Cuộc lột xác

Cuộc lột xác
TP - Khi bạn tạm thấm phần nào mớ luật pháp mới trong xã hội mới, vẫn phải hiểu rằng ở đâu cũng có luật đời!

> Những chuyện tình nhặt ở sân bay Charles De Gaulles

Tác giả cùng bạn bè người Bỉ, Singapore mừng năm mới truyền thống tại vùng Ardene của Bỉ
Tác giả cùng bạn bè người Bỉ, Singapore mừng năm mới truyền thống tại vùng Ardene của Bỉ.

Khi mình “không là ai cả”

Buổi học cuối cùng ở lớp học Định hướng xã hội, giúp cho những người ngoại quốc lấy vợ- chồng Bỉ sớm hòa nhập vào nước Bỉ, có chiêu đãi bộ phim khiến cả nước Bỉ tự hào- Daens sản xuất từ 1992, từng lọt hai đề cử Oscar.

Hơn hai tiếng vật lộn với nước Bỉ những năm đầu thế kỷ hai mươi, trẻ em bị bóc lột sức lao động, phụ nữ bị lạm dụng tình dục, giới nhà giàu chỉ say sưa nói tiếng Pháp... Rốt cuộc, nỗi đau thân phận, nỗi đau dân tộc- dù ở đâu, thời nào cũng có cảm xúc như nhau.

Khoảng thời gian còn lại, giảng viên Wout để mọi người tùy ý, về trước, hoặc ngồi lại tán gẫu uống bia, nghe nhạc. Nhóm tôi, Selina, Hakan, Eva chịu khó uống nên nấn ná ở lại.

Vợ Đông chồng Tây - ký của Kiều Bích Hương nguyên phóng viên báo Tiền Phong, dày 200 trang, sẽ ra mắt bạn đọc vào 19-9-2012. Sách do NXB Trẻ ấn hành.

Ana chỉ kịp giơ tay chào, chiếc Mercedes của chồng đã xịch trước cửa. “Còn gì là tự do!”- Selina nhìn theo Ana. Tôi cảm thông “Có thể cô ấy hạnh phúc trong sự bao bọc đó, ít ra là lúc này. Cô ấy đã vật lộn với một núi giấy tờ suốt hai năm, sinh con như một tín chỉ về tình yêu đích thực, vẫn phải chờ thêm một năm nữa để được cấp visa sang Bỉ.

Còn cậu, người Singapore vào Bỉ dễ như đi chợ vì không cần visa, sao hiểu được”. “Hôm qua Jan hỏi tớ điều gì em hối tiếc nhất khi rời Singapore? Tớ mang ơn Jan cho các con tớ gọi anh ấy là cha. Nhưng thực sự, tớ vô cùng hối tiếc. Nếu không thể tìm được nghề ngỗng gì ngoài việc dọn vệ sinh công cộng hay lau sàn nhà ở ngân hàng, tớ thà quay lại Singapore. Còn các cậu?”.

Eva thở dài: “Nhiều. Công việc đào tạo kinh doanh, vị thế xã hội của tớ. Sự rộng lớn của nước Nga làm tớ cảm thấy khó xoay xở ở Bỉ. Nhưng thực tế là chỉ ở Bỉ tớ mới tìm thấy tình yêu”. Hakan xòe chiếc điện thoại di động ra: “Thôi nào, đừng ỉu xìu thế, cho số điện thoại, tớ sẽ rủ đi chơi. Tớ luôn là người hài lòng bởi không sống để tiếc nuối”.

Cả bọn chia tay trong cơn mưa phùn cuối hè. Tôi bước ra quảng trường lớn, chọn chiếc ghế yêu thích ngồi ngắm thư viện sinh viên lộng lẫy đối diện một tượng đài biểu trưng cho thư viện thiên nhiên- một con ruồi lớn nằm ngửa với mũi giáo khổng lồ xuyên qua bụng.

Nhà điêu khắc ấy hẳn muốn đồng loại phải tiếc nuối nhiều điều. Còn tôi tiếc nuối điều gì? Tôi đã không trả lời câu hỏi cuối cùng của Selina. Lúc này, tôi cũng không trả lời được dù ngẫm nghĩ về lời khuyên của người bạn thân ở Việt Nam “Trong nước mày có thể là ai đó, còn ra nước ngoài, mày không là ai cả”.

Nhưng tôi đã lựa chọn. Với chứng chỉ Inburgering, từ nay tôi có quyền hòa nhập sâu hơn xã hội này, tìm việc làm, dấn thân vào một mớ bảo hiểm, bị ràng buộc bởi hàng nghìn điều luật mới... Tôi tan ra hay đặc lại?

Khi trò chuyện nhiều với một số người bạn Việt lấy chồng ở Bỉ như Thư, Vân, Nhân, Điệp, Thảo..., tôi dần hiểu ra không có một đáp án, câu trả lời hay mẫu số chung nào cho câu hỏi này, tan ra hay đặc lại, thành công hay thất bại, lựa chọn đúng hay lựa chọn sai. Phải tự quyết định cuộc sống của mình, dù ở đâu.

Luật đời

Vân, người một năm trước hiên ngang ký vào bản hợp đồng hôn nhân không đòi chia bất cứ tài sản nào của chồng, một ngày đẹp trời gần đây được chồng thông báo: “Anh vừa làm xong toàn bộ giấy tờ để em đứng tên sở hữu căn hộ 160m2 chúng ta đang ở, và anh cũng gửi 130 nghìn Euro vào tài khoản mang tên em”.

Cuộc lột xác ảnh 2

Vân khoe: “Bỗng dưng tớ giàu đấy. Gert là người cẩn thận, anh ấy quan sát cách tớ sống, cư xử suốt một năm qua để đi đến quyết định này. Ví dụ có lần anh ấy hỏi tớ muốn thuê người lau dọn nhà cửa không. Tớ hỏi lại: Bây giờ anh về hưu, em cũng chưa đi làm, hai người ở nhà cả ngày mà không lau dọn nổi chỗ ở hay sao? Khoản tiền đó dành chi tiêu việc khác hữu ích hơn”.

Song hành tin vui của Vân là chuyện buồn của Nhân. Cô gái 22 tuổi từ miền Tây sông nước được họ hàng bên Bỉ giới thiệu với Peeter- 43 tuổi, từng li dị nhưng chưa có con riêng.

Nhân có người yêu cùng quê, nhưng gia đình khuyên cô dứt tình cũ, đến với Peeter đồng nghĩa gia nhập cuộc sống châu Âu hoa lệ, đổi đời.

Sau vài tháng trò chuyện qua webcam, Nhân đồng ý kết hôn với Peeter. Gia đình cô mừng rỡ, in thiếp mời, đặt cỗ linh đình trước khi Peeter bay sang Việt Nam cưới Nhân.

Buổi gặp chính thức ở sân bay, Nhân kể cô lùi bật lại, chỉ muốn chạy trốn: “Qua webcam ông ấy có xấu và mập như thế đâu”. Nhân muốn hủy hôn, song gia đình ép cô phải cưới. Người họ hàng bên Bỉ đưa Nhân và Peeter vào căn phòng riêng, phiên dịch cho cả hai trò chuyện trong vài tiếng đồng hồ, Nhân xuôi dần, gật đầu cưới Peeter.

Peeter hi vọng bằng sự yêu thương, chiều chuộng và sống chung qua năm tháng, tình cảm của Nhân sẽ thay đổi. Anh mua cho vợ những đôi giày, những bộ váy áo hàng trăm Euro, khoản tiền phụ nữ Bỉ chi tiêu cũng phải đắn đo. Anh cũng thực hiện lời hứa mỗi năm hai lần gửi tiền về giúp đỡ gia đình Nhân ở quê.

Hằng ngày anh gánh hết việc nhà để cô học tiếng Hà Lan và vui chơi cùng nhóm bạn người Việt. Nhóm bạn ấy phải ghen tị “Đến cây chổi cũng không phải cầm để quét nhà!”.

Nhưng suốt một năm theo Peeter sang Bỉ, Nhân không cảm thấy gần gũi anh hơn, trái lại, cô luôn kinh sợ mỗi khi Peeter chạm vào mình. Cô không ngủ chung với chồng, nếu phải cùng chồng ra ngoài chơi cũng luôn đi cách Peeter một khoảng xa, mặt mũi nhăn nhó.

Có lần Vân gọi cho tôi, giọng bức xúc: “Hôm qua vợ chồng tớ mời vợ chồng Nhân đến chơi. Nhìn Peeter định choàng tay qua vai vợ bày tỏ cử chỉ yêu thương nhưng bị con Nhân hắt ra, mặt sưng sỉa, thương ông Peeter quá. Ông ấy có xấu gì lắm cho cam, chỉ hơi béo và già so với tuổi một chút thôi”.

Sức chịu đựng của Peeter lên đến đỉnh sau chuyến đưa vợ đi chơi Berlin (Đức), bị Nhân xỉa xói mắng mỏ trước mặt nhóm bạn đi cùng. Trở về, Peeter gọi ngay cho luật sư đến: “Tôi muốn li dị càng sớm càng tốt, không thể chịu nổi nữa rồi”.

Nhân khá bất ngờ: “Em vẫn nghĩ mình mới là người đòi li dị chứ không phải ông ấy”. Cô còn nhận tin nhắn của em gái Peeter: “Từ nay trở đi xin chị đừng bước chân vào gia đình chúng tôi nữa. Chị làm khổ anh tôi thế đủ rồi”.

Tôi hiểu cảm giác không yêu, không thể sống chung với Peeter của Nhân. Nhưng lẽ ra Nhân phải sòng phẳng và có cách đối xử công bằng hơn với Peeter thay vì đẩy mối quan hệ đi đến hận thù.

Người họ hàng ở Bỉ từng làm mối Nhân cho Peeter cũng giận Nhân, không muốn nhìn mặt cô nữa. Vân cập nhật thông tin cho tôi: “Ông Peeter yêu cầu Nhân thời điểm này không đi đâu xa để còn ký giấy li hôn. Con Nhân phải đối xử tệ thế nào ông ấy mới chán nó đến thế chứ. Đã vậy, hôm qua Nhân còn gọi cho tớ, rủ đi mua sắm như không có chuyện gì xảy ra, lại còn cười nói nháy mắt đưa tình với thằng chủ hiệu quần áo.

Lần nào đi chơi Nhân cũng dặn không được khai là nó đã có chồng. Hình như Nhân có cảm tình với thằng chủ cửa hàng ấy. Tớ bảo thẳng Nhân: Lúc này đừng liên lạc với cậu kia nữa, kẻo chồng vin cớ đó để li dị, còn khổ nữa.

Nhân chưa có quốc tịch Bỉ, rồi sau này li hôn, có phải trở lại Việt Nam không nhỉ? Tớ đang bàn với mấy người bạn, nếu con Nhân phải về Việt Nam, mỗi người góp cho nó một ít tiền chi tiêu, sinh sống trong giai đoạn đầu. Gert cho tớ toàn quyền chi tiêu tài khoản riêng, nhưng nếu giúp Nhân chút tiền chắc phải giấu chồng. Anh ấy chẳng ủng hộ Nhân đâu”.

Dĩ nhiên, người như Gert không ưa Nhân, anh còn lên internet tìm hiểu thông tin, gọi cho luật sư riêng để hỏi trường hợp của Nhân- Peeter rồi thông báo với Vân: “Có thể Nhân- bạn em không được ở lại Bỉ đâu, trừ phi cô ta cưới được ngay ai đó ở đây. Cô ta đã được cấp thẻ cư trú thời hạn 5 năm, nhưng anh nghe nói nếu li hôn thẻ đó bị thu lại”.

Nhân, Vân, Thư, Thảo... hay chính bản thân tôi, đều đang cùng những người chồng ngoại quốc của mình tham gia luật đời- ở đó không chỉ tồn tại sự may rủi mà còn thấm đẫm sự cảm thông, lòng yêu thương cùng đức hi sinh và cả sự sòng phẳng (cần thiết) dành cho nhau.

Cuộc li hôn của Nhân- Peeter vẫn đang diễn ra. Khi được tự do, Nhân có vội vã kết hôn với người khác để tiếp tục ở lại Bỉ hay hồi hương trong sự tức giận của gia đình ở quê? Chỉ có Nhân biết câu trả lời. Thậm chí, cô cũng chưa cần biết lúc này, bởi bản tính hồn nhiên vô lo vô nghĩ.

Để làm người hai quốc tịch, với những người phụ nữ châu Á giữa châu Âu hoa lệ này, bao giờ cũng là những cuộc lột xác.

Thời ấu thơ nơi làng quê, khi lần mò vào bụi tre tìm ve, tôi nhiều lần bắt gặp hình ảnh con rắn hoặc đã thoát ra khỏi lớp da cũ một cách ngon lành, để lại cái xác lành lặn đến hoàn hảo, nhưng cũng có những con rắn không hiểu sao chết ngay trong quá trình lột xác đó.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.