Cuối năm, cảnh giác với đồ gỗ rởm

Khi đã thành phẩm, người tiêu dùng khó có thể phân biệt được gỗ hoàn toàn tự nhiên hay gỗ công nghiệp
Khi đã thành phẩm, người tiêu dùng khó có thể phân biệt được gỗ hoàn toàn tự nhiên hay gỗ công nghiệp
TP - Gần cuối năm, nhu cầu mua sắm đồ gỗ nội thất tăng cao. Tuy nhiên, người tiêu dùng rất dễ mất tiền triệu, vì mua phải hàng nội thất giả gỗ tự nhiên.

Vỏ gỗ thịt, ruột gỗ dăm

Gần đây, nhiều bạn đọc phản ánh, họ mua đồ gỗ tự nhiên (hay còn gọi là gỗ thịt) nhưng sau một thời gian sử dụng mới phát hiện đó là gỗ được làm giả một cách tinh vi. Sau một thời gian sử dụng, mặt ngoài của gỗ bong tróc, lộ ra bên trong là gỗ làm bằng mùn cưa, gỗ dăm...  

Trong vai người cần mua đồ gỗ nội thất, phóng viên tìm đến các phố chuyên bán đồ gỗ tại Hà Nội như  Đê La Thành, Thái Hà. Hầu hết các cửa hàng bày bán giường tủ, kệ, giá sách... với biển hiệu là gỗ tự nhiên. Bằng mắt thường, người tiêu dùng khó có thể phân biệt được đâu là sản phẩm gỗ tự nhiên thật sự hay gỗ tự nhiên được làm giả.

Tại cửa hàng đồ gỗ nội thất M.T trên phố Đê La Thành, chủ cửa hàng khẳng định chắc nịch: “Cửa hàng bán gỗ hoàn toàn tự nhiên. Anh muốn mua đồ gỗ xoan đào, sồi Nga, sồi Mỹ, tần bì, dổi, chúng tôi đều có”.

Bên ngoài sản phẩm, vân gỗ hoàn toàn tự nhiên, không đồng đều, lặp đi lặp lại như gỗ công nghiệp. Thậm chí, các bộ phận ráp nối có vân, màu sắc khác nhau nên nhiều người khó tin đó là giường tủ làm bằng gỗ công nghiệp. Hỏi về giấy tờ nguồn gốc xuất xứ hay bằng chứng để chứng tỏ gỗ tự nhiên, ông chủ cửa hàng chỉ nói chung chung.

Cạnh đó, cửa hàng đồ gỗ nội thất cao cấp H. H cũng quảng cáo bán kệ, giường, tủ, bàn phấn được làm từ gỗ xoan đào, nghiến tự nhiên. Tuy nhiên, nữ chủ cửa hàng cũng chỉ nói chứ không có cách nào chứng minh thuyết phục cho khách, sản phẩm làm hoàn toàn bằng gỗ tự nhiên.

Tìm hiểu  gần 10 cửa hàng bán đồ nội thất trên phố Đê La Thành bên ngoài đều ghi gỗ tự nhiên, nhưng nhiều dấu hiệu nghi ngờ về sự tự nhiên của gỗ. Giá bán các loại đồ gỗ này cũng giao động khá lớn và điều ngạc nhiên là rẻ hơn cả việc mua gỗ, đặt đóng. Đơn cử như tủ gỗ cao 1.6 m với 4 cánh, cửa hàng M.T có giá 12 triệu đồng, trong khi cửa hàng H.H có giá 10 triệu đồng; nếu khách trả xuống 8 triệu, chủ cửa hàng cũng gật đầu.

Sự thật ở làng nghề đồ gỗ

Xã Liên Hà, huyện Đan Phượng (Hà Nội), nơi có trên 1.000 hộ chuyên sản xuất đồ gỗ nội thất bán khắp cả nước là xuất xứ của những sản phẩm kể trên. Chị Nguyễn Thị Phương, một chủ cơ sở sản xuất trong cụm làng nghề xã Liên Hà có gần 20 năm trong nghề cho hay, người dân ở xã đa phần làm đồ gỗ công nghiệp, còn nếu muốn làm từ gỗ tự nhiên thì phải đặt trước. “Gia đình tôi cũng bán cho nhiều cửa hàng trên phố Đê La Thành. Đến cả tôi có khi còn khó phân biệt được sản phẩm làm hoàn toàn từ gỗ tự nhiên với sản phẩm có lõi bằng gỗ công nghiệp, huống chi là người tiêu dùng”, chị Phương chia sẻ.

Ông Nguyễn T.B, một thợ lành nghề tại Liên Hà tiết lộ, đa phần các sản phẩm tại đây được làm bằng cách bóc các khoanh gỗ tự nhiên thành các tấm gỗ mỏng khoảng 0,5 - 0,6 cm sau đó dán phía ngoài các tấm gỗ công nghiệp. 

Người làng nghề công khai quy trình sản xuất như vậy, bán giá rẻ hơn gỗ tự nhiên nhiều lần nhưng không ít các đại lý mua về bán lại giới thiệu với khách là sản phẩm làm hoàn toàn bằng gỗ tự nhiên. Ông Biên cho biết, các đại lý này có thể thổi giá bán các sản phẩm gỗ nội thất công nghiệp nhái gỗ tự nhiên lên gấp đôi, gấp ba lần để kiếm lời.

Ông Biên cũng bật mí cách để có thể phân biệt được đồ nội thất gia dụng làm bằng gỗ tự nhiên với sản phẩm có lõi là gỗ công nghiệp. Theo đó, người tiêu dùng nên dựa vào vân gỗ và các đường chém huỳnh (các đường gọt,vát các góc cạnh). Với vân gỗ, người mua nên chú ý vân gỗ ở mặt trước/sau, trên/dưới có sự tương đồng hay không. Các xưởng sản xuất thậm chí còn dùng các tấm gỗ cạnh nhau, được bóc tách từ cùng một thân gỗ để dán vào mặt trước, mặt sau khiến cho khách hàng khó phân biệt. Tuy nhiên, nếu để ý kỹ, khách hàng vẫn có thể phân biệt được.

Với các đường chém huỳnh, ông Ng.H. Th, một chủ cơ sở kinh doanh gỗ nội thất ở Liên Hà có thâm niên trên 20 năm cho biết, mặt hàng gỗ dán có đường chém huỳnh bẹt, không có độ sâu và sắc nhọn như gỗ tự nhiên.

Phần lõi gỗ công nghiệp phía trong cũng được làm từ nhiều loại chất lượng khác nhau. Tại Liên Hà hiện nay, loại có lõi gỗ công nghiệp của Malaysia có chất lượng tốt hơn và giá thành cao hơn so với loại lõi gỗ công nghiệp của Việt Nam.

Một thợ gỗ ở huyện Bình Lục, Hà Nam tiết lộ, có những phản gỗ bị nứt, vát góc vào tay thợ gỗ lành nghề lại trở thành sản phẩm đắt tiền. Phản gỗ này có thể được đắp bằng dăm gỗ, vá bằng ván rồi phủ sơn, khách hàng không thể phân biệt. Những phản gỗ này thường được bán tại các hội chợ mỹ nghệ, có khi kiếm thêm được hàng chục triệu đồng.

MỚI - NÓNG
Tắm rừng được nhiều người làm nghệ thuật lựa chọn vì nó có khả năng kích thích các ý tưởng sáng tạo
Du lịch ôm cây để chữa lành
TP - Thoạt nghe nhiều người sẽ cho rằng đây lại là một trò “điên” gì khác của giới trẻ, song trên thực tế, việc ôm cây trong nghi thức tắm rừng đang trở thành một liều thuốc ngon, bổ, rẻ cho những tâm hồn cần sắp xếp, làm mới lại mình. Xu hướng này bắt đầu từ Nhật Bản và hiện đang lan tỏa mạnh mẽ ở Việt Nam.