Chín cửa sông gồm Cửa Tiểu, Cửa Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu, Định An, Ba Thắc (Bassac) và Trần Đề. Trong đó, cửa sông Bassac giờ chỉ còn như một kinh đào nhỏ, cửa sông Ba Lai được thay bằng hệ thống cống đập ngăn mặn, chặn vĩnh viễn dòng chảy, chỉ xả lũ ra cửa biển khi cần qua hệ thống 10 cửa đóng mở tự động.
Cơn khát 2 bờ cống đập Ba Lai
Sông Ba Lai là nhánh rẽ của sông Tiền, tại xã Phú Túc (huyện Châu Thành, Bến Tre), dài 55 km, là ranh giới tự nhiên giữa cù lao An Hóa và cù la Bảo của 3 đảo dừa Bến Tre. Hiện cửa sông Ba Lai bị lấp dòng bởi cống đập Ba Lai tại xã Thạnh Trị (huyện Bình Đại) và nối bên bờ kia là xã Tân Xuân (Ba Tri).
Cống đập Ba Lai được đưa vào sử dụng năm 2002, gồm 10 cửa, vận hành bằng van tự động 2 chiều. Theo quy hoạch, cống đập phục vụ cho hơn 115.000 ha, trong đó có 88.500 ha đất sản xuất nông nghiệp, nuôi thủy sản của các huyện trong vùng.
Cống đập Ba Lai chặn đứng dòng nước sông cách cửa biển gần 10 km, đã gây nên tiếng khóc cười trái ngược của người dân 2 bờ Ba Tri, Bình Đại. Người dân Bình Đại chưa thụ hưởng được gì từ việc ngăn mặn đã khóc vì… khát mặn. Vùng đất nhiễm phèn mặn nghìn đời nay người dân háo hức đào ao, lên vuông nuôi tôm, nhưng bỗng dưng không có nước mặn. Có người phải vay tiền mua máy bơm, ống dẫn nước, có người khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm…
Vợ chồng anh Nguyễn Thanh Hùng (42 tuổi, nhà ngay chân cống đập Ba Lai) nói: "Khi chưa có đập ngăn mặn, mỗi ha nuôi tôm kiếm ít nhất nửa tỷ đồng lời mỗi năm. Nay nước ngọt chưa có, nếu có thì trồng lúa cả năm cũng có vài chục triệu đồng. Lợi ích dài lâu chưa thấy, giờ chỉ thấy khổ quá trời".
Chú Tám, một ông già Ba Tri chánh hiệu, cười khà khà: "Mấy ổng tính dở ẹt. Chú mày nhìn xem, phía thượng nguồn sông Ba Lai nối liền với sông Tiền, trung lưu nối sông Hàm Luông ăn thông ra biển. Mùa mặn năm 2010, mực nước sông Cửu Long xuống thấp kỷ lục, nước biển theo sông Mỹ Tho và sông Hàm Luông tiến vòng 2 bên vào vùng ngọt hóa với tốc độ nhanh hơn trước khi có đập Ba Lai. Cống Ba Lai mất tác dụng ngăn mặn, tỉnh Bến Tre nhiễm mặn trên diện rộng".
Hàng tháng, cống đập Ba Lai xả nước ngọt vào ngày 14 và 28 với khối lượng tùy theo độ nhiễm mặn phía biển. Nhưng oái oăm, hễ nước ngọt tuôn xả, phía hạ lưu những hộ nuôi tôm, sò, hến và các loại thủy sản khác có nguy cơ thiệt hại rất lớn. Ông già Tám tợp một ly rượu Phú Lễ, đánh tay mạnh xuống đùi: "Chú mày thấy chưa, dòng sông đã "chết" thì con người sống làm sao yên". Tôi định nói ông già Ba Tri bi quan, nhìn thiển cận nhưng sợ ông nổi giận rầy la nên lặng thinh nghe ông nói chuyện nhân tình về con sông Ba Lai mấy đời tắm gội.?
Ảnh chụp ĐBSCL từ vệ tinh. |
“Sông kia giờ đã nên cồn"
Không còn mấy người dân ở Cù lao Dung (Sóc Trăng) còn nhớ rành mạch về con sông Ba Thắc (Bassac, Bách Sác) ngày xưa. Cuộc bể dâu của người dân sống ven cửa biển rày đây, mai đó, lênh đênh phận thương hồ, nhớ về một dòng sông nay không còn nữa là chuyện xa lạ. Cũng đúng thôi. Trong ký ức của vài người, chỉ có con sông nhỏ hay gọi Rạch Cồn Tròn, hình như xưa là sông Ba Thắc đổ ra cửa biển trên bản đồ địa lý thời Pháp khoảng năm 1952.
Từ Vàm Đại Ngãi, nơi tiếp giáp sông Hậu rẽ ra 3 nhánh sông Định An, Ba Thắc và Trần Đề đổ ra biển Đông. Cù Lao Dung nổi lên như một trung tâm các cồn nổi liên tiếp nhau do phù sa bồi đắp, khiến lượng nước đổ vào sông Ba Thắc cứ thế mà ít dần đi, rồi mất đi trong sự lãng quên của con người. Cô Hai Tâm, nhà ở ngay bến đò cũ cho biết: Có lúc tui nhìn thấy con sông thành rạch nhỏ, hai bờ cách nhau chừng 7-8 mét thôi. Cửa sông đã bị mất từ khoảng năm 1970 đến giờ.
Xã An Thạnh Nam của Cù Lao Dung là doi đất chót cù lao tiếp giáp biển. Cụ Hai Quang, gần 80 tuổi, kể: Do nhiều năm bị phù sa bồi đắp, đất nổi lên nhiều cồn khiến sông Ba Thắc bị uốn dòng chảy, cửa sông cạn và mất dần. Lâu rồi, cửa Ba Thắc không còn hiện hữu, cũng không còn được mấy người nhớ đến. Phần lớn diện tích xã An Thạnh Nam ngày nay nằm giữa miệng sông Bassac ngày trước…Bây giờ, sông Bassac chỉ còn là con sông nhỏ với tên là rạch Cồn Tròn khởi thủy từ Cồn Cát chảy qua Cồn Chén, Vàm Ông Tam, Rạch Bàn Một, Rạch Tráng đổ ra cửa Trần Đề...
Cửu Long sắp thành Thập Long
Cửu Long nay chỉ còn "Thất Long", nhưng cũng biết đâu, ngày mai sẽ thành "Thập Long"? Các tỉnh miền Tây Nam bộ giờ đã hình thành nhiều các cụm, khu công nghiệp và hình thành hệ thống cảng sông vận tải, giao thương hàng hóa XNK như cảng Sa Đéc (Đồng Tháp), cảng Mỹ Thái (An Giang), cảng Cần Thơ.? Tìm luồng ra biển Đông cho những con tàu lớn chở lúa gạo, nông thuỷ sản ĐBSCL xuất khẩu là sự thách đố với giao thông đường thủy hơn 20 năm qua, là ước mơ của hơn 20 triệu nông dân đất Chín Rồng
Hạt phù sa đồng bằng đem về cho người dân cơm no áo ấm, giàu có nhưng cũng là vật cản đường phát triển XNK ra biển. Nhớ lại năm 2005, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Đào Đình Bình dẫn đầu đoàn khảo sát thực địa về đề xuất của Cơ quan tư vấn SNC Lavalin Canada về việc đào kênh Đại An dài 10km trên địa phận tỉnh Trà Vinh, tận dụng kênh Quan Chánh Bố để nối luồng sông Hậu với biển, tránh cửa Định An bị sa bồi nghiêm trọng. Việc này thành công, tàu 1-2 vạn tấn có thể dễ dàng ra vào cảng Cần Thơ. Như vậy, trong tương lai gần, mảnh đất Chín Rồng có thể sẽ có thêm một con Rồng mới trở thành Mười Rồng. Dự tính kinh phí ngày đó khoảng 150-200 triệu USD.
Mặt trời như một quầng lửa đỏ rực trên tay người thợ rèn khổng lồ đang cầm sắt nung sắp sửa nhúng vào nước phía Cù Lao Dung và vệt xanh thẫm của miền Tây. Chiếc cano nhiều mã lực như một trái hỏa tiễn xé nước lao băng băng về phía cửa Trần Đề. Giã biệt cửa biển Ba Thắc, đây có lẽ là lần cuối cùng còn nhìn thấy nó qua con rạch Cồn Tròn.