Cuối năm, người người vác bao tải tiền lao vào cơn sốt đất

Ăn theo cơn sốt sân bay Long Thành và cầu Cát Lái, đất đai tại huyện Nhơn Trạch có nơi tăng giá lên đến 300% nhưng nhà đầu tư vẫn vác tiền đi mua.

Ba năm gần đây, giá đất tại Nhơn Trạch được đẩy lên chóng mặt do ảnh hưởng từ cơn sốt sân bay Long Thàn, Đồng Nai. Đáng chú ý là từ khi xuất hiện thông tin Thủ tướng chấp thuận cho Đồng Nai đầu tư xây cầu Cát Lái nối Nhơn Trạch và Quận 2 thì giá đất tại đây lại càng được đẩy lên chóng mặt.

Cuối năm, người người vác bao tải tiền lao vào cơn sốt đất ảnh 1 Nhà đầu tư âm thầm tìm về Nhơn Trạch gom đất

Bất chấp thị trường đang nhiễu loạn về khung pháp lý, xuất hiện nhiều dự án kiểu Alibaba nhưng một điều lạ là lượng giao dịch mua bán tại khu vực này gần như không chịu ảnh hưởng. Những ngày cận Tết Nguyên đán, ghi nhận tại các phòng công chứng và các khu vực phân lô bán nền, khách hàng đến giao dịch mua bán và làm thủ tục đăng bộ rất đông đúc. Thậm chí, có những nhà đầu tư mang vài bao tải tiền để mua 5-7 lô đất/1 lần vì sợ qua năm giá tăng quá cao sẽ mất một khoản tiền chênh lệch lớn.

“Thị trường ở đâu ảm đạm thì không biết chứ tôi thấy ở đây ngày nào cũng có cả mấy trăm người đến lùng mua đất. Tôi phải tranh thủ mua chứ không qua năm lại vọt lên thì tiếc lắm”, một nhà đầu tư cho hay.

Cuối năm, người người vác bao tải tiền lao vào cơn sốt đất ảnh 2 Ăn theo cơn sốt sân bay Đồng Nai, giá đất tại Nhơn Trạch tăng lên nhiều lần sau 3 năm

Theo khảo sát, giá đất tại Nhơn Trạch, Đồng Nai đã tăng 100-200% chỉ trong 3 năm. Có những nơi tăng đến 300%. Có những lô đất trước đây giá chỉ khoảng 200 triệu giờ đã vọt lên 900 triệu.

Theo ghi nhận, giá đất tại một số xã như Đại Phước, Phú Đông, Vĩnh Thanh, Phước Khánh, Long Tân Thọ… đều đã tăng lên rất cao. Điển hình như xã Đại Phước giá đất nền giao dịch tầm  20 - 25 triệu/m2 nền đất ở và 2 - 3 triệu nền đất nông nghiệp. Xã Phú Đông đất nền dao động từ 16 - 18 triệu và từ  900 - 1,4 tỷ/ 1.000m2 đất nông nghiệp. Xã Vĩnh Thanh có giá từ 15 - 16 triệu/m2 nền đất ở và 1,2 - 3triệu/m2 đất nông nghiệp. Xã Phước Khánh giá ghi nhận từ 14 - 17 triệu/m2 và 600 - 800 triệu/1.000m2 đất nông nghiệp.

Giá nhà ở mặt đường cũng tăng theo cấp số nhân khiến chính người dân nơi đây cũng phải giật mình.

Cuối năm, người người vác bao tải tiền lao vào cơn sốt đất ảnh 3 Nhà đầu tư vác từng bao tải tiền đi đổ vào đất
Cuối năm, người người vác bao tải tiền lao vào cơn sốt đất ảnh 4 Nhiều nhà đầu tư vẫn tin rằng mua đất ở Nhơn Trạch, Đồng Nai sẽ lãi đậm trong vài năm tới

“Tôi chưa bao giờ thấy khu vực này lại sốt đất như hai năm gần đây. Căn nhà kế nhà tôi trước đây giá chỉ có 600 triệu, mới 3 năm mà giờ lên 2,5 tỷ rồi. Nếu biết trước ngày xưa tôi đã kịp mua thì giờ lãi đậm”, một người dân sống tại xã Đại Phước cho biết.

Chị Nguyễn Thị T., nhân viên làm việc tại công ty địa ốc Kh, thuộc xã Phú Đông cho biết: “Khách mua đất nông nghiệp diện tích lớn hoặc đất nền chủ yếu là đầu cơ, rất ít người mua để ở. Có nhiều khách mua đất sau 1-2 tuần bán lại với giá tăng thêm 15-20%”.

Thực tế, tại huyện Nhơn Trạch hiện đang có rất nhiều khu dân cư đã hoàn thành hạ tầng nhiều năm nhưng vẫn vắng vẻ, không có người sinh sống. Lý do là vì chỉ mua để đầu tư, lướt sóng mà không xác định ở lâu dài nên tại nhiều nơi, các khu nhà xây thô và đất nền dù đã được bán qua tay nhiều chủ vẫn là những khu đất bỏ hoang. Dù vậy, giá vẫn được đẩy lên cao bởi cả nhà đầu tư cũ và mới đều chấp thuận với mức chênh lệch sang tay cao ngất ngưởng.

Cuối năm, người người vác bao tải tiền lao vào cơn sốt đất ảnh 5 Các phòng công chứng ở huyện Nhơn Trạch nhộn nhịp người đến giao dịch dịp cuối năm

Nói về việc giá đất tăng lên nhanh chóng trong 3 năm tại huyện Nhơn Trạch, một vị đại diện UBND xã Phú Đông cho biết, vào khoảng 2 năm trước, giá đất nơi đây bị tăng ảo và đã bị chính quyền địa phương siết lại một thời gian. Tuy nhiên, khi thị trường nổi lên thì nhà đầu tư vẫn liên tục tìm về săn đất để chờ cơ hội bán ra.

Theo vị này, việc giá tăng cao là do thỏa thuận giữa các cá nhân với nhau. Người đến trước mua giá thấp rồi tự nâng giá lên, người đến sau chấp nhận mua lại với mức giá đó cho nên nếu có rủi ro thì họ đã tự lường trước và chấp nhận. 

Cuối năm, người người vác bao tải tiền lao vào cơn sốt đất ảnh 6 Không chỉ săn đất nền, nhiều người còn săn cả đất nông nghiệp để dành chờ bán kiếm lời

Trong khi đó, theo ông Dương Chí Hùng - Chủ tịch UBND xã Phú Đông, việc nhà đầu tư đổ tiền vào đất nông nghiệp theo cơn sốt đất có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đất nông nghiệp của xã trước đây sang nhượng chỉ khoảng 300-400 triệu đồng/sào, nhưng giờ giá đã tăng gấp 2, 3 lần. Thời gian qua, Đồng Nai tiến hành bồi thường đất theo từng dự án, mỗi dự án sẽ có giá bồi thường khác nhau. Nhưng đối với đất nông nghiệp giá bồi thường cao nhất cũng chỉ hơn 300 triệu đồng/sào.

Do đó, theo tính toán của nhà đầu tư là bỏ tiền từ trên 1 tỷ để đầu tư đất nông nghiệp và chờ đợi bán ra giá cao hơn là bài toán khá phiêu lưu. Vị này khuyến cáo nhà đầu tư khi mua đất ở khu vực đang sốt đất thì nên đến chính quyền địa phương để tìm hiểu kỹ về quy hoạch trước khi xuống tiền.

Cuối năm, người người vác bao tải tiền lao vào cơn sốt đất ảnh 7 Nhiều khu vực trước đây là rừng rậm thì giờ đây nhà đầu tư đã về xây nhà, làm đường chờ dân về ở.

“Xã đã công khai quy hoạch đất đai trên địa bàn để mọi người rõ. Trước khi người dân mua đất nông nghiệp thì nên đến trụ sở UBND xã tìm hiểu để biết rõ quy hoạch và cân nhắc kỹ để tránh rủi ro” - ông Hùng khuyến cáo.

Theo Theo VietnamNet
MỚI - NÓNG