Cựu binh Úc và kỷ vật bộ đội Việt Nam

Mẹ Nguyễn Thị Hiểu cùng 4 người con gái (ảnh của Nguyễn Thị Tiến)
Mẹ Nguyễn Thị Hiểu cùng 4 người con gái (ảnh của Nguyễn Thị Tiến)
TP - Một số tờ báo có viết về một cựu binh Australia từng cất giữ một số kỷ vật của bộ đội Việt Nam thời chiến tranh, trong đó có hai cuốn sổ. Nhiều tờ báo khẳng định rằng, một cuốn có chép bài thơ Lá thư xuân của một người lính họ Phan...

Vậy sự thật là thế nào?

Trung tá Nguyễn Thị Tiến, vợ người bạn cùng thuở đại học Tổng hợp với tôi là Đình Chiến (hiện đang công tác tại Đài Truyền hình Nghệ An).

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm, vốn là cô giáo dạy ở miệt Đồng Tháp rồi Đà Lạt, Nha Trang... nhưng Nguyễn Thị Tiến lại có nguyện vọng học thêm nữa, cô ra Hà Nội theo học khoa Bảo tàng Đại học Văn hóa.

Học xong, cô quyết định vào phục vụ quân đội rồi về nhận việc ở Bảo tàng
Quân khu 4.

Có thể nói, Bảo tàng Quân khu 4 (QK4) trở nên sống động, thu hút bởi có sự góp sức khá độc đáo của trung tá Nguyễn Thị Tiến.

Với chức danh khiêm tốn nhân viên hướng dẫn ở Bảo tàng QK4, nhưng hằng bao năm Tiến đã âm thầm làm cái việc, từ những hiện vật tìm được trong mộ liệt sĩ từ các chiến trường, Tiến đã sưu tầm xác minh khớp nối thông tin để tìm được rất nhiều tên cho những liệt sĩ vô danh! Hơn 2.000 hiện vật lấy từ phần mộ của các liệt sĩ hiện đang trưng ở đây, trước khi Tiến về bảo tàng này chưa có.

Hàng chục rồi hàng trăm đợt quy tập hài cốt liệt sĩ ở QK4 có hàng ngàn liệt sĩ mà đa phần vô danh.

Mười mấy năm đã qua đi, bây giờ về hưu, trung tá Nguyễn Thị Tiến vẫn là cầu nối giữa thế giới âm của những liệt sĩ đã bỏ mình vì trận mạc với những người đang sống, với thân nhân của họ.

Từ hơn hai ngàn hiện vật ấy. Từ những thông tin chứng cớ mơ hồ, Tiến đã chắp nối tìm ra 69 liệt sĩ từ vô danh trở thành có tên. 3.000 lá thư từ khắp mọi miền đất nước gửi đến Tiến. Và hiện giờ những lá thư nhuốm nước mắt như vậy vẫn tìm đến địa chỉ của Tiến.

Chiếc khăn quàng màu xanh dương, cuốn sổ tay cựu binh Úc từng giữ 43 năm nay
Chiếc khăn quàng màu xanh dương, cuốn sổ tay cựu binh Úc từng giữ 43 năm nay.

Xin trích một đoạn thư của một cựu binh Mỹ tên là Wayne gửi cho Tiến. Viện của chị là Viện duy nhất mà tôi thấy tại Việt Nam tưởng nhớ các liệt sĩ bị nằm xuống trong cuộc chiến không phải bằng những chiến tích chi đó lẫy lừng mà qua các đồ vật khiêm tốn (nguyên văn tội nghiệp - XB) riêng lẻ mang tính chất cá nhân mà đối với liệt sĩ là những món đồ quý giá và cần thiết. Viện bảo tàng của chị tập trung vào cái giá đã mất đi, sự thật về con người trong một cuộc chiến. Xin chúc mừng nhiệt tình chị đã sáng lập một Viện quý giá và độc nhất.

Trong một lần sang Hoa Kỳ với tư cách khách du lịch, qua chị Phượng, phóng viên TTX thường trú tại Hoa Kỳ, Nguyễn Thị Tiến đã tiếp cận với một cựu binh Thủy quân lục chiến có tên là Neil Burke từng 7 năm ở chiến trường Việt Nam.

Ông đã trao cho Tiến chiếc mũ cứng của một bộ đội Việt Nam mà ông lấy được từ một trận đánh năm xưa ở chiến trường Quảng Trị. Burke chỉ cho Tiến dòng chữ Việt Phạm Văn Lực ở vành mũ phía trong với hy vọng Tiến sẽ tìm ra thân nhân của chiến binh này.

Rồi Tiến cũng có mặt ở Bảo tàng Cơ yếu của Hải quân Hoa Kỳ (một bảo tàng thông tin của Quân đội Mỹ hiện có lưu nhiều kỷ vật về cuộc chiến tranh Việt Nam) Tiến đã được Ban giám đốc đón tiếp nhiệt tình và cho phép Tiến sao lục nhiều tài liệu của hiện vật với hy vọng sẽ tìm thấy thân nhân đã từng sở hữu những kỷ vật đó.

Trung tá Nguyễn Thị Tiến trong một lần tìm mộ liệt sĩ
Trung tá Nguyễn Thị Tiến trong một lần tìm mộ liệt sĩ .

Trong hành trang của Tiến, để có thể bất kỳ lúc nào cũng sẵn sàng lên đường cho những chuyến công tác đột xuất, luôn lỉnh kỉnh với những máy ảnh, máy ghi âm, máy tính xách tay, kính lúp... Một chiếc thùng sắt tây, vải đỏ dùng để đựng di vật.

Một ngày khoảng tháng 5 năm ngoái, Nguyễn Thị Tiến nhận được email của ông Wayner Karalin trong tổ chức VVA. Ông Wayner nói mình phải cậy nhờ trung tá Tiến giúp cho một việc khó khăn, Câu chuyện mà ôngWayner kể vắn tắt trên email đã cuốn hút trung tá Tiến.

Tờ The Sunday Age (Australia) ngày 25-4-2011 có bài viết về chuyện của hai cựu chiến binh Australia từng tham chiến tại Việt Nam là Bob Hall và Derrill de Heer thuộc Học viện Quốc phòng Australia.

Những người này đã thực hiện việc vẽ sơ đồ mộ chí của những người Việt Nam đã chết trong chiến tranh và khuyến khích các cựu chiến binh trả lại thư, nhật ký cùng ảnh đã lấy của bộ đội Việt Nam tại chiến trường.

Bài báo ấy vào tay một cựu binh Úc, Wildeboer. Người cựu binh ấy đã đọc bài báo và ngay lập tức liên hệ với Bob Hall và Derrill de Heer.

Rồi cả ba đã tìm đến Ernie Chamberlain - thiếu tướng, hoạt động trong ngành tình báo quân đội Australia, vốn thông thạo tiếng Việt.

Wildeboer trình trước viên thiếu tướng tình báo hai cuốn sổ tay đã cũ mèm mà ông giữ nó gần một nửa thế kỷ!

Không khó khăn gì, viên thiếu tướng nghĩ ngay đến tổ chức VVA bên Hoa Kỳ. Yêu cầu của viên tướng đã được Wayner chuyển tiếp. Ông chuyển đến đâu vậy? Wayner nghĩ ngay đến trung tá Nguyễn Thị Tiến bảo tàng QK 4 ở bên kia địa cầu...

... Theo địa chỉ trong cuốn sổ tay, trung tá Nguyễn Thị Tiến bỏ tiền túi mua vé máy bay bay từ Vinh vô Sài Gòn.

Từ Sài Gòn, Tiến tìm đến xã Phước Lộc, Long Thành, Biên Hòa như dòng địa chỉ ghi trong sổ tay giữa những năm 60 của liệt sĩ Phan Văn Bân.

Nhưng đến Biên Hòa, người ta đã chỉ cho chị một địa chỉ khác đã thay đổi. Rồi cuối cùng trung tá Tiến cũng đến được nơi cần đến đó là nhà mẹ Nguyễn Thị Hiểu.

Gia đình mẹ Hiểu vô cùng ngạc nhiên khi đón tiếp người phụ nữ nói giọng miền Trung đứng tuổi. Hồi lâu, mẹ liệt sĩ Phan Văn Bân đã nhận ra đó là nhân vật trong chương trình Người Đương Thời chuyên đi tìm địa chỉ thân nhân của liệt sĩ từng phát nhiều lần trên truyền hình.

Trước đó, trung tá Nguyễn Thị Tiến khi làm việc với các cơ quan chức năng địa phương Long Thành, Đồng Nai. Nay được chuyện trò thêm với mẹ Hiểu cùng người thân trong gia đình mẹ, thấy hoàn toàn trùng khớp địa danh tên người thân mà liệt sĩ Phan Văn Bân ghi trong sổ tay.

Liệt sỹ này có 3 tên gọi: (Phan Văn Bân, Phan Thành Nhơn; Phan Thanh Hùng). Hồ sơ liệt sĩ hiện địa phương Long Thành, Đồng Nai đang quản lý là Phan Thành Nhơn.

Mừng nữa là mẹ Nguyễn Thị Hiểu, khi ấy đã 85 tuổi tuy sức khỏe rất yếu nhưng cũng nhúc nhắc đi lại được.

Tìm hiểu thêm, được biết liệt sĩ Phan Thành Nhơn còn có người anh trai cũng là liệt sĩ đã hy sinh năm 1965, tên Phan Thành Nghĩa. Người cha của hai liệt sĩ và là chồng của mẹ Nguyễn Thị Hiểu, ông Phan Văn Lân mất năm 1991.

Trung tá Nguyễn Thị Tiến đã chụp hình cả gia đình (bà Hiểu cùng 4 người con gái) gửi cho Bob Hall theo địa chỉ email mà Wayner đã cho.

Có thể từ hồi âm này, câu chuyện về người mẹ chiến binh Việt Nam, tác giả cuốn sổ tay mà cựu chiến binh người Úc từng giữ suốt 43 năm nay đã được báo The Age đã nhầm lẫn khi loan tải đã khiến nhiều người nhầm theo?

Nhầm rằng, hai cuốn sổ tay cùng những bài thơ trong đó đều là của liệt sĩ Phan Văn Bân!

Tổ chức Cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam (VVA) của Mỹ được thành lập từ năm 1978 là tổ chức toàn quốc duy nhất đăng ký tại Quốc hội Hoa Kỳ với mục tiêu phục vụ lợi ích của cựu chiến binh thời chiến tranh Việt Nam và gia đình họ.

Năm 1994, VVA đã cử Đoàn vào thăm Việt Nam đồng thời bắt đầu chương trình sáng kiến cựu chiến binh để đáp lại thiện chí của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề người Mỹ mất tích.

Từ năm 1993 đến tháng 3 năm 2011, VVA đã cử 23 đoàn của Chương trình sáng kiến cựu chiến binh sang thăm Việt Nam. VVA đã chuyển giao cho phía Việt Nam 291 bộ hồ sơ tài liệu, thông tin liên quan đến gần 10.000 trường hợp bộ đội ta hy sinh mất tích trong chiến đấu. Giúp ta tìm kiếm quy tập hài cốt của gần 1.200 liệt sĩ. VVA luôn phản đối mạnh mẽ Dự luật nhân quyền Việt Nam. VVA động viên ủng hộ các thành viên của mình quay lại Việt Nam giúp họ cơ hội thăm lại chiến trường xưa... - Nguồn Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG