> Thể thao Việt Nam 2012: Bức tranh màu xám
> Việt Nam đủ lực đăng cai Asian Games 18
Nỗi lo hiện hữu
Việc Hy Lạp nợ nần sau khi bỏ ra hơn 11 tỷ USD để tổ chức Olympic Athens 2004 khiến không ít người lo lắng.
Nỗi lo lớn nhất đến từ khoản kinh phí xây dựng các địa điểm thi đấu. Chỉ riêng công trình sân đua xe đạp lòng chảo cùng hệ thống khách sạn 5 sao, phía đơn vị liên danh là Hàn Quốc dự tính tiêu tốn 500 triệu USD, gấp hơn 3 lần so với khoản ngân sách dự kiến của cả Asian Games là 150 triệu USD.
Công trình này sẽ được xây dựng theo mô hình xã hội hóa, dự kiến khởi công tháng 4-2013. Tuy nhiên, điều kiện mà doanh nghiệp Hàn Quốc đưa ra là phải được tổ chức cá cược, trong khi đây là việc làm mà pháp luật Việt Nam chưa cho phép. Điều gì sẽ xảy ra nếu điều kiện trên không được đáp ứng và doanh nghiệp Hàn Quốc rút khỏi dự án?
Làng VĐV Asian Games cũng dự kiến được xây dựng theo phương thức xã hội hóa. Trong bối cảnh bất động sản đóng băng như hiện nay, việc tìm được doanh nghiệp có đủ tiềm lực về kinh tế để đứng mũi chịu sào xây dựng Làng VĐV rồi sau đại hội bán lại cho người dân sử dụng không phải là chuyện dễ.
Rồi đến các công trình như nhà thi đấu ở Mỹ Đình, sân bóng chày, tổ hợp tennis ở Đông Anh... cũng tiêu tốn khoản ngân sách không nhỏ.
Đó là chưa kể, nhiều nhà thi đấu cũ sử dụng từ SEA Games 22 năm 2003 đang xuống cấp; nếu muốn đáp ứng yêu cầu đăng cai Asian Games thì sẽ phải tốn kinh phí sửa sang.
Dụng cụ thi đấu, bảng điện tử, thiết bị kỹ thuật liên quan trong các nhà thi đấu cũng phải được trang bị lại mới đáp ứng yêu cầu.
Đoàn đại biểu Việt Nam ăn mừng dành quyền đăng cai Asian Games 2019. Ảnh: Quang Thắng. |
Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao, nói rằng, chỉ riêng việc phải đầu tư 2 bộ dụng cụ cho môn thể dục và phải xây thêm một nhà khởi động cạnh nhà thi đấu chính thức rồi nâng cấp trường bắn đã cũ tại Nhổn thành trường bắn hiện đại, đủ tiêu chuẩn thi đấu ở Asian Games cũng tốn khoản kinh phí không nhỏ.
Ngoài ra, Việt Nam đang đứng trước nỗi lo về nhân lực cho công tác tổ chức, phục vụ đại hội, rồi lực lượng VĐV.
Nhìn vào đội ngũ những người vừa giúp Việt Nam giành quyền đăng cai Asian Games, người ta không khỏi lo rằng, 6 năm nữa, phần lớn trong số họ hoặc quá già, hoặc đã về hưu, liệu có kịp truyền đạt kinh nghiệm quý báu cho thế hệ con cháu?
Giải pháp mơ hồ
Dự kiến ban đầu là 80% cơ sở vật chất tổ chức đại hội đến từ hệ thống công trình có sẵn từ SEA Games 22 và Asian Indoor Games III.
Đối với các công trình xây mới, khán đài lắp ghép sẽ được sử dụng để giảm thiểu chi phí đầu tư. Bên cạnh đó, việc tận dụng nguồn xã hội hóa sẽ được phát huy tối đa.
Sở dĩ hồ sơ đăng cai của Việt Nam chỉ đưa ra con số 150 triệu USD là vì chưa tính đến những khoản đầu tư liên quan như xây nhà ga mới ở sân bay quốc tế Nội Bài, xây dựng hệ thống giao thông liên quan mà theo các nhà tổ chức thì Asian Games sẽ “ăn theo” đề án quy hoạch của Hà Nội.
Đề án này quy hoạch sẵn hệ thống giao thông hiện đại, khu quy hoạch thể thao dành cho Asian Games, dự kiến hoàn thành trước năm 2020.
Thế nhưng, trong bối cảnh Chính phủ phải cắt giảm chi tiêu và rà soát kỹ lưỡng các dự án đầu tư, liệu có đủ kinh phí để hoàn thiện quy hoạch đưa Hà Nội trở thành một thủ đô văn minh, hiện đại vào năm 2020 để thể thao có thể “ăn theo” tổ chức Asian Games 18?
Ông Nguyễn Hồng Minh đưa ra một ví dụ, năm 2010, dự kiến Cần Thơ được chi 800 tỉ đồng để tổ chức Hội khỏe Phù Đổng vào tháng 8-2012, nhưng đến năm 2011, khi kinh tế khó khăn, nguồn kinh phí này bị cắt xuống còn 400 tỷ đồng và đến năm 2012 được xét duyệt 200 tỷ đồng.
Đến khi tổ chức Đại hội vào tháng 8, kinh phí được duyệt để tổ chức đại hội chỉ là 80 tỷ đồng. Do kinh tế suy thoái nên nguồn kinh phí được cấp cuối cùng chỉ bằng 1/10 so với dự toán ban đầu.
Tuy nhiên, nếu tình hình kinh tế được cải thiện trong một vài năm tới thì Việt Nam hoàn toàn có thể tổ chức được một đại hội thể thao lớn nhất châu Á theo tinh thần tiết kiệm. Và khi tổ chức thành công một đại hội tầm cỡ như Asian Games thì những giá trị của nó không thể lượng hóa hết được.
Giành 10 HCV bằng cách nào? Về việc chuẩn bị lực lượng VĐV để đảm bảo chỉ tiêu 10 HCV, hầu hết giới chuyên môn đều rất lo lắng. Theo ông Nguyễn Hồng Minh, để chuẩn bị được lứa VĐV thi đấu tốt ở SEA Games 22, chúng ta đã mất khoảng 10 năm cho Chương trình mục tiêu quốc gia, được Chính phủ đầu tư khoảng 1.900-2.000 tỷ đồng. Nếu lại được Chính phủ đầu tư cho một chương trình mục tiêu trong 6 năm nữa, ước tính cũng phải vào khoảng 1.500 - 1.700 tỷ. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, liệu Chính phủ có thể đầu tư một khoản lớn như thế? Tuy chúng ta có tới vài ngàn VĐV đang được đào tạo ở các tỉnh, thành, trung tâm huấn luyện, nhưng trên thực tế, các VĐV này giờ vẫn như con số không tròn trĩnh, cần có một kế hoạch đầu tư dài hạn, bài bản và tốn kém. Chúng ta có thể tập trung đào tạo khoảng 40-50 VĐV “gà nòi” nhưng vấn đề là ở chỗ làm sao để không lặp lại tình cảnh của thế hệ vàng mà TPHCM tốn bao tiền của, công sức nhưng thành quả thu được không đáng kể. Còn nếu lại tiếp tục đào tạo theo kiểu dàn trải để đẹp lòng tất cả thì vừa không đủ kinh phí vừa đứng trước nguy cơ trắng tay ở Asian Games. |