Cựu đại sứ Úc nói 'không khôn ngoan' nếu thương chiến với Trung Quốc

Cựu đại sứ Úc Geoff Raby. (Ảnh: SCMP)
Cựu đại sứ Úc Geoff Raby. (Ảnh: SCMP)
TPO - Có ít khả năng xảy ra một cuộc chiến thương mại giữa Úc và Trung Quốc vì Canberra sẽ tự “lấy đà ghè chân mình” nếu phản ứng thái quá, cũng như gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của mình nêu cố đáp trả Trung Quốc bằng công cụ thương mại, cựu đại sứ Úc tại Trung Quốc vừa lên tiếng. 

Có ít khả năng xảy ra một cuộc chiến thương mại giữa Úc và Trung Quốc vì Canberra sẽ tự “lấy đà ghè chân mình” nếu phản ứng thái quá, cũng như gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của mình nêu cố đáp trả Trung Quốc bằng công cụ thương mại, cựu đại sứ Úc tại Trung Quốc vừa lên tiếng. 

Trong khi chiến tranh thương mại Úc – Trung khó có khả năng xảy ra, những căng thẳng địa chính trị sẽ tiếp tục tăng vì Úc đứng về phe Mỹ để chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh có cách làm ngoại giao kiểu “chiến binh sói” hung hăng, cựu đại sứ Geoff Raby nói. 

“Liệu Úc có trả miếng Trung Quốc về thương mại?...Đó sẽ không phải bước đi khôn ngoan”, ông Raby nói trong cuộc trả lời báo SCMP

“Có một cuộc tranh luận lớn trong những năm gần đây rằng liệu chúng tôi có quá phụ thuộc vào Trung Quốc hay không, nhưng thực tế là có sự bổ trợ lớn giữa kinh tế Úc và Trung Quốc”, ông Raby nói. 

Là đại sứ Úc tại Trung Quốc từ năm 2007 đến 2011, ông Raby hiện điều hành hãng tư vấn kinh doanh Geoff Raby & Cộng sự. Trong 27 năm làm công chức, ông Raby đảm trách nhiều vị trí về đối ngoại, trong đó có vị trí đại sứ Úc tại WTO. 

Ông Laby cho rằng “vũ khí hóa” quan điểm chống Trung Quốc sẽ phản tác dụng vì giữ gìn các quan hệ kinh tế là một phần không thể thiếu trong lợi ích quốc gia của Úc. 

“Một yếu tố cơ bản của an ninh quốc gia là an ninh kinh tế. Không có gì bất hợp pháp nếu muốn quan hệ tốt hơn (với Trung Quốc), và cốt lõi của an ninh quốc gia là một nền kinh tế mạnh, trong khi nền kinh tế mạnh của Úc bắt nguồn từ Trung Quốc”, ông Laby nói. 

Trong số các nền kinh tế phát triển, Úc phụ thuộc vào Trung Quốc nhiều nhất, với gần 33% sản phẩm xuất khẩu được bán sang thị trường này. Các mặt hàng nông sản cũng như dịch vụ giáo dục quốc tế và du lịch mang lại nguồn thu lớn cho Úc, trong khi khoảng một nửa hàng xuất khẩu của Úc sang Trung Quốc là quặng sắt.

Nhưng từ khi Trung Quốc áp mức thuế chống bán phá giá 80,5% lên lúa mạch Úc từ tháng trước vì chuyện Canberra kêu gọi thực hiện một cuộc điều tra quốc tế để làm sáng tỏ nguồn gốc đại dịch COVID-19, các học giả bắt đầu gọi những tranh cãi giữa hai nước là “chiến tranh thương mại 2.0”.

Nhưng Úc chưa có biện pháp đáp trả nào với Trung Quốc dù đã bắn cảnh cáo khi cáo buộc “nhân tố phức tạp liên quan đến nhà nước” đứng sau loạt tấn công tin tặc nhằm vào các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp Úc gần đây.

Ngay cả khi Úc muốn tham gia một cuộc chiến thương mại thì cũng không có phương tiện thực sự nào để làm điều đó, ông Raby đánh giá. Nếu dừng cho Trung Quốc tiệp cận nguồn tài nguyên quặng sắt, Úc cũng sẽ mắc kẹt vì không có thị trường thay thế. 

“Có mong muốn rằng bằng cách nào đó chúng tôi có thể thay Trung Quốc bằng Ấn Độ, nhưng điều đó sẽ không xảy ra vì nhiều lý do, và kinh tế Trung Quốc lớn gấp mấy lần Ấn Độ. Cuối cùng bạn sẽ phải đến chỗ nào có tiền, và Trung Quốc là nước có tiền”, ông Raby nói. 

“Tôi không nghĩ chúng tôi sẽ hạn chế xuất khẩu quặng vì Brazil sẵn sàng lấp vào chỗ trống ngay. Làm điều đó không có lợi cho Úc”, ông Raby đánh giá. 

Theo nhà ngoại giao nghỉ hưu này, một cuộc chiến tranh thương mại kiểu Mỹ - Trung có thể không khả thi với Úc, nhưng Canberra có thể tìm kiếm những phương tiện khác để đấu tranh với Trung Quốc và ủng hộ chính sách của Mỹ. 

“Điều đặc biệt đáng ngại là các nhà bình luận và cả chính trị gia đang vũ khí hóa quan hệ và làm suy yếu các lợi ích kinh tế. Tôi thấy đáng ngại việc một số người trên báo chí và trong các cơ quan nghiên cứu nhìn nhận quan hệ xấu đi với Trung Quốc như chiếc huy hiệu danh dự”, ông Raby nói. 

Theo theo SCMP
MỚI - NÓNG