Cứu người, cứu ta

0:00 / 0:00
0:00
TP - Việc bùng phát làn sóng COVID-19 thứ tư ở Việt Nam, virus SARS-CoV-2 không dừng lại ở việc lây lan trong cộng đồng hay đe doạ tính mạng con người mà đã bắt đầu thực hiện cuộc “tấn công” vào cơ thể nhiều doanh nghiệp.

Trên thực tế, khi “chui” vào nền kinh tế, virus này đã tạo thành những đợt sóng ngầm tàn phá không thương tiếc một loạt các lĩnh vực, các ngành. Hàng không, du lịch, vận tải điêu đứng đã đành, các lĩnh vực khác như bất động sản, sản xuất tiêu dùng, vui chơi giải trí, rạp phim... cũng trong tình cảnh ngấm đòn.

Những doanh nghiệp có đời sống kinh doanh bị ảnh hưởng trực diện hơn 1 năm qua có thể mô tả thế này: Đứt gãy dòng tiền do đứt gãy chuỗi cung ứng, tỷ trọng vay mượn ngân hàng để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh vốn cao, nay không hoạt động được dẫn tới tình cảnh lay lắt sinh tồn. Đặc biệt, với cơn bão COVID lần thứ tư này, cho thấy virus nợ xấu đã hoàn tất việc “thâm nhập” vào cơ thể họ, đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình thế có nguy cơ bị siết nợ, mất tài sản, thậm chí hoàn toàn tay trắng.

Điểm lại để thấy sự hành hoành của virus COVID-19 mạnh đến mức khiến nhiều doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức cùng đồng loạt gửi đơn thư kêu cứu lên Chính phủ. Điểm đặt chung đề xuất - đó là xin Thủ tướng chỉ đạo các Ngân hàng cho giãn nợ, khoanh nợ, cho vay mới, hỗ trợ giảm lãi suất, hay đề nghị Bộ Tài chính giảm thuế, phí, đi kèm xin ngân sách, cơ chế hỗ trợ đặc biệt ngành…

Một điều đáng lưu ý, không chỉ doanh nghiệp mà tại các ngân hàng, nợ xấu bắt đầu “dềnh” lên, và tiềm ẩn nguy cơ kéo giới nhà băng quay trở về quỹ đạo nợ xấu (mà vốn dĩ phải rất chật vật nhiệm kỳ qua, cả hệ thống ngân hàng mới thoát ra được). Báo cáo mới nhất cho thấy tính đến hết quý 1/2021, nợ xấu tại một số ngân hàng vọt lên trông thấy với những con số hàng ngàn tỷ đồng.

“Bộ phận quản lý rủi ro và xử lý nợ của ngân hàng ngập đầu việc, hồ sơ chất ngất từng chồng”, một Phó Tổng phụ trách quản lý rủi ro ngân hàng cổ phần khá lớn, trụ sở phía Bắc chia sẻ và theo lời anh, quy trình xử lý nợ xấu vẫn bao gồm các biện pháp nghiệp vụ điển hình như: Đôn đốc thu hồi nợ, cố gắng cơ cấu lại nợ nếu đúng đối tượng; còn trường hợp khi nợ đã rơi vào nhóm xấu thì sớm muộn buộc ngân hàng phải dẫn tới khoanh, siết nợ, thu hồi và thậm chí bán thanh lý tài sản đảm bảo.

Làm gì để cứu doanh nghiệp lúc này và cũng để đánh tan virus nợ xấu ra khỏi sự đeo bám, ăn ruỗng cơ thể họ? Theo một chuyên gia tài chính ngân hàng, nếu chỉ xử lý như quy trình kể trên, tất yếu ngân hàng vẫn luôn đúng về lý, nhưng hẳn sẽ chưa thuận về tình. “Hơn lúc nào hết, đây là lúc ngân hàng nên lắng nghe các kiến nghị tha thiết từ doanh nghiệp. Hãy xem và chia sẻ giúp họ được điều gì? Hay cùng ngồi lại với doanh nghiệp, tìm giải pháp tình thế để họ duy trì cơ hội sống tạm thời, kể cả cần nên “bơm” thêm “máu tín dụng”, vị chuyên gia này đề nghị.

Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, có thể nói đến lúc này, diện mạo bộ mặt ngành Ngân hàng đã sáng lên rất nhiều khi tỉ lệ nợ xấu toàn ngành giảm dưới 3%; các ngân hàng đều có báo cáo tài chính sạch, nợ xấu không chỉ được bán cho Công ty khai thác và quản lý tài sản (VAMC) mà còn được chính các nhà băng tự mua về xử lý và làm sạch bảng cân đối . Nhưng với thời Covid-19 này, “bóng ma” nợ xấu đang ám ảnh quay trở lại. Đã đến lúc, các ngân hàng cần mạnh tay chia sẻ hơn thông qua cắt giảm lợi nhuận, hạ tiếp lãi suất cho vay, chấp nhận “gánh” một phần rủi ro bất khả kháng đến từ Covid.

Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, cứu doanh nghiệp tức là cũng tự cứu mình.

MỚI - NÓNG