Cuộc sống luôn có phép màu

Cuộc sống luôn có phép màu
Cha phát bệnh tâm thần từ khi cô sinh viên ấy còn nhỏ dại. Ký ức tuổi thơ chỉ là những lần chịu tủi hổ, chứng kiến cảnh cha đốt nhà, không mặc quần áo chạy khắp làng… Nhưng cuộc sống cùng cực vẫn không ngăn cô ấy trở thành một sinh viên Luật.
Cuộc sống luôn có phép màu ảnh 1

Dẫu ngày ngày phải đi làm giúp việc để kiếm tiền ăn học, cô vẫn thấy những phép màu ở đâu đó trong cuộc sống đang chờ đợi mình.

Đó là câu chuyện của Nguyễn Thị Ánh (lớp 361515, khoa Dân sự, trường ĐH Luật Hà Nội).

Tuổi thơ chứa chan nước mắt

Lúc Ánh lên 5 tuổi, cha bắt đầu lâm bệnh. Bao nhiêu tài sản trong nhà đều được gia đình mang đi bán để lấy tiền chạy chữa cho cha nhưng tất cả đều vô nghĩa. Trong trí nhớ của Ánh, mẹ hay nói rằng, cha Ánh phải đi bán thuốc sâu, có lần bị cảm nặng ở trong rừng. Trận ốm qua đi nhưng chứng thần kinh thì đeo đẳng ông đến cuối đời. Mỗi lần cha Ánh lên cơn là cầm gậy đuổi đánh ba mẹ con khắp thôn xóm. Ở ngôi làng nhỏ thuộc xã Xuân Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh, không ai là không biết bệnh tình của cha Ánh.

Giọng Ánh nghèn nghẹn: “Có những đêm, ba mẹ con đang ngủ, cha đi đâu về. Ông chạy xồng xộc vào nhà, vác theo gậy đánh túi bụi vào cả ba mẹ con. Chưa kịp tỉnh ngủ đã thấy gậy ông tới tấp phang vào người. Ba mẹ con dường như quen với việc đó nên không ai bảo ai, chỉ biết đồng loạt chạy thục mạng. Nhiều đêm, mẹ đưa hai chị em mình lên bà ngoại trốn, rồi mẹ lại len lén trở về xem cha đã tỉnh chưa, có ngã không, có bị xây xát gì không, khi nào thì có thể đưa cha lên viện. Cứ qua đêm thì cha lại tỉnh, hai chị em lại có thể trở về nhà an toàn.

Cũng có lần, ngủ say quá, không kịp chạy, mẹ bị cha dùng kim to nhọn đâm vào mũi, máu chảy ròng ròng. Hai chị em bé dại chỉ biết khóc thảm thiết, rồi lết đi trong nhà. Mấy mẹ con đều bị cha đánh cho bầm dập. Mẹ bị chảy nhiều máu nhưng chẳng bao giờ đi bệnh viện. Mẹ cứ cố chịu, cứ như thể cuộc đời mẹ sinh ra là để chịu những lần cay đắng cùng cực như thế. Mẹ thường nói trong nghẹn ngào nước mắt: “Thôi ráng chịu, các con, cha bị điên mà, chấp ông ấy làm gì”.

Ngày trước, đã có lần cha chất củi lên để đốt nhà. Lửa cháy ngùn ngụt, còn cha thì đứng lặng như tờ, rồi sau đó lại vừa cười, vừa khóc. May mắn, rồi dân làng cũng đến giải cứu. Khi Ánh học lớp 7, chứng kiến cảnh cha không có một mảnh áo quần trên người, cứ thế chạy nhông nhông khắp xóm. Mẹ vừa khóc, vừa chạy theo, chạy được một đoạn lại vấp ngã. Nhiều lúc, phải nhờ những người đàn ông khác trói cha lại thì mẹ mới đưa cha được về nhà.

Những lúc ấy, bao nhiêu tủi hổ, đớn đau của cả thế giới này như dồn lại nơi trái tim cô học trò lớp 7. Ánh ngồi phịch xuống cổng, khóc như oan ức, như cào xé. Sự thật là đã có lúc, Ánh ức giận cha. Vì sao cha cứ mãi gieo rắc khổ đau, tủi hờn cho ba mẹ con?

Nhà nghèo, miếng ăn chẳng đủ đã là cơ cực lắm rồi. Đến khi Ánh lớn khôn hơn, Ánh thấy thương cha lắm. Những lần lành bệnh, cha từ viện về, hiền khô, ôm lấy Ánh mà khóc. Cha chỉ khóc thôi, chẳng nói được câu “thương con” bao giờ nhưng Ánh biết những lúc tỉnh táo, chẳng ai thương Ánh bằng cha mình.

Lúc ông lành bệnh, ông hay nói với Ánh rằng: “Mày cố gắng học hành cho nên người con nhé!”. Nhưng rồi sau đó vài hôm, khi lên cơn điên, ông lại vác gậy đuổi đánh ba mẹ con khắp làng…

Càng nghèo, càng thèm được đi học

Học hết lớp 12, nhìn cảnh nhà nghèo xơ nghèo xác, nhìn mẹ lặng im trước câu hỏi: “Liệu con có được học nữa không?”, Ánh tự biết câu trả lời, tự biết cánh cửa học đường dường như đã đóng trước mắt mình. Ánh xin mẹ đi làm công nhân và nói rằng: Con sẽ đi kiếm tiền trong vòng một năm, dành dụm được bao nhiêu thì con sẽ học tiếp. Nhưng mức lương công nhân chẳng nhiều nhặn gì.

Với 1,9 triệu đồng/tháng, trừ đi tiền thuê nhà, tiền ăn, sau một năm, Ánh ki cóp mang về được 4 triệu đồng. Mắt mẹ Ánh ngấn nước: “Người ta bảo, nhà mình nghèo đừng mơ cao học rộng, biết dài. Xóm giềng còn bảo, nếu con cái đi học là ích kỷ vì đi học nghĩa là bố mẹ lấy đâu tiền để sống, chỉ còn nước lên mồ. Nhưng nếu con muốn đi, mẹ không cản…”.

Và rồi, Ánh đi thi đại học. Ánh trở thành sinh viên trường ĐH Luật Hà Nội. Mẹ Ánh buốt ruột vì không biết làm cách nào xoay xở giúp con. Mẹ Ánh chỉ có ruộng đồng, cả năm thu nhập được dăm sáu triệu đồng, dành cả để nuôi sống gia đình và thỉnh thoảng bán lợn, bán bò đi chữa chạy cho cha Ánh.

Hành trang đi học của Ánh là số tiền dành dụm sau một năm làm công nhân, 500.000 đồng của xã tặng, một bao gạo và 200.000 đồng còn lại trong túi mẹ Ánh, dành nốt cho con. Tháng đầu tiên, Ánh phải ở trong một nhà trọ bé xíu. Dù tiền phòng đã chia cùng các bạn nhưng số tiền 1,2 triệu đồng/tháng là quá nhiều.

Ánh rời xa khu vực trường Luật, tìm nhà ở mãi tận gần bệnh viện 103. Giá thuê ở đây thấp hơn, chỉ 800.000 đồng/tháng (chia cho 2 người) nhưng dù vậy, đấy vẫn là chi phí quá cao với một sinh viên cực nghèo như Ánh. Và giờ, Ánh tìm được phòng trọ ở KTX trường Trung cấp GTVT (xóm 1A, xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm), với giá thuê… 160.000 đồng/tháng.

Mỗi học kỳ, Ánh đều được vay vốn hỗ trợ sinh viên nghèo, số tiền hơn 5 triệu đồng. Ánh đóng học hết khoảng 2,5 – 3 triệu đồng (mỗi tín chỉ là 145.000 đồng). Ánh chỉ còn dư lại khoảng 2 triệu đồng để tiêu trong vòng 5 – 6 tháng. Có những tháng không kiếm được việc làm thêm, Ánh chỉ có khoảng 400.000 đồng để ăn.

Ánh mang gạo từ quê ra, mỗi lần mang chừng 3 – 4 yến gạo, khi có tiền, bữa cơm của Ánh còn có mớ rau, khi hết tiền thì chỉ rưới chút nước mắm. Mỗi năm, để tiết kiệm tiền tàu xe, Ánh chỉ về quê 2 lần để xin mẹ gạo. Có những lúc hết tiền, cơm không với nước mắm cũng chẳng có mà ăn.

Ánh nhịn đói, ngồi lặng lẽ trong góc phòng: “Mình cứ nhịn đói như thế, nhịn bao nhiêu bữa thì chẳng nhớ được, cũng chẳng dám vay tiền thêm của bạn bè vì biết rằng, các bạn lấy đâu tiền để cho mình vay nhiều lần. Mình lả đi. Mình chỉ muốn bỏ học, chỉ muốn buông xuôi. Thôi thì khép lại những ước mơ, vì cái ăn còn chẳng đủ, biết làm thế nào. Có lẽ, mình lại xin đi làm công nhân, giảng đường hình như không có chỗ dành cho những người quá nghèo như mình…”.

Nhưng rồi, sinh viên cùng lớp vẫn thấy Ánh đến trường, chẳng ai biết nhiều về gia cảnh của Ánh. Chỉ biết rằng, đó là cô bạn rất lặng lẽ, ít nói chuyện với bạn bè nhưng ánh mắt thì lúc nào cũng lấp lánh những yêu tin và hy vọng.

Gồng mình mưu sinh

Cứ có khoảng thời gian trống là Ánh lại bươn bả kiếm tiền. Ánh đi chạy bàn ở một quán cà phê trên đường Nguyễn Chí Thanh. Công việc phải về khuya vất vả nhưng Ánh rất chịu thương chịu khó. Dù thu nhập không cao nhưng đó là cách duy nhất để Ánh có thêm tiền để sống và tiếp tục đi học.

Có lần, Ánh rửa cốc bị vỡ. Bà chủ mắng té tát mà Ánh chỉ biết cắn răng. Đồng nghiệp bảo: Thôi bỏ làm đi, làm vỡ mấy cái cốc mà phải đền tiền, lại còn bị sỉ nhục. Ánh vẫn nhẫn nại nộp tiền phạt để được làm tiếp. Nhưng rồi quán cà phê ngày càng vắng khách, bà chủ ngày càng khó tính, cắt giảm số nhân viên chạy bàn xuống còn một nửa, Ánh cũng ở trong số ấy. Ánh mất việc, lại chạy đôn chạy đáo đi tìm việc làm thêm mới…

Có lần, đợi mãi không thấy chỗ nào gọi đi làm, tiền đã cạn, Ánh nhờ bạn giới thiệu để làm giúp việc gia đình cho đôi vợ chồng trên phố Hàng Nón. Buổi sáng, Ánh học trên lớp, buổi chiều đến nhà chủ dọn dẹp, giặt quần áo và trông nom một em bé 4 tháng tuổi. Mức thu nhập 1,6 triệu đồng/tháng từ công việc này khiến Ánh thấy hân hoan vì nghĩ rằng, đã có thể đủ tiền để tiếp tục đi học. Giúp việc nhà có thể là việc làm thêm không hợp lắm với sinh viên nhưng có xá gì.

Ánh bảo: “Đôi lúc, thực lòng là có tủi hổ nhưng đó là cái tủi thương cho cha mẹ mình ở quê. Nhìn bữa cơm gia đình người thành phố, nhìn cách người ta sinh hoạt vui chơi, đi du lịch tận hưởng cuộc sống mà thương cho mẹ cha mình. Chắc cả đời mẹ mình chưa bao giờ được ăn một miếng ngon. Chị chủ nhà cũng rất tốt bụng và văn minh, thỉnh thoảng chị còn cho mình về sớm để lo học hành”.

Chỉ có điều, sang học kỳ mới, lịch học tín chỉ (lúc ca sáng, lúc ca trưa, lúc ca chiều, lúc thì ca chiều muộn) đã không cho phép Ánh làm giúp việc cả buổi ở nhà đó nữa. Ánh lại phải đi tìm một việc khác. Hai tháng nay, Ánh vẫn chưa biết xoay xở thế nào để tìm việc mới phù hợp với ca kíp, giờ học.

Dẫu khó khăn nhưng Ánh tin, thể nào cũng sẽ tìm được việc. Chẳng phải cuộc sống của Ánh đã có nhiều lúc tưởng rơi vào ngõ cụt nhưng rồi Ánh vẫn tìm được lối đi đấy thôi.

Theo Sinh viên Việt Nam

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG