Hẹn hò rồi, ngó lên thấy đã 7 giờ tối, tôi lọ mọ chạy xe qua bên kia sông Hàn tìm nhà ông Hoắc, người bấy lâu mới nghe danh nhưng chưa một lần thấy mặt.
Dọc đường lơ mơ nhớ lại mấy chuỗi phóng sự Hỏa Lò tò mò ký rải rác từ mười mấy năm trở lại đây về ông giám thị trại Hỏa Lò, rồi lại lan man nhớ sang những bài, những chuyện cóp nhặt được trên các báo khác.
Nhớ hồi nhà văn Chu Lai ồn ào với tiểu thuyết Phố, dạo năm 1992, là lúc ông giám thị Hỏa Lò Nguyễn Văn Hoắc cũng đang “nổi” trên báo. Đọc Chu Lai, tôi cứ phì cười vì sự nghịch ngợm của ông nhà văn quân đội.
Cái tên Hoắc nghe đã lạ rồi, lại được ông nhà văn mô phỏng đưa vào truyện thành nhân vật một giám thị mang tên là Um, cũng đều thuộc dòng của một thứ … mùi “đặc biệt”…
Ông đại tá phụ trách trại giam hồi hưu vào ở Đà Nẵng tới nay đã được 3 năm rồi…
“Em cứ đứng đối diện trường Đại học Kinh tế, anh ra đón !” - Giọng vang vang của ông Hoắc trong điện thoại. Tôi đứng chờ trên con đường nhỏ dẫn xuống phía bờ sông Hàn.
Lúc sau, một ông quần ngắn áo thun từ đâu bước ra, trong ánh sáng đèn cao áp đã đủ thấy một vóc dáng đặc biệt, như anh em báo chí thường mô tả. Lưng gấu, tay vượn, mũi…
Nguyễn Tuân, nhưng ngay từ cái cười sơ giao đã thấy hiền. Ông dắt tôi vào một ngôi nhà ba tầng còn thơm mùi vôi ve. Ngôi nhà hướng Đông, cái thế mặt ngó ra biển, lưng dựa vào sông.
Ngồi trên bộ xa lông, ngó lên tường thấy bên cạnh tấm thư pháp Việt lồng chữ “Nhẫn” trong khuôn kính là bức ảnh ông Hoắc cùng một phụ nữ trông khá nền nã.
Cũng vừa lúc người đàn bà trong ảnh từ đâu bên hàng xóm về tươi cười chào hỏi. Dù cũng đã đoán trước, nhưng phải trà nước rỉ rả một lúc với ông Hoắc, mới xác thực người phụ nữ ấy chính là “yếu nhân” trong câu chuyện vì sao ông Hoắc bỏ lại Hà Nội sau lưng để định cư ở mảnh đất miền Trung nắng gió này.
Ông cười bảo tớ trước nay chả biết Đà Nẵng là cái gì. Hồi còn làm giám thị ở Hà Nội, đi công tác cũng thẳng hướng khám Chí Hòa là chính, là vì hai nhà giam lớn nhất nước này kết nghĩa với nhau.
Nhiều dạo ông mang quân vào nhà giam Chí Hòa học cách làm lò hơi về nấu cơm cho phạm để tiết kiệm củi lửa. Thế nhưng chuyến đi hiếm hoi vào Đà Nẵng dạo tháng 3/2005 lại suýt khiến ông mất mạng.
Đó là dịp vào Đà Nẵng dự giỗ cụ thân sinh của ông Nguyễn Văn Vinh - Một người anh quen biết tuy không cùng đơn vị, nhưng lại mang tới cho ông mối lương duyên về sau.
Ông Vinh chiến đấu bị thương, được đưa ra Bắc điều trị, rồi lấy vợ cùng quê Hà Nam với ông Hoắc, sau giải phóng về lại Đà Nẵng. Dạo ông Hoắc về hưu, sống cảnh “phòng không” sau mấy lần đổ vỡ, có lần ông Vinh rủ rê vào Đà Nẵng chơi, hứa sẽ “làm mối” cho.
Bữa chuẩn bị ra ga tàu, ông Hoắc tranh thủ làm mấy vại bia với mấy ông bạn lính thời xưa là nhà thơ Nguyễn Đức Mậu và nhà báo Nguyễn Phúc Ấm. Thế nào mà say, ra ga muộn không mua được vé chuyến ấy, phải rời qua chuyến sau.
Ùng một cái, chuyến tàu “hụt” lại chính là chuyến E1 định mệnh, bị lật nhào ở Lăng Cô phía ngoài đèo Hải Vân làm 11 người chết, hơn 80 người bị thương. Anh em ai nấy xanh mắt, bảo dù đời bầm dập lắm nỗi nhưng phúc ông Hoắc còn lớn.
Thế rồi bữa rượu tại nhà ông Vinh cùng đông đảo anh em bạn lính chiến một thời ở Đà Nẵng, có một cô giáo gốc Huế bạn của vợ ông Vinh - vốn cũng là giáo viên, tỏ ra “mặn chuyện” với ông đại tá về hưu cựu giám thị Hỏa Lò có cái tên lạ hoắc mặt mũi cũng lạ hoắc từ Hà Nội mới vô.
Lại được mọi người tán vào, trong đó có cựu Trưởng phòng CSGT Công an Đà Nẵng Đào Hồng Bôn. Rồi cũng chóng vánh sau đó, vợ chồng ông Vinh và thượng tá Bôn đứng ra “tổ chức” cho hai người...
Nghe kể hồi mới đầu, hai anh chị chật vật khổ sở vì chuyện nhà cửa, phải ở tạm một nơi bí rị. Rồi dần dà cũng xuôi, như ông Hoắc vui vẻ kể lại, là miếng đất 80 mét vuông mặt tiền 5,5 mét này mua lại tại khu dân cư mới xung quanh toàn dân giải tỏa.
Rồi hì hụi xây dựng, mà thiết kế có phần phỏng lại theo kiểu nhà của ông bạn nhà văn Chu Lai cốt sao cho thoáng đãng. Khi tôi dò vào chuyện các bà đã và đang đi qua đời ông, có lẽ đây là đời thứ... 4, ông cựu giám thị cứ xua tay “phức tạp, phức tạp lắm, cậu chớ tò mò ...”.
Nhưng cái này thì đã công khai và tôi đã đọc được ở đâu đó rồi, rằng trong chuyện tình cảm trước đây, mấy đận rồi ông luôn là người tay trắng. Có lẽ do đặc thù của nghề nghiệp luôn phải coi trại giam là nhà này, cộng với sự nhiệt tình tham công tiếc việc.
Mà phụ nữ bao giờ chả cần sự chăm sóc, gần gũi. Những lần chia tay, dù là với người đại đội trưởng trinh sát từng bao phen vào sinh ra tử khắp các chiến trường hiện đang mang mấy vết thương trên người như ông, sau hòa bình chuyển qua công an làm ông giám thị “sắt đá” bậc nhất và cũng lâu niên nhất của trại giam Hỏa Lò nổi tiếng, thì chính ông cũng phải là sắt đá đâu mà bảo không đau.
Ông từng được nhiều người gọi là “người coi tù lãng mạn của thế kỷ” bởi yêu thích, ham thuộc văn chương, lại chơi nhiều với dân văn nghệ, viết lách, cái đau lại càng sâu kín.
Ngồi nhẩm tính, theo những gì đọc được trên báo, ông sinh đúng năm đói kém Ất Dậu 1945, thì nay đã vào 64 tuổi ta. Tuổi này mạng Tuyền trung thủy, là nước giếng trong, về đường tình duyên sách bảo được nhiều may mắn, thâu đoạt được nhiều kết quả, nhưng không bao giờ giữ được lâu bền. Tình duyên như dòng suối chảy, lúc mạnh mẽ, lúc lại êm đềm, nhưng không định trước được điều gì xảy ra ngày mai. Sách có vẻ nói chẳng sai…
Nhưng rốt cuộc ông Hoắc bảo tôi qua đây không phải để nghe tôi rỉ rả “tra vấn” chuyện riêng thế này, mà vì mấy ông bạn cựu chiến binh mới quen ở Đà Nẵng của ông “có nhiều cái hay lắm, sắp 27/7, nhà báo tìm hiểu xem sao…”.
Anh Bắc đang viết bằng “cánh tay” mới của mình |
Trưa hôm sau, đúng hẹn, ông Hoắc đưa tôi tới nhà anh thương binh nặng Trần Việt Bắc trong dãy “phố nhà binh” ở phường Hòa Thuận Đông, mạn đường 30-4, mà như ông Hoắc khoe: “Ông này cụt hai tay mà cả chục năm làm tổ trưởng dân phố, chữ viết rất đẹp …”.
Anh Bắc năm nay 48 tuổi, quê Bình Sơn (Quảng Ngãi), nguyên tiểu đoàn phó 406 đặc công Quân khu 5. Năm 1985, trong một lần truy quét ở chiến trường Campuchia, trung đội trưởng Trần Việt Bắc bị một viên đạn xuyên thủng gò má trái kéo ra tận đằng sau gáy.
Điều trị một thời gian, anh trở lại đơn vị làm chỉ huy tham mưu. Năm 1991, khi đang chỉ huy bàn giao quân khí ở Chu Lai (Quảng Nam), bất ngờ một kíp nổ nổ bung trên tay, khiến cả đôi tay anh bị đứt gọn.
Ra quân lấy vợ, sinh hai con gái, thương vợ công việc bận bịu, thế là đôi tay không nguyên vẹn của anh quán xuyến tất tật, từ việc chăm sóc giặt giũ nấu nướng cho các con.
Cùng với đó là liên tục suốt 9 năm liền tất bật với công việc của một tổ trưởng dân phố (tổ 5 Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu), mới đây anh chuyển sang làm Trưởng ban Mặt trận của tổ.
Khi chứng kiến anh Bắc giở sổ công tác thoăn thoắt viết những dòng chữ đều tăm tắp, tôi không nén được sự thán phục. “Cánh tay” mới của anh chỉ là một mẩu ống nước mỗi khi dùng luồn vào cẳng tay, trên có khoét mấy lỗ, lỗ tròn thì để cắm bút vào khi viết, lỗ dẹt thì cắm thìa vào khi ăn, quả là độc đáo.
Lan man câu chuyện, anh Bắc kể về nhóm bạn cựu chiến binh mà hầu hết là thương binh ở loanh quanh mấy “phố nhà binh” gần đây, cứ mỗi dịp tới ngày 27/7, 30/4 hay Tết nhất là quần tụ nhau lại, trên chiếu rượu đồng đội dạo này có thêm một “chiến hữu” mới là ông Hoắc đây.
Những gương mặt quen thuộc, như trưởng đoàn tìm mộ đồng đội của tiểu đoàn 406 - thương binh chống Mỹ Nguyễn Xuân Thụ nhà kế bên anh Bắc, rồi Hoàng Đình Lan, Vũ Hoàng Lịch, Nguyễn Văn Vinh…
Tình cảm của những người bạn lính từng đổ máu ở chiến trường, dù là chiến trường nào vẫn luôn đầy đặn, sẵn sàng sẻ chia. Một cuộc gặp của những người lính chiến một thời vài ngày nữa đây, dịp kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ, sẽ lại sắp được “trải” ra mời anh em quần tụ, với nén hương ly rượu tưởng nhớ đồng đội vĩnh viễn ở lại chiến trường, mà anh Bắc và ông Hoắc bảo tôi nhớ ghé …
Quay lại nhà ông Hoắc một tối, có mấy cháu bé xinh xắn đến chơi thăm ông, lễ phép vòng tay chào ông chào chú. Một lúc, nhà rộn tiếng trẻ. Tôi thoáng thấy gương mặt ông đại tá trại giam lừng danh một thời như giãn ra.