Có mặt tại Trường giáo dưỡng số 5 (Long An) một ngày cuối năm để tham gia tiết học của những học sinh trong trường, Trần Duy Lâm - sinh viên năm 2 trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng - đã kể lại câu chuyện thực tế của mình khi cậu cũng từng suýt bị đưa vào trường giáo dưỡng.
Sinh ra trong gia đình khá giả ở TP Pleiku (Gia Lai), cha mẹ quanh năm lo buôn bán làm ăn, ít có thời gian quan tâm đên con nên Lâm sớm ăn chơi đua đòi theo bạn bè. Cậu tập tành hút thuốc, cùng bạn lập nhóm chuyên đi bắt nạt học sinh của trường.
"Mình chưa bao giờ nghỉ học nhưng mình tới trường không phải để học mà để nghĩ ra đủ thứ trò nghịch ngợm. Đặc biệt là đánh nhau và xin đểu bạn bè", Lâm kể và cho biết tới năm lớp 9 thì cậu đã dính vào nghiện ngập và nhóm của cậu được xem là "đàn anh, đàn chị" của trường.
"Hồi đó mình lấy tiền của cha mẹ ném vào hút chích, game, cá độ một cách không thương tiếc. Và việc tiêu tiền một cách phung phí cũng đã quen tay, khi không còn tiền để xài nữa thì mình nghĩ ra đủ việc để có tiền như xin đểu, trộm cắp đồ của gia đình mang đi bán", Lâm cho hay.
Mải làm ăn, đến khi con đánh nhau bị công an mời lên làm việc thì gia đình Lâm mới biết được những "thành tích" bất hảo của con. "Cha mẹ mình lúc đó rất sốc, riêng mẹ đã khóc hết nước mắt vì mình", giọng Lâm chợt nhỏ lại. Sau đó, để tách con khỏi đám bạn quậy phá, họ đưa cậu vào học ở một trường nội trú tại TP HCM.
Những ngày đầu cuộc sống tách biệt với bên ngoài khiến Lâm rất khó chịu. Nỗi nhớ nhà, nhớ những đứa bạn khiến cậu bức bối. Nhưng cũng nhiều đêm khi nằm một mình, cậu đã trăn trở và suy nghĩ lại những việc đã làm và bắt đầu cảm thấy hối hận.
"Nhất là khi nghe tin người bạn thân bất ngờ chết vì sốc ma tuý, mình thật sự tỉnh ngộ. Hồi đó mình nghĩ nếu cứ tiếp tục phá phách, hút chích thì tương lai của mình cũng sẽ giống người bạn này", Lâm nhìn khắp hội trường đang im phăng phắc.
"Đáng quý nhất sau khi vấp ngã là mình tiếp tục đứng lên và sửa chữa sai lầm. Nhiều người nghĩ các bạn khi đã vào trường giáo dưỡng rồi sẽ khó trở thành người tốt thì các bạn hãy làm nên cái điều không thể đó để chứng minh cho họ thấy", Lâm nhắn nhủ các học viên trường giáo dưỡng khi kết thúc câu chuyện của mình. "Hiện mình đã đi làm thêm để trang trải cuộc sống sinh viên chứ không lấy tiền từ cha mẹ nữa", Lâm cho biết thêm.
Từng có quá khứ lầm lỗi không kém Lâm, câu chuyện của Phạm Văn Cường (học sinh lớp 12, trường THPT Nhân Việt, TP HCM) cũng khiến cho nhiều học viên phải suy ngẫm.
Mở đầu câu chuyện của mình, Cường đã khiến cả hội trường xôn xao khi cho biết mình từng thua cá độ bóng đá lên đến hàng trăm triệu đồng. Sinh ra trong một gia đình khá giả, bố mẹ lo làm ăn nên anh em Cường được cung cấp tiền để tự chi tiêu. Từ hồi học lớp 3 Cường đã biết hút thuốc lá và bỏ nhà đi bụi với các bạn trong xóm.
Thấy con hư hỏng, đầu năm cấp hai cha mẹ đưa Cường đi học xa nhà để cắt đứt quan hệ với những đứa bạn cũ. Nhưng lên trường mới, thiếu sự quản lý của gia đình Cường tham gia và bắt đầu nghiện cá độ bóng đá trên mạng.
"Mình thua nhiều lắm, nhưng đỉnh điểm là có lần thua hơn 100 triệu không có tiền trả nên bị xã hội đen truy lùng. Mình đã phải trốn chạy khắp nơi, khi nào cũng sống trong nơm nớp sợ hãi. Lúc đó bố mình phải mang tiền lên trả nợ và đưa con về nhà", nam thanh niên có vẻ ngoài thư sinh cho biết.
Tiếp tục ăn chơi, Cường sau đó dính vào hút chích và buôn hàng cấm. Cậu và nhóm bạn quậy phá đã nhiều lần uy hiếp, đánh đập những học sinh khác. Không ít lần bị công an mời lên làm việc, Cường nằm vào danh sách đen của xã.
Bất lực trước đứa con hư hỏng, gia đình quyết định đưa Cường vào trường giáo dưỡng. Trước sự kiên quyết của cha mẹ, cậu đã xin thêm một cơ hội để bắt đầu lại từ đầu. Thương con, cha mẹ Cường đã lặn lội từ Đăk Lăk lên tận TP HCM để tìm trường nội trú cho con học. Cũng từ đó Cường quyết định thay đổi và tập trung vào học hành.
"Lúc đầu nhận Cường vào trường chúng tôi không hề biết quá khứ quậy phá của cậu học trò này. Mãi đến năm lớp 11, khi thầy trò tâm sự tôi đã rất ngỡ ngàng bởi từ ngày vào trường Cường khá ngoan, hiện thành tích học tập của Cường cũng thuộc loại khá", thầy Bùi Gia Hiếu - Hiệu trưởng trường THPT Nhân Việt - nhận xét.
Câu chuyện quá khứ của Lâm và Cường khiến nhiều học viên trường giáo dưỡng cúi mặt, số khác ngồi trầm ngâm. Nguyễn Thanh Tuấn - vào trường giáo dưỡng vì trong một lần chứng tỏ mình đã đâm trọng thương một "đối thủ" - cho biết cậu ước mình đã có thể biết dừng lại như hai bạn này.
"Em vốn sinh ra không có cha, mẹ phải làm thợ hồ để em khôn lớn. Ngày em bị bắt vào đây, mẹ đã đổ bệnh. Giờ em chỉ mong mỏi ngày trở về để chăm sóc mẹ và làm lại cuộc đời", cậu thiếu niên gục đầu khóc.
Theo Nguyễn Loan