> Sản phẩm làm đẹp gây hại nhất năm 2013
Sau 7 ngày sở hữu làn da trắng mịn?
Hiện nay, trên thị trường rao bán đủ loại thuốc uống giúp trắng da khiến người tiêu dùng như lạc vào ma trận. Trên trang kemtrangda.edu.vn, thuoctrangda.vn hay tại các hiệu thuốc đều rao bán rầm rộ về các loại thuốc uống trắng da được nhập từ Mỹ, Pháp, Nhật... dạng viện nén, dạng nước.
Theo chị Hương, chủ tiệm thuốc trên phố Thái Thịnh (Hà Nội), thuốc uống trắng da Super white (giá 2,1 triệu đồng/hộp), Glutahione complex (1,3 triệu đồng/hộp) của Mỹ là loại thuốc đang được bán chạy nhất trên thị trường. Thuốc trắng da này dạng viên nén (30 viên/hộp) rất hữu ích cho người da ngăm đen. Chị Hương tiếp thị: “Thuốc uống trắng da Super white rất hiệu quả, nếu muốn trắng da nhanh, 15 ngày đầu bạn có thể uống cấp tốc 2 viên/ngày. Từ ngày thứ 16 trở đi dùng 1 viên/ngày. Có nhiều người chỉ sau 7 ngày dùng thuốc đã sở hữu làn da trắng mịn?!”.
Theo tìm hiểu của PV, hầu hết các hãng thuốc đều quảng cáo thuốc uống trắng da giúp làm đẹp từ bên trong và có tác dụng làm trắng nhanh, trắng bền. Các loại thuốc uống làm trắng da có giá dao động từ 700.000 đồng đến 3 triệu đồng/lọ. Ngoài ra, còn có thuốc làm trắng da đông y có thành phần thảo dược, giá khoảng 500.000 đồng đến 2 triệu đồng/lọ.
BS. Nguyễn Minh Quang- bệnh viện Da liễu Hà Nội cho biết, chị em phụ nữ thường có quan niệm cứ mùa đông là đổ xô đi tắm trắng. Gần đây, vì tin theo quảng cáo, không ít chị em phụ nữ đã mua thuốc uống “trắng da siêu tốc” với mong muốn trắng nhanh, trắng bền, cải thiện làn da tận gốc.
Từ đầu tháng 11 đến nay cũng có nhiều bạn gái tìm đến bệnh viện xin tư vấn về phương pháp làm trắng da hiệu quả. Trong số đó, có một cô gái tên Thùy 25 tuổi (Hà Nội) đang uống loại thuốc trắng da của Pháp cũng đến tư vấn. Vì biết thông tin một bệnh nhân tên N. (ở Hải Phòng) chỉ muốn sở hữu làn da trắng nhanh đã uống thuốc làm “trắng siêu tốc”.
Sau 5 ngày, N. bỗng thấy da trắng nhưng mỏng đi nhiều, lông tay, lông chân chuyển màu vàng, mặt căng, nặng. Nguy hiểm hơn, chị N. thường xuyên bị run chân, run tay, hay vã mồ hôi, dù không làm gì mệt mỏi. Biết tin có người gặp tai biến nên Thuỳ hốt hoảng tìm đến bác sỹ tư vấn.
Theo BS. Quang, tất cả các loại thuốc trắng da được quảng cáo trên thị trường công dụng không như kỳ vọng. Một số hãng sản xuất lớn đưa ra các bằng chứng lâm sàng có so sánh khá thuyết phục, nhưng nói chung khi dùng thực tế thì cải thiện không nhiều. Có lẽ chính vì vậy mà các viên trắng da chưa được công nhận là thuốc điều trị bệnh lý tăng sắc tố.
“Hiện nay, có nhiều loại thuốc uống được quảng cáo có tác dụng làm trắng da. Các sản phẩm này được bán dưới dạng thực phẩm chức năng. Thành phần chứa chất chống oxy hóa có tác dụng ngăn chặn tạo sắc tố melanin. Các chất đó chủ yếu bao gồm các vitamin C, B, L-cystine, Glutathion và các chiết xuất từ thảo dược như hạt lựu, dương xỉ.
Gần đây, viên uống trắng da có chứa tranexamic acid cũng đã có trên thị trường. Đây là thuốc được chỉ định điều trị chảy máu, nhưng có nhiều nghiên cứu cho thấy nó có tác dụng làm sáng da. Một số nhà sản xuất thêm vào mỹ phẩm hoặc thực phẩm chức năng và không công bố rõ thành phần khiến người tiêu dùng “hoa mắt””, BS. Quang khuyến cáo.
Trắng da là do kê thuốc... quá liều!
Các bác sỹ chuyên khoa da liễu nhận định, thời gian qua, hầu hết chị em phụ nữ đều mang tâm lý sính ngoại, cứ nghĩ dùng thuốc ngoại là an toàn và đua nhau bỏ tiền triệu mua thuốc uống trắng da. Thế nhưng, ít ai biết rằng, có nhiều loại thuốc uống quảng cáo làm trắng da chỉ là các vitamin thông thường. Nhiều người vì “cuồng trắng da” lại gặp “phù thủy sắc đẹp” (các biến chứng nguy hại cho da).
Cũng theo tìm hiểu của PV, đã có một số trường hợp uống thuốc trắng da chưa đến một tuần, làn da được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, người tiêu dùng lại quan ngại, thuốc uống trắng da chẳng khác nào “thuốc tẩy”, càng uống “siêu tốc” càng độc hại.
Trao đổi với PV, TS. Văn Thế Trung- bệnh viện Da liễu TP.HCM cho biết: “Đa số các thuốc uống trắng da chứa các chất chống oxy hóa giúp ngăn ngừa lão hóa cơ thể. Tôi chưa gặp trường hợp nào bị ung thư da do uống thuốc chống oxy hóa. Tuy nhiên, trên thị trường có quá nhiều sản phẩm khác nhau, không phải loại nào cũng chứa các thành phần như mình mong muốn. Trước khi dùng thì cần tham vấn bác sỹ chuyên môn để có chỉ định phù hợp. Vì thực tế, một vài loại viên trắng da, người ta cho liều thuốc quá cao để tăng tác dụng của thuốc. Liều cao không phải là giải pháp tốt cho cơ thể”.
Cũng theo TS.Trung, trong nhiều trường hợp khi mới uống thuốc, người dùng rất phấn khởi khi thấy da mình trắng lên nhiều, song nhiều trường hợp chỉ sau vài tuần đã thấy da mỏng đi, trắng không đều.
Tác hại của viên uống trắng da có thể nhẹ thì phát ban, nổi mẩn đỏ, bong tróc da, sạm, da bị ngứa, nặng thì sốc, nhiễm độc, thậm chí đe dọa đến tính mạng. Vì vậy, khi nhận được sự tư vấn của nhân viên bán thuốc thì chị em phụ nữ hãy cẩn thận, suy xét thật kỹ lưỡng trước khi quyết định sử dụng thuốc để tránh hậu quả không mong muốn.
Các bác sỹ tư vấn, màu sắc da trước hết là do yếu tố di truyền quyết định. Khi da có bệnh lý tăng sắc tố thì cần điều trị, nếu không thì cứ nên giữ làn da khỏe, mịn để chống lại các xâm nhập có hại từ thiên nhiên.
Phụ nữ không nên thay đổi màu da mình đang có. Nếu các bạn mong muốn một làn da sáng hơn, thì biện pháp an toàn nhất là phải tránh nắng, dinh dưỡng đủ chất để da chậm lão hóa. Thuốc trắng da cũng có thể giúp một phần nào đó chứ khó có thể biến một người da sạm thành da trắng tinh.
Chăm sóc da với các sản phẩm dưỡng ẩm và các chất chống oxy hóa cũng giúp da sáng hơn. Không nên lạm dụng các chất tẩy nhiều vì sẽ cho phản ứng đảo nghịch về sau, da sẽ sậm màu hơn và dễ bắt nắng hơn.
Nên lựa chọn phương pháp ít xâm lấn BS.Quang khuyến cáo: “Chị em phụ nữ không nên uống thuốc trắng da theo trào lưu. Việc sử dụng các loại thuốc uống trắng da không phải là lựa chọn thông minh cho chị em phụ nữ, vì các loại thuốc chắc chắn sẽ gây ra tổn hại cho da. Các bạn có thể đến các bác sỹ chuyên khoa da liễu để được khám và cho chỉ định điều trị phù hợp. Phương pháp lựa chọn an toàn là các phương pháp ít xâm lấn, không làm tổn thương da. Các loại kem bôi nhất thiết phải có thương hiệu uy tín. Không nên dùng kem, thuốc pha trộn theo lời đồn”. |
Theo N.Giang
Báo Đời sống&Pháp luật