Cuốn sách mô tả cặn kẽ về mạng lưới tình báo Trung Quốc

Tranh minh họa
Tranh minh họa
TPO - Khi Trung Quốc vươn ra khắp thế giới, những điều cần biết không chỉ là các chính sách an ninh, kinh tế và đối ngoại của nước này mà cả các chiến dịch bí mật trên diện rộng.

Ông Roger Faligot, một nhà báo điều tra chuyên nghiên cứu các cơ quan tình báo, đầu tiên xuất bản cuốn sách mang tên “Gián điệp Trung Quốc” bằng tiếng Pháp. Sự thành công của cuốn sách này khiến ông gần đây xuất bản phiên bản tiếng Anh.

Cuốn sách đầy tham vọng của Faligot nói về hoạt động bí mật của Trung Quốc trải dài suốt 1 thế kỷ, từ khi thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc đến nay.

 Trong những năm 1920, ông Chu Ân Lai khi còn trẻ tuổi đã tập hợp các thành viên Cộng sản ở Hong Kong dưới biệt danh Stephen Knight và Wu Hao ở Pháp, còn ông Đặng Tiểu Bình hồi còn là một công nhân nhà xưởng ở Paris đã dành nhiều đêm chép những cuốn sách nhỏ dưới hầm.

 Mật vụ Trung Quốc hoạt động giống mô hình của Liên Xô vì có nhiều người từng được đào tạo ở đó. Cả hai nước đều có mạng lưới điệp viên phức tạp. Họa sĩ truyện tranh người Bỉ Hergé lấy cảm hứng từ các nhân vật có thật ở Trung Quốc trong những năm 1930 để viết ra tác phẩm phiêu lưu The Blue Lotus (Sen xanh), một trong những tác phẩm truyện tranh nổi tiếng ở châu Âu.

 Khi Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập, các hoạt động tình báo của Trung Quốc chuyển sang giai đoạn cao hơn.

 Cuốn sách cũng nói rằng sự sụp đổ của Liên Xô và nỗ sợ của Trung Quốc đã dẫn đến thời kỷ cải cách và quốc tế hóa các chiến dịch tình báo, bao gồm việc thành lập một mạng lưới tổ chức nghiên cứu và tư vấn chính sách. Chiến dịch Áo vàng dùng “những con cá bơi sâu” trên khắp thế giới để truy tìm những đối tượng bất đồng đã đi khỏi Trung Quốc. Chiến dịch Hoa lan mùa thu mất cả thập kỷ để giám sát sự trở về của Hong Kong và Macau, trong đó có cả chiến dịch tấn công cá nhân Thị trưởng Chris Patten.

 Khi các quan hệ quốc tế của Trung Quốc mở rộng, sự hiện diện bí mật của nước này cũng tăng theo. Theo Faligot, ít nhất 40% nhân viên các đại sứ quán Trung Quốc trên khắp thế giới thực hiện hoạt động tình báo, trong khi tỷ lệ này của Nga là 20%. Bằng chứng cho thấy Trung Quốc xác định Úc và Pháp là hai nước dễ bị thao túng nhất, cuốn sách viết.

 Trong kỷ nguyên của internet, quân đội Trung Quốc lập nên một mạng lưới chiến binh mạng hùng hậu, chuyên tập trung vào các vấn đề an ninh, quân sự và kinh tế. Trước Thế vận hội Bắc Kinh 2008, Trung Quốc còn lập ra bộ phận tình báo thể thao để theo dõi vận động viên của các nước khác nhằm bảo đảm Trung Quốc giành được nhiều huy chương nhất.

 Faligot liệt kê các phương pháp tình báo của Trung Quốc. Trong những ngày đầu, tình báo Trung Quốc sử dụng các phương pháp thông thường, gồm nghe lén, dùng điệp viên hai mang, mỹ nhân kế, hối lộ và tra tấn. Khi kinh tế mở cửa, Trung Quốc nhanh chóng chuyển sang gián điệp kinh tế và công nghiệp, thậm chí lập cả một trường chuyên biệt ở Bắc Kinh từ năm 1984 để đào tạo. Gần đây, Trung Quốc đi đầu thế giới về hoạt động gián điệp mạng, tấn công tin tặc và thao túng thông tin tài chính, Faligot viết.

 Các cơ quan tình báo của Trung Quốc sử dụng một lực lượng đông đảo các sinh viên, học giả và doanh nhân để có thể giành được lợi thế trước các đối thủ. Những thông tin bí mật về trí tuệ nhân tạo, hàng không dân dụng, năng lượng và công nghệ y tế đổ về Trung Quốc từ nhiều nguồn khác nhau trên khắp thế giới.

 Cuốn sách của Faligot có phụ lục nói về các cơ quan bí mật của Trung Quốc, từ Bộ An ninh nhà nước, Bộ Công an đến cơ quan có tên không liên quan lắm như Viện Quan hệ quốc tế đương đại. Cục mặt trận công tác thống nhất quản lý quyền lực mềm của Trung Quốc.

 Cuốn sách của Faligot có nhiều thông tin ít được nghe đến. Trong những năm 1980, khi ông Bill Clinton là thống đốc Arkansas, ông thường đến ăn miễn phí tại một nhà hàng Trung Hoa. Ở đó, ông kết bạn với John Huang, người làm việc cho Bộ Thương mại Trung Quốc trước khi bị lộ thân phận trong vụ bê bối gián điệp mang tên “Chinagate”. 

Vụ Mỹ thả bom xuống đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade năm 1999 được Tổng thống Clinton gọi là sai lầm lớn và ông đã xin lỗi các lãnh đạo Trung Quốc. Trên thực tế, cả hai đều biết đây là hành động cố ý vì đại sứ quán Trung Quốc khi đó có thiết bị để thu thập thông tin tình báo về các vũ khí của phương Tây đang bị sử dụng ở Serbia. 

"Trò mèo đuổi chuột" trong lĩnh vực tình báo mạng càng gia tăng khi công nghệ 5G ra đời và hãng viễn thông Trung Quốc Huawei đang dẫn đầu trong lĩnh vực này. Trung Quốc đã là trung tâm của dữ liệu toàn cầu, chiếm tới 23% dòng dữ liệu xuyên biên giới, trong khi Mỹ chỉ chiếm 12%. Trung Quốc gần đây cũng vượt Mỹ về mạng lưới giám sát bằng vệ tinh. 

Với mạng lưới điệp viên rộng nhất thế giới và sự hiện diện kinh tế ngày càng tăng, các hoạt động bí mật của Trung Quốc sẽ càng mở rộng, Faligot viết. 

Theo theo The Strategist
MỚI - NÓNG