó nghe".
Theo lời bào chữa của Xa, bị cáo Cường sau đó trao đổi thẳng thắn “để giải quyết nhanh em làm theo cơ chế cảm ơn đi, không kịp thì sẽ khó lắm”.
Nghe gợi ý của Cường, bị cáo Xa nhận ra doanh nghiệp của mình đang phụ thuộc vào chính quyền mới xin được giấy phép. Đây là lý do khiến bị cáo buộc phải đi xoay tiền “lo lót”.
“Đáng lẽ ra Cục Lãnh sự phải đi lo giấy tờ cho doanh nghiệp vì đây là đơn vị đầu mối. Đến bây giờ bị cáo rất giận Cục Lãnh sự đã để bị cáo rơi vào hoàn cảnh khó khăn, dẫn đến một loạt các sai phạm”, Trần Thị Mai Xa nghẹn giọng.
Bị cáo Trần Thị Mai Xa. |
'Trách móc'
Nhớ lại trên những chuyến bay đã tổ chức, Xa kể lại có một chuyến 240 chỗ ngồi nhưng dành chỗ 10 để hũ tro cốt những người chết vì dịch Covid-19.
Nhìn những hũ tro cốt đó, bị cáo Xa đặt câu hỏi với các cựu cán bộ “tại sao không cấp phép tổ chức các chuyến bay cho Công ty?” nhưng Cục Lãnh sự trả lời rằng “chưa cấp thiết”.
“Bị cáo hỏi rằng trong lúc dịch bệnh cả thế giới đang hoảng loạn, như thế nào mới là cấp thiết? Trên chuyến bay các hũ tro đều của người chết bệnh vì Covid-19, nếu như có hàng chục hũ thì cấp thiết hay không?”, bị cáo Xa tự đặt câu hỏi.
Những giây phút bào chữa cuối cùng, đã có lúc bị cáo Xa ngoái phía sau nhìn các bị cáo, rồi nói “hôm nay lương tâm của các anh chị - những người là nguyên nhân gây sai lầm cho dù đã nhận sai nhưng trong lòng em vẫn trách".
“Đối với các bị cáo là đại diện cho doanh nghiệp phải ra tòa hôm nay đáng bị cách ly ra khỏi đời sống xã hội hay không, bị cáo rất mong nhận được sự chia sẻ của HĐXX", bị cáo Xa nói.
Cáo trạng xác định, Công ty Cổ phần Giáo dục Masterlife với ngành nghề hoạt động du lịch, lữ hành. Trong quá trình tổ chức các chuyến bay giải cứu, bị cáo Trần Thị Mai Xa đã sử dụng pháp nhân Công ty Masterlife, cùng các Công ty Mỹ Thuật Quang Trung, Công ty Thắng Lợi, Công ty Nam Á, tổ chức được 18 chuyến.
Để được cấp phép, từ tháng 6/2021 – 1/2022, Xa đã liên hệ, đặt vấn đề và đưa hối lộ tổng số tiền hơn 8 tỷ đồng cho 8 cá nhân, gồm: Bị cáo Vũ Anh Tuấn, Vũ Sỹ Cường, Phạm Trung Kiên, Tô Anh Dũng, Nguyễn Thị Hương Lan, Đỗ Hoàng Tùng, Lê Tuấn Anh, Ngô Quang Tuấn.
Quá trình điều tra, bị cáo Xa đã tác động gia đình khắc phục hậu quả hơn 1,8 tỷ đồng.