Ông Frederick Banting (trái) và ông John Macleod |
Khi điện thoại của ông Frederick Banting đổ chuông vào một buổi sáng tháng 10 năm 1923, đó là cuộc gọi mà mọi nhà khoa học đều mơ ước được nhận. Đầu dây bên kia, một người bạn hào hứng hỏi ông Banting đã xem báo buổi sáng chưa. Khi ông nói chưa, bạn của ông đã thông báo luôn: Ông vừa được trao giải Nobel vì phát hiện ra insulin. Ông Banting bảo bạn của mình “hãy xuống địa ngục đi” và cúp máy. Sau đó, ông ra ngoài và mua một tờ báo. Hẳn rồi, ông thấy cơn ác mộng tồi tệ nhất của ông đã trở thành sự thật: ông đã được trao giải Nobel - nhưng sếp của ông, John Macleod, giáo sư sinh lý học tại Đại học Toronto cũng vậy.
Trước khi phát hiện ra insulin, bệnh tiểu đường loại 1 đồng nghĩa với một cái chết chắc chắn. Không thể chuyển hóa đường từ carbohydrate trong chế độ ăn uống, bệnh nhân trở nên yếu ớt và hốc hác cho đến khi, do các hợp chất độc hại được gọi là xeton, họ rơi vào hôn mê và tử vong. Ngay cả vào đầu thế kỷ 20, có rất ít thứ có thể giúp cho những bệnh nhân mắc chứng này.
Vì vậy, các bác sĩ đã vô cùng sửng sốt khi phát hiện ra một loại hormone có thể đưa lượng đường ở các bệnh nhân tiểu đường trở lại mức khỏe mạnh và thậm chí đưa họ ra khỏi trạng thái hôn mê. Và bởi vì nó được tạo ra bởi các mảng mô nhỏ giống như các hòn đảo nhỏ trong tuyến tụy, chất này được đặt tên là “insulin”, là từ “hòn đảo” trong tiếng Latinh.
Những lời khen ngợi dành cho những người phát hiện ra nó bắt đầu đến tới tấp. Ông Banting nhận được một lá thư từ thủ tướng Canada cấp cho ông một khoản trợ cấp suốt đời từ chính phủ; ông đã được mời đến khai mạc Triển lãm Canada (một vinh dự dành cho “một công dân Anh hoặc Canada xuất sắc”), và thậm chí còn được triệu tập đến dự khán tại Cung điện Buckingham cùng với Vua George V. Cuối cùng, ông được trao giải Nobel.
Nhưng tại sao Banting lại tức giận như vậy? Theo ông, việc phải chia sẻ giải thưởng với ông Macleod không chỉ là một trò hề mà còn là một sự xúc phạm. Ông cho rằng ông Macleod không có quyền tuyên bố phát hiện ra insulin, như một đoạn trích từ nhật ký của ông, được viết vào năm 1940, cho thấy: “Macleod không bao giờ nên được tin tưởng. Ông ta là người ích kỷ nhất mà tôi từng biết. Ông tìm mọi cơ hội có thể để thăng tiến bản thân. Nếu bạn nói với Macleod bất cứ điều gì vào buổi sáng, nó sẽ xuất hiện trên trang báo hoặc trong một bài giảng của ông ta vào buổi tối Ông ấy là kẻ vô đạo đức và sẽ ăn cắp ý tưởng từ bất cứ nguồn nào có thể”.
Ông Frederick Banting và ông Charles Best (trái) với một chú chó trên nóc Bệnh viện Y tế Đại học Toronto, tháng 8/1921 |
Trong cuộc gặp đầu tiên của ông với ông Macleod, ông Banting đã đến gặp ông với một cách tiếp cận mới để cô lập hormone chống tiểu đường. Ông Macleod đã lắng nghe ông một lúc, và sau đó bắt đầu đọc một số bức thư từ trên bàn làm việc.
Không phải là Macleod không hào hứng. Ông kể lại rằng mặc dù ông Banting có nhiệt huyết, nhưng ông thiếu các kỹ năng phẫu thuật chuyên môn để thực hiện nó. Nhưng cuối cùng, ông vẫn quyết định đánh cược và sắp xếp để ông bắt đầu làm việc với Charles Best, một sinh viên năm cuối.
Sau những rắc rối ban đầu, ông Banting và Best đã làm việc trong phòng thí nghiệm suốt mùa hè năm 1921, tạo ra các chất chiết xuất từ tuyến tụy và kiểm tra tác động của chúng lên lượng đường trong máu của những con chó mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, ông Macleod đã phản hồi rằng một số kết quả thí nghiệm không nhất quán và thiếu các đối chứng thích hợp.
Vào cuối năm 1921, mọi thứ một lần nữa trở nên tồi tệ hơn. Ông Macleod cảm thấy đã đến lúc ông Banting và Best trình bày công trình của họ tại một hội nghị khoa học chính thức. Nhưng khi ông Banting phát biểu trước Hiệp hội Sinh lý Mỹ tại Đại học Yale vào tháng 12 năm đó, ông đã quá lo lắng, và bài thuyết trình của ông là một thảm họa.
Tuyệt vọng cứu vãn công trình, ông Macleod đã bước vào và kết thúc bài thuyết trình. Đối với ông Banting, đây là một cuộc đảo chính trơ trẽn của ông Macleod để cướp công phát hiện ra insulin - và để xát muối vào vết thương, nó xảy ra trước sự chứng kiến của những bác sĩ lỗi lạc nhất trong lĩnh vực này. Nó khẳng định mối nghi ngờ ngày càng tăng của ông Banting rằng insulin đang tuột khỏi tầm tay ông - và ông rất cần phải khẳng định lại thẩm quyền của mình đối với khám phá này.
Hai tháng sau, khi ông Macleod công bố chính thức đầu tiên về việc phát hiện ra insulin với giới khoa học tại cuộc họp của Hiệp hội các bác sĩ Mỹ ở Washington, ông Banting đã không có mặt. Ông tuyên bố rằng ông không đủ khả năng chi trả tiền tàu.
Nhưng Banting không phải là người duy nhất sôi sục trước quyết định của ủy ban Nobel, bởi chính nhà nghiên cứu, cựu sinh viên năm xưa Charles Best cũng cảm thấy bị tổn thương bởi giải thưởng thuộc về ông Banting và ông Macleod. Khi ông Banting lần đầu tiên nghe tin mình được trao giải Nobel, ông đã gửi một bức điện cho Best nói rằng: “Họ đã quyết định trao giải cho Macleod và tôi. Bạn sẽ nhận được cả phần của tôi”.
Đúng như lời của mình, ông Banting đã chia số tiền thưởng 20 nghìn CAD của mình với Best. Nhưng nếu ông Banting hy vọng rằng điều này có thể mang lại cho Best một chút an ủi vì đã không được chia giải, thì ông ấy đã nhầm. Sự bực bội của Best khi bị coi thường bắt đầu khiến Banting phát cáu. Năm 1941, ngay trước khi lên chuyến bay thực hiện một nhiệm vụ thời chiến bí mật ở Anh, ông Banting đã nói rằng sự hào phóng trước đây của ông đối với Best đã không còn.
Không may thay, không lâu sau khi cất cánh, máy bay của ông Banting gặp sự cố và ông thiệt mạng. Với việc ông Macleod qua đời vào năm 1935, giờ ông Best và một nhân vật nữa là ông Collip là những thành viên duy nhất còn lại của nhóm nghiên cứu Toronto đã phát hiện ra insulin. Và ông Best quyết tâm ghi tên mình vào sách sử.
Ông Michael Bliss, người đã nghiên cứu về câu chuyện về ông Banting và Best, cho biết Best “vô cùng bất an và ám ảnh với chỗ đứng của mình trong lịch sử”. Ông nói thêm: “Những nỗ lực nhằm thao túng hồ sơ lịch sử sẽ thật thảm hại và không đáng bình luận chỉ nếu như chúng không quá bất công như vậy”.