Cuộc hội ngộ 2 đối thủ sinh tử trên bầu trời VN

Cuộc hội ngộ 2 đối thủ sinh tử trên bầu trời VN
36 năm, kể từ sau cuộc đối đầu định mệnh đã cướp đi đôi tay và ước mơ được bay của phi công Nguyễn Hồng Mỹ, hai người lính già và cũng từng là kẻ thù không đội trời chung mới có cơ hội gặp lại nhau.

Cuộc hội ngộ 2 đối thủ sinh tử trên bầu trời VN

36 năm, kể từ sau cuộc đối đầu định mệnh đã cướp đi đôi tay và ước mơ được bay của phi công Nguyễn Hồng Mỹ, hai người lính già và cũng từng là kẻ thù không đội trời chung mới có cơ hội gặp lại nhau.

Nguyễn Hồng Mỹ - người đại diện cho chiến tuyến Việt Nam và Daniel Edwards Cherry - cựu lính lái không lực Mỹ - đã tái ngộ trong sự hòa trộn của biết bao cảm xúc. Nhưng tuyệt nhiên, giữa hai con người ấy không hề tồn tại sự than trách, oán hận. Họ cùng nâng ly chúc mừng, kể nhau nghe chuyện xưa, chuyện nay và cùng chung nỗi khát khao được bay...


Người mắc nợ ký ức

Nguyễn Hồng Mỹ sinh năm 1946, tại Nghệ An. Năm 1965, khi đang học năm thứ nhất Đại học Kinh tế, theo tiếng gọi của cách mạng, ông đã gia nhập đội huấn luyện bay tại Liên Xô trong suốt 3 năm liền. Lúc đó, ông mới tròn 19 tuổi. Hoàn thành khóa huấn luyện, Nguyễn Hồng Mỹ trở về Việt Nam và tham gia chiến đấu tại chiến trường Nghệ An. Với tài năng và sự nhanh nhạy, ngay sau lần thứ 2 xuất kích, ông đã rượt đuổi F-4 từ Hòa Bình đến tận Thanh Hóa và hạ gục đối thủ, trở thành lính phi công đầu tiên bắn rơi F-4 của Mỹ trong năm 1972.

Hai người lính năm xưa hội ngộ trên đất Mỹ (ảnh do nhân vật cung cấp).
Hai người lính năm xưa hội ngộ trên đất Mỹ (ảnh do nhân vật cung cấp)..

Nhưng, 26 tuổi, ông đã phải chia tay với giấc mơ bay khi bị thương trong một trận chiến trên không phận vùng núi phía bắc. Khi ấy ông đang điều khiển chiếc MIG 21 thì bị 16 chiếc F-4 của địch quây kín. Một trong số đó đã bắn trúng máy bay của ông. Do bộ phận bảo vệ tay không làm việc nên ông Mỹ bị gãy cả hai tay và chỉ kịp dùng hết sức bình sinh lao ra ngoài, trước khi máy bay phát nổ. “Vừa thoát ra ngoài được vài mét, một ánh sáng chói lòa và tiếng nổ lớn vang lên đã đẩy cả tôi và chiếc dù văng ra xa. Máy bay địch vẫn đảo vòng quanh để dò la” - ông Mỹ nhớ lại.

Về sau, ông Mỹ được quân ta tìm thấy ở tận vùng núi Hoà Bình với đôi tay gãy nát. Lúc đầu khúc xương gãy được gắn bằng một chiếc nẹp sắt, nhưng khi bay trở lại, chỉ cần bẻ lái chiếc MIG quen thuộc là chiếc nẹp lại gãy làm đôi. Lần mổ thứ hai, các bác sĩ phải dùng một mảnh xương hông để nối 2 đoạn xương lại. Một giấc mơ bay không kéo dài, chỉ chừng mấy trăm giờ bay cộng với 3 năm huấn luyện để rồi cả phần đời còn lại sống trong niềm khát khao được làm chủ bầu trời khi cầm lái.

Ở chiến tuyến bên kia, giống như ông Mỹ, người lính phi công điều khiển chiếc F-4 bắn vào chiến đấu cơ MIG 21 của ông Mỹ luôn sống day dứt với câu hỏi về người lính, kẻ thù trên chiếc MIG 21 năm xưa bị ông hạ. Qua tìm kiếm từ nhiều kênh và nhận được sự trợ giúp từ nhiều phía, sau hơn một tháng nỗ lực tìm kiếm, cuối cùng năm 2008, hai người lính già lần đầu tiên gặp lại nhau sau 36 năm đụng đầu trên không.

Đêm trước ngày gặp gỡ, Nguyễn Hồng Mỹ không sao ngủ được. Căn gác nhỏ đầy cây bỗng dưng trống trải. Những mảng tối loang lổ gợi ông Mỹ nhớ về giấc mơ bay, mùi khói cháy trong ngày bị bắn, gương mặt đồng đội hy sinh và những ước đoán về người đứng bên kia chiến tuyến. “Trong tôi, khi ấy có một cảm giác phân vân không lý giải được. Phải xác định thái độ với Cherry ra sao, hận thù hay bè bạn?”.

Nhưng, tất cả những ước đoán ấy đi qua rất nhanh, khi Cherry đến. Giờ, với Nguyễn Hồng Mỹ - viên cựu phi công Mỹ - người đã bắn rơi máy bay của ông hơn 30 năm về trước - không còn là kẻ thù. Với ông, Cherry là bạn.

Vị khách đặc biệt của nước Mỹ

Suốt thời gian sau đó, những dòng thư và các cuộc điện thoại miên man không muốn ngắt đã nối khoảng cách hai bờ châu lục giữa những người bạn gần thêm. Nhận lời mời của Dan Cherry, ông Hồng Mỹ đã có cuộc hành trình hơn 15 ngày (14.4 – 2.5.2009) sang Mỹ tham dự lễ khai trương công viên Aviation Heritage ở Bowling - nơi Cherry đã gửi lại chiếc phi cơ chiến đấu F-4 đầy duyên nợ khi xưa.

Hai người phi công già của 2 chiến tuyến gặp nhau lần đầu (năm 2008) sau hơn 30 năm xa cách (Nguyễn Hồng Mỹ - ảnh phải).
Hai người phi công già của 2 chiến tuyến gặp nhau lần đầu (năm 2008) sau hơn 30 năm xa cách (Nguyễn Hồng Mỹ - ảnh phải)..

Trong một bức thư gửi cho ông Mỹ trước ngày lên đường, Dan Cherry viết: “Ở đây mọi người đều rất hào hứng về chuyến đi sắp tới của ông đến Mỹ. Rất nhiều người muốn gặp người phi công dũng cảm lái chiếc MIG 21 và nghe câu chuyện của ông (...). Vợ của tôi và tôi sẽ ra đón ông ở sân bay”.

Đúng như những gì ông Cherry đã nói, cách tiếp đón nhiệt thành của những người bạn Mỹ khiến ông Hồng Mỹ đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Lịch trình 15 ngày đã được lấp đầy bởi những chuyến bay thăm các bảo tàng, tham gia các buổi hội thảo, nói chuyện về chiến tranh Việt Nam, về hàng không... Ông Mỹ say sưa đi và nói với những người bạn mới quen, với thế hệ trẻ nước Mỹ bao điều mà đồng đội đã gửi gắm và trải nghiệm của ông. Ông đang sống cháy rực và truyền lửa sang cả những người xung quanh. Giống như Cherry đã nói trong chương trình The History Channel: “Với tôi, anh ấy mới là anh hùng!”.

Điều đặc biệt nhất, niềm đam mê xưa sau khi đã đi qua quá nửa cuộc đời của ông Mỹ lại bất ngờ được nhóm lên. Giấc mơ bay được đánh thức khi ông được tự tay điều khiển chiếc máy bay du lịch nhỏ của Cherry. Viên phi công già thở phào sau khi “nối lại” chuyến bay đầu sau 36 năm không cầm lái. Trước mặt ông vẫn bầu trời trong vắt và ào ào gió, vẫn cái cảm giác lồng ngực ép chặt lại giữa không trung... Nguyễn Hồng Mỹ hướng tầm mắt qua đại dương xanh, vượt xa khỏi ranh giới đất Mỹ để nhìn về tổ quốc. Ông thấy mình trẻ lại. Tuy bay trên đất khách, nhưng ông không hề thấy hận thù hay khói lửa.

Lần sang Mỹ này, ông Mỹ cũng đã có cuộc hội ngộ bất ngờ với người phi công lái chiếc máy bay mà khi xưa trong một trận chiến năm 1972, ông đã bắn rơi. Đây là món quà bất ngờ mà Dan Cherry đã rất vất vả chuẩn bị cho ông trong lần đầu tiên thăm nước Mỹ. “Hồng Mỹ là một vị khách đặc biệt của nước Mỹ!” - không ít người đã thốt lên như vậy khi gặp ông.

Chiến tranh đã khép lại và lùi xa. Ký ức về nó giờ đây chỉ được góp nhặt lại qua các thước phim tài liệu, qua những câu chuyện của những cựu binh còn sót lại. Mỗi thước phim, mỗi câu chuyện đều khắc hoạ một góc cạnh khác nhau để tô vẽ nên một bộ mặt chiến tranh đã đi qua. Hướng tới một tương lai hòa hợp, yên bình là mong muốn của không chỉ những người như Nguyễn Hồng Mỹ, như tướng Daniel Edwards Cherry mà còn là của tất cả những người đã kinh qua nó. Cả hai người họ, đang viết nốt khúc vĩ thanh có hậu cho cuộc đời mình nhưng nó sẽ là khúc dạo đầu tươi sáng của những thế hệ sau này khi mà hận thù hay đau thương không còn hiện diện nữa.

Theo Lao Động

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Tấm biển đá có lỗi kỹ thuật đã được cơ quan chức năng di dời.
Ngành chức năng thông tin về tấm biển ghi 'Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hoá'
TPO - Ngày 20/4, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Thanh Hoá cho biết, đã có báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa kết quả kiểm tra, rà soát lại toàn bộ sự việc liên quan đến tấm biển đá ghi "Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa" ở di tích lịch sử Quốc gia nghè Vẹt, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc.
Nhan sắc nổi bật của tân Hoa khôi Miss Gia Định
Nhan sắc nổi bật của tân Hoa khôi Miss Gia Định
TPO - Vượt qua 11 thí sinh khác và chinh phục khán giả bằng sự duyên dáng, tài năng và ứng xử tự tin, thông minh, thí sinh Nguyễn Thị Hằng – sinh viên năm 4 ngành Marketing đã đăng quang ngôi vị Hoa khôi cuộc thi Miss Gia Định và Học sinh tài năng 2024.