Cuộc vượt thoát hy hữu trong bão số bốn

Cuộc vượt thoát hy hữu trong bão số bốn
TP - Trọn 24 tiếng đồng hồ, vật lộn với gió bão rồi lang thang lê lết trong rừng với cái đói, cái lạnh sau tai nạn kinh hoàng, hai ngư dân trên tàu ĐNa 00234 đã trở về.

Cứu 3 ngư dân trôi dạt trên biển gần 20 giờ
> Bão số 4 vào Trung bộ, hình thành bão số 5

Thoát chết hi hữu

Với gương mặt đầy sẹo, giọng mệt mỏi, anh Nguyễn Văn Cường (34 tuổi, ở Vinh Thanh, Thọ Quang, Đà Nẵng), thuyền trưởng tàu ĐNa 00234 nói, không tin rằng mình đang ở nhà.

7 giờ sáng ngày 25-9, tin báo bão số 4 khẩn cấp, anh Cường cùng Vũ Xuân Huân (24 tuổi, Quảng Xương, Thanh Hóa) vội vàng nổ máy con tàu ĐNa 00234 để chạy từ Sơn Trà, vòng qua mũi Nghê vào âu thuyền Thọ Quang trú bão. Đó là một quyết định sai lầm, bởi vùng biển mũi Nghê từ lâu đã được xác định là vùng biển “tử thần” mỗi khi bão tới.

Với gió cấp 5, cấp 6, tuyệt nhiên không có tàu thuyền nào dám vòng qua mũi Nghê, mà phải giãn bán kính, tức chạy xa ra đảo rồi mới vòng vào cửa biển, đến âu thuyền Thọ Quang. Anh Cường thừa nhận: “Lúc đó thấy gió bão chưa lớn, tàu nhỏ hơn chạy qua cũng nhiều. Nếu tàu tôi không chết máy thì không đến nỗi”.

Cũng vì vòng qua mũi Nghê nên tàu của anh phải vật lộn đến 5 tiếng đồng hồ mới vượt được nửa chặng đường. Khoảng 12 giờ trưa, nước tràn vào khiến tàu chết máy, Cường thả neo và gọi điện cấp cứu về nhà.

"Năm 2010, trong cơn bão số 9, một tàu ở Quy Nhơn cũng đâm sầm vào bãi đá ở Ghềnh Ráng, chúng tôi bắt buộc cứu người từ đường bộ. Lên đỉnh núi, bắn dây xuống cho nạn nhân leo lên" - Thuyền trưởng Phan Xuân Sơn

Quãng thời gian từ 12 giờ đến 17 giờ chiều, từng ngọn sóng cao hơn mái nhà liên tục bủa vây, giã gạo con tàu có mã lực 85CV. Hai ngư dân co mình chống đỡ, nôn thốc tháo. Đến 17 giờ thì mất mọi liên lạc, máy mất, tàu bắt đầu chao đảo. Lúc đó, anh Cường chập chờn nghĩ đến cái chết. Hàng chục phương án đặt ra, sống hay chết, làm cách nào để sống và chết thì chọn cách nào để anh em còn thấy xác. Những suy nghĩ của người tuyệt vọng.

Đến khoảng 18 giờ, trời tối đen, sóng vẫn quất dữ dội, đã không còn xác định phương hướng và không gian, hai ngư dân quyết định cởi quần áo, thay bằng đồ lặn, tiếp tục mặc ngoài áo phao rồi tháo đèn chớp (chạy bằng pin), cắt một đoạn dây dài 20m đề phòng trường hợp quyết định nhảy xuống sẽ cột hai người lại với nhau, giúp người thân dễ dàng tìm thấy xác cả hai. Lúc này con tàu đã trôi gần hết mũi Nghê, qua mũi Đèn (mũi của ngọn hải đăng).

Sóng càng lúc càng lớn, tàu dần dần bị đánh dạt vào bờ. Phía trong là những vách đá sừng sững. Đi biển lâu năm nên Cường và Huân biết rất rõ đoạn này, chỗ nào cũng dựng đứng những vách đá nhọn hoắt, sắc cạnh. Cường chắp tay cầu trời khấn phật, mong tàu đừng đâm vào chỗ phía trên mũi Đèn. Không hiểu do phúc lớn hay sao mà sóng dạt xuống một đoạn nữa, qua mũi Đèn.

Khoảng 19 giờ 30, một con sóng cao bằng 2 mái nhà trùm lên cả con tàu rồi dội vào vách đá. Tối tăm mặt mũi, chỉ nghe một tiếng ầm, sóng hất Cường văng vào khe nứt giữa 2 mỏm đá, con tàu tan từng mảnh. Mấy tấm ván thân tàu theo sóng ép chặt anh vào giữa. Rất may sau đó, khi con sóng dội trở ra, nó rút luôn mấy mảnh ván theo. Cường lịm đi.

May mắn hơn Cường, Vũ Xuân Huân đứng dưới tấm bạt, khi sóng dội vào, tấm bạt cuộn cả người Huân, thốc lên khe đá phía trên, nằm an toàn như tằm trong kén. Huân gắng gượng gỡ bạt, la gọi anh Cường, lúc này đã ngất xỉu, hai tay vẫn ôm chặt mỏm đá. Một lúc, Cường mới tỉnh lại, bắt đầu bò lết lên.

“Người tôi lúc ấy mềm nhũn, nghe Huân gọi, biết là nguy hiểm khi cứ ôm mỏm đá, nếu thêm một cơn sóng dội vào, sẽ toi mạng, nhưng lết lên không nổi. Kiệt sức rồi” - Anh Cường nhớ lại. Hơn một tiếng đồng hồ sau, bằng chút sức tàn cuối cùng, Huân dìu anh Cường, thoát khỏi những vách đá, lết vào rừng. Cả hai vẫn chưa tin được, mình lại có thể sống sót sau cú đâm tàu kinh hoàng đó.

“Đời chúng tôi đi biển, nghe thấy tai nạn cũng nhiều, nhưng đâm tàu vào vách đá mà còn sống thì quả có một không hai” - anh Hùng, một thuyền viên trên tàu ĐNa 00234 nói. Theo anh Hùng, cách đây 3 năm, một tàu sắt cũng tông vào vách đá ở Cù Lao Chàm, toàn bộ 8 người đều thiệt mạng.

Tìm đường sống

Rừng Sơn Trà mịt mùng đêm tối, mưa như trút nước. Đói, lạnh, kiệt sức và mất phương hướng, hai ngư dân tiếp tục trải qua một đêm ác mộng.

Anh Cường kể rằng, nếu trước đó không mặc vào hai bộ đồ lặn, cả hai chắc chắn thiệt mạng với cú va đập kinh hoàng vào vách đá. Nếu có sống cũng bị đá cắt thịt, không cầm được máu mà chết. Cả hai vật vã, dìu nhau đi giữa đêm khuya, vạch cây bò lết từ chân lên giữa núi thì Cường kiệt sức hẳn. Cả hai ôm nhau ngủ li bì dưới một gốc cây.

Đến gần sáng hai người tiếp tục dìu nhau bò lên đỉnh. Cũng may, là người Thọ Quang nên Cường biết rõ đường hướng trong rừng Sơn Trà. Anh tìm cách tiến dần lên ngọn hải đăng. 12 giờ ngày 26-9, lết đến ngọn hải đăng cũng là lúc cả hai lăn ra, ngất xỉu.

Nguyễn Văn Cường với khuôn mặt đầy sẹo sau tai nạn kinh hoàng
Nguyễn Văn Cường với khuôn mặt đầy sẹo sau tai nạn kinh hoàng.

Trong lúc Cường và Huân chống chọi với tử thần thì ở trên bờ, anh trai của Cường là anh Nguyễn Văn Vinh – GĐ Cty trục vớt tàu Quang Thọ sốt ruột chồn chân như ngồi trên đống lửa. Mọi nỗ lực của anh Vinh đều vô vọng bởi ai cũng biết, tàu đi qua hòn Nghê, bị nạn bởi gió bão cấp 6, 7 thì coi như rồi đời.

Vẻ hốt hoảng chưa tan hẳn trên khuôn mặt anh Vinh: Trưa hôm đó, khi Cường gọi điện báo bị nạn, tôi báo ngay cho Hải đội 2 (BĐBP Đà Nẵng), rồi cấp báo cho Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn thành phố. Chưa yên tâm, tôi lại gọi cho Da Nang MRCC nhờ giúp đỡ.

Mặt khác, vì là dân trục vớt tàu, nên tôi cũng bám theo tàu cá để tự tìm kiếm. Nhưng mới ra khỏi bãi ngang, sóng cao như mái nhà dội tàu trở lại. Nước tràn vào khoang máy, tôi phải xuống sửa máy, tát nước ra, lúc quay lên thì chủ tàu đã quay vào bờ. Tôi thiếu nước quỳ lạy chủ tàu, xin họ ra cứu em tôi và Huân. Em tôi là thuyền trưởng tàu tôi làm chủ, nó có chết thì tôi cũng chẳng thiết sống làm gì. Họ không đồng ý. Đến 16 giờ chiều, tôi lại nhờ một tàu trục vớt là ĐNa 0322, nhưng không thể ra được, sóng lớn quá. Ở nhà ai nấy ruột gan như lửa đốt.

Anh Cường băn khoăn: Tôi vẫn không hiểu người ta cứu hộ kiểu gì. Gọi từ trưa mà đến tối tàu SAR 412 mới đi, nói thiệt, lúc đó có ra mà lượm xác!

Mũi Đèn nhìn từ đỉnh Sơn Trà - nơi tàu bị nạn
Mũi Đèn nhìn từ đỉnh Sơn Trà - nơi tàu bị nạn.

Trả lời bức xúc của anh Nguyễn Văn Cường, thuyền trưởng tàu SAR 412 (Da Nang MRCC) Phan Xuân Sơn giải thích: Chúng tôi nhận lệnh đi lúc 19h15, đến 19h30 tàu xuất phát. Địa điểm tàu ĐNa 00234 bị nạn là 16030/ N - 108019/ E, dò trên bản đồ thì tọa độ này ở trên rừng, chúng tôi căn tàu này bị ngay sát bờ. Tàu SAR 412 không thể tiếp cận được vì bờ đá cạn, lại trong trường hợp trời mưa gió, ban đêm.

Chúng tôi không thể tìm thấy, đành xin lệnh quay về. Tại phòng thông tin của Da Nang MRCC, văn bản số 202/BC-TKCNII-PHCN thể hiện: Lúc 16 giờ 15 ngày 25-9, Da Nang MRCC nhận được tin tàu cá ĐNa 00234 bị nạn. Như vậy, ngay khi bị nạn là 12 giờ trưa, anh Cường đã thông báo cho anh Vinh rồi anh Vinh thông báo cho cơ quan chức năng, nhưng mãi đến 16 giờ 15 cùng ngày Da Nang MRCC mới tiếp nhận thông tin.

Thuyền trưởng Phan Xuân Sơn nói: “Ngư dân mình có cái dở là cứ bị nạn thì lại gọi ngay cho người nhà mà không gọi trực tiếp cho chúng tôi, thành ra các bộ phận, ban ngành tiếp nhận, xử lý rất mất thời gian. Dù theo nguyên tắc tàu SAR phải có lệnh mới được đi, nhưng trong trường hợp khẩn cấp, chúng tôi vẫn có thể tùy cơ ứng biến”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.