Tiền hối lộ hơn 42,6 tỷ đồng đem đi mua đất
Ngày 12/7, phiên xét xử vụ án “chuyến bay giải cứu” tiếp tục với phần xét hỏi nhóm bị cáo phạm tội “Đưa hối lộ” và “Nhận hối lộ”.
Trả lời câu hỏi của HĐXX, bị cáo Phạm Trung Kiên khai, trong việc tổ chức các chuyến bay giải cứu, với vị trí thư ký thứ trưởng, bị cáo Kiên có nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ của các đơn vị gửi đến, rồi chuyển cho thứ trưởng xem xét. Còn với các chuyến bay combo, bị cáo tiếp nhận hồ sơ từ Cục Y tế dự phòng, trình lên thứ trưởng luôn.
Bị cáo Phạm Trung Kiên. |
Theo lời khai của Kiên, từ tháng 6/2021, các chuyến bay của doanh nghiệp diễn ra bình thường, song từ tháng 7/2021, đại diện các doanh nghiệp mới dần tiếp xúc với bị cáo để nhờ đề xuất lên cấp trên xem xét tiếp hồ sơ.
“Lần đầu tiên gặp thứ trưởng tôi được nhắc nhở tất cả mọi hồ sơ khi tiếp nhận đều phải trình lên ngay để thứ trưởng xem xét. Nếu làm muộn có thể bị đuổi việc”, Kiên khai và cho rằng, bản thân đã làm tốt nhiệm vụ “trung chuyển” này.
Về hành vi nhận hối lộ, Kiên thừa nhận như cáo trạng truy tố, song bị cáo cũng cho hay, tất cả mức “chi” đều do doanh nghiệp chủ động đưa ra, bị cáo không ép, không quát tháo như lời khai của nhóm bị cáo đại diện cho doanh nghiệp trước đó.
“Bị cáo có đủ căn cứ khẳng định mình không hề quát tháo, ép buộc ai, cái này cơ quan điều tra có thể chứng minh, bản thân doanh nghiệp họ tự nguyện đưa”, Phạm Trung Kiên quả quyết.
Bị cáo Tô Anh Dũng |
Về số tiền hơn 42,6 tỷ đồng đã nhận của doanh nghiệp, Kiên khai đem đầu tư mua một số mảnh đất tại huyện Ba Vì, Hoài Đức và ở Mũi Né (Bình Thuận). Ngoài ra, Kiên cho người thân ở Thái Bình vay mượn.
Được gọi đứng lên đối chất, bị cáo Đào Minh Dương (Chủ tịch HĐQT Cty Vijasun) cho biết, hồi tháng 9/2021, có đi cùng bị cáo Phạm Bá Sơn (nhân viên Cty Thái Hòa) lên gặp Kiên tại phòng họp của Bộ Y tế.
“Tại cuộc gặp tôi chứng kiến bị cáo Kiên quát “tôi lạ gì các anh” mỗi tàu bay, bay về thu hàng mấy tỷ đồng. Sau khi quát mắng Sơn, Kiên lại nói “các anh đã nộp cho bên Bộ Công an 150 triệu đồng một chuyến thì cũng chuyển cho bên tôi như thế”, bị cáo Dương nói.
Còn bị cáo Phạm Bá Sơn cho hay, bản thân nhớ trong cuộc gặp đã xin Kiên giảm xuống 100 triệu đồng cho việc cấp phép một chuyến bay. Song Kiên “làm ngơ” và nói “chi như vậy là theo ba-rem rồi”.
Cựu quan chức nhận thức hàng chục tỷ đồng hối lộ là “quà cảm ơn”
Khai với HĐXX, bị cáo Nguyễn Quang Linh (cựu trợ lý phó thủ tướng) cho biết, trong giai đoạn tổ chức các chuyến bay giải cứu, bị cáo không được phân công nhiệm vụ gì. Thời điểm đó, thông qua ông Vũ Ngọc Quyền, Phó vụ trưởng Vụ Thư ký - Biên tập, giới thiệu bị cáo Hoàng Anh Kiếm (lao động tự do) đến gặp bị cáo Linh xin cấp phép chuyến bay. Bị cáo Linh khẳng định chỉ giúp đỡ hướng dẫn hồ sơ sao cho hợp lệ.
Ngoài tư vấn hồ sơ, bị cáo Linh đã giới thiệu bị cáo Kiếm với bị cáo Nguyễn Tiến Thân (cựu chuyên viên Vụ Quan hệ quốc tế) để được hỗ trợ giải quyết, giúp đỡ cho Cty Lữ Hành Việt. Sau khi giúp đỡ, bị cáo Linh đã nhận 180.000 USD từ Hoàng Anh Kiếm và nhận 100 triệu đồng từ Nguyễn Mai Anh (cựu chuyên viên Vụ quan hệ Quốc tế).
Khi nhận tiền, bị cáo không đưa tiền cho bất kỳ ai”, ông Linh khai và nhận thức việc doanh nghiệp đưa tiền là “cảm ơn”. Sau khi bị điều tra, bị cáo đã động viên gia đình nộp lại 4,5 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án.
Còn cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng thừa nhận, quá trình thực hiện cấp phép các chuyến bay, ông này có tiếp xúc với một số doanh nghiệp, cụ thể là 13 doanh nghiệp đã nêu trong bản kết luận điều tra và cáo trạng truy tố.
“Thời điểm đó bị cáo cũng nể nang và cũng muốn nghe những khó khăn vướng mắc của họ. Và trong số các doanh nghiệp đó, bị cáo nhớ có khoảng 7 doanh nghiệp tham gia vào công tác chuyến bay giải cứu”, ông Dũng khai.
Về cáo buộc nhận hối lộ 14,1 tỷ đồng và 320.000 USD, bị cáo Dũng cho hay, quá trình giải quyết công việc, ông không ra điều kiện, yêu cầu gì. Sau khi các doanh nghiệp hoàn thành đợt tổ chức chuyến bay, họ tự đến gửi quà “cám ơn” và cho rằng, tại thời điểm nhận tiền không biết mình đã vi phạm.
Trong phiên xét hỏi hôm nay, bị cáo Trần Văn Tân, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khi trả lời HĐXX đã khai nhận hối lộ 9 lần, tổng số 5 tỷ đồng từ bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng, đại diện Cty Bluesky.
Theo cựu Phó Chủ tịch Quảng Nam, lần đầu Hằng đưa tiền, ông nghĩ là “cảm ơn”, muốn trả lại nhưng “vướng công tác phòng chống dịch… nên quên”.
Khi Chủ tọa hỏi: “Lần đầu bảo “cảm ơn thì được”, nhưng bị cáo nhận tiền đến 9 lần?” Ông Tân cho hay, lần thứ 2 đưa tiền, Hằng nói là quà sinh nhật và bị cáo cầm rồi, nghĩ trả lại khó nên “dùng làm việc thiện”. Hiện số tiền 5 tỷ đồng được ông Tân nộp lại khắc phục hậu quả.
Còn bị cáo Chử Xuân Dũng (cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội) khai, quá trình thực hiện chủ trương cách ly y tế có nhiều doanh nghiệp đến làm việc, đồng thời đưa hối lộ 2 tỷ đồng.
“Hành vi nhận tiền của bị cáo là hoàn toàn sai, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng và trên cương vị là Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội”, ông Chử Xuân Dũng nói.
Đưa hối lộ nhiều quá không nhớ hết chi tiết
Cũng tại phiên xét xử diễn ra ngày hôm qua (12/7), bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng - người đưa 2,6 triệu USD cho bị cáo Nguyễn Anh Tuấn (nguyên Phó Giám đốc Công an Hà Nội) để nhờ “chạy án” đã có lời khai về sự việc này. Cụ thể, bị cáo Hằng cho biết, khi vụ án có dấu hiệu bại lộ, bà đã đến gặp bị cáo Nguyễn Anh Tuấn để xin “tư vấn” thì được giới thiệu với bị cáo Hoàng Văn Hưng, khi đó là Trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an - là điều tra viên vụ án chuyến bay giải cứu, để tìm cách “chạy án” cho bản thân và Lê Hồng Sơn (Tổng giám đốc Cty Bluesky). Tổng cộng, bị cáo đã đưa 2,6 triệu USD cho ông Tuấn, còn ông Tuấn đưa tiền cho điều tra viên Hoàng Văn Hưng thế nào, Hằng không được biết.
Bị cáo này còn thừa nhận, đã đưa hối lộ tổng cộng 63 lần với tổng số tiền hơn 38,5 tỷ đồng để xin cấp phép và tổ chức 109 chuyến bay giải cứu. Theo Hằng, bị cáo không thể nhớ hết được chi tiết việc đưa tiền, bởi quá nhiều lần và nhiều người.