Cuộc đời 'vũ nữ thoát y nổi tiếng nhất thế giới' Gypsy Rose Lee

TPO - Cuộc đời về vũ nữ thoát y huyền thoại Gypsy Rose Lee hấp dẫn đến mức Broadway đã chuyển thể cuốn tiểu sử của bà thành một trong những vở nhạc kịch ăn khách nhất mọi thời đại.

Gypsy Rose Lee được biết đến là vũ nữ thoát y nổi tiếng nhất thế giới vào những năm 1930 và 1940. Bà cũng là một diễn viên, tác giả kiêm nhà viết kịch tài năng. Cuốn hồi ký năm 1957 của bà được chuyển thể thành vở nhạc kịch sân khấu năm 1959 - một trong những vở nhạc kịch Broadway ăn khách nhất mọi thời đại.

Ban đầu, bà không thể hát cũng không biết nhảy. Bà bị chính mẹ đẻ chê bai “béo” và “không có tài năng”. Nhưng năm 15 tuổi, Gypsy Rose Lee trở thành báu vật quốc gia vì làm được điều mà ít người khác dám làm vào thời điểm đó: thoát y. 

Cuộc đời 'vũ nữ thoát y nổi tiếng nhất thế giới' Gypsy Rose Lee ảnh 1 Gypsy Rose Lee thu hút đông đảo người xem vào ngày khai mạc Memphis Cotton Carnival tại Memphis, Tennessee, vào tháng 5/1949. 
Bị mẹ ruột hắt hủi vì không xinh đẹp và tài năng
Gypsy Rose Lee (tên khai sinh là Louise Hovick) sinh ngày 8/1/1911 tại một ngôi nhà nhỏ ở Seattle, Washington, Mỹ. Ngay từ bé, bà đã sớm quen với ánh đèn sân khấu. Bà dành phần lớn thời thơ ấu trong thế giới tạp kỹ hỗn loạn với tư cách một diễn viên nhí.

Gypsy không được sinh ra trong gia đình yên ổn. Cha bà, một nhà báo địa phương, rời bỏ gia đình khi Gypsy mới ba tuổi. Mẹ bà, Rose Hovick (được biết đến trong vở nhạc kịch “Madame Rose”), là một phụ nữ tham vọng đến mức tàn nhẫn, luôn bị ám ảnh bởi việc biến con mình thành ngôi sao. Tuy nhiên, Gypsy không sớm bộc lộ tài năng. Do đó, mẹ bà dồn hết sự tập trung vào em gái của bà, June Havoc (tên thật là Ellen June Evangeline Hovick), sinh vào cuối năm 1912.

June sở hữu mái tóc vàng óng, đôi mắt xanh tròn xoe và có năng khiếu biểu diễn thiên bẩm. June là tất cả những gì Gyspy không có.

Chia sẻ với tờ Vanity Fair vào năm 2003, June cho biết: “Nếu chị gái tôi (Gyspy) thể hiện bất kỳ triển vọng nào là người kiếm ra tiền, tôi sẽ không bao giờ được sinh ra. Bởi vì mẹ sẽ không cần một đứa con khác, và cũng không thể cùng với chồng bà sinh thêm một đứa con nữa”.

Cô bé June thực thế chỉ là phiếu cơm của mẹ. Khi mới 2 tuổi, June đã có thể nhảy múa trên ngón chân, được gọi là “vũ công ngón chân nhỏ nhất thế giới”. Trong khi đó, Gyspy bị xem như kẻ “dư thừa”, còn bị gắn với biệt danh “ngựa xấu” trong gia đình.

Bà Rose và người tình kiêm quản lý cùng nhau tổ chức một vở tạp kỹ với June là ngôi sao. Gypsy bị buộc phải ăn mặc như một cậu bé. Họ đi hết buổi biểu diễn này đến buổi biểu diễn khác và cuối cùng cũng trở thành hoạt động gây chú ý, kiếm được 2.000 USD mỗi tuần (tương đương 31.000 USD hiện nay). Gypsy rất phẫn nộ khi em gái được ca tụng là “cục cưng của kịch tạp kỹ”, còn bà chỉ là một tên ngốc trên sân khấu.

Bà Rose chỉ mải mê với tham vọng đưa các con gái vào showbiz mà bỏ bê những vấn đề cơ bản khác của các con như đi học hay vệ sinh răng miệng… Bà Rose thường xuyên nói dối về tuổi của các con, thậm chí làm giả giấy khai sinh tùy thuộc vào các quy định về lao động trẻ em ở mỗi thị trấn họ đặt chân đến. Không chỉ vậy, bà Rose còn ăn cắp các đạo cụ chính, trang phục và tóc giả từ các bạn diễn.

“Bà mẹ đến từ địa ngục” cũng dễ bùng phát các hành vi bạo lực. Cụ thể, bà Rose từng đẩy một quản lý khách sạn qua cửa sổ khiến người đó chết vì đe dọa đuổi bà ra khỏi khách sạn sau khi Rose đưa hàng chục người vào ở trong phòng. Bà tuyên bố là hành vi tự vệ, rồi bỏ đi không chút chùn chân. Sau này, khi mở một nhà trọ dành cho những người đồng tính nữ, bà Rose bắn chết một trong những người thuê nhà (bị đồn là tình nhân của bà) vì sàm sỡ Gypsy. Vụ việc sau đó được giải thích công khai là một vụ tự sát.

Tìm thấy "ánh sáng" cuộc đời

Kế hoạch về danh tiếng và tiền bạc của bà Rose tan thành mây khói vào năm 1927 khi “con gà đẻ trứng vàng” của bà – June bỏ trốn cùng một trong những vũ công biểu diễn cùng ở tuổi 15. Cùng lúc đó, cuộc Đại khủng hoảng (suy thoái kinh tế toàn cầu 1929 – 1939) ập đến khiến gia đình rơi vào thời kỳ khó khăn.

Bà Rose cố gắng tạo một chương trình mới xoay quanh Gypsy, nhưng thất bại vì không có June. Thời điểm đó, Gypsy tăng đến hơn 72kg, lúng túng trên sân khấu và hoàn toàn trở thành thảm họa dưới ánh đèn. Kịch tạp kỹ cũng bước vào giai đoạn thoái trào.

Khi tình hình trở nên bế tắc, Gypsy và mẹ vô tình bước vào một nhà hát lộng lẫy ở thành phố Kansas, Missouri. Trong cuốn hồi ký năm 1957, Gypsy gặp được vũ nữ thoát y nổi tiếng tên là Tessie the Tassel Twirler và nhận được lời khuyên hữu ích: “Trong ngành này, tài năng không được tính bằng một quả đậu”. Điều đó thực sự giúp Gypsy mở ra một chân trời mới. “Tôi có thể trở thành ngôi sao mà không cần tài năng gì cả”, bà viết trong hồi ký.

Với tiền công 75 USD/tuần (tương đương 2.500 ngày nay), Gypsy chấp nhận làm công việc được đánh giá là “tự sát chuyên nghiệp”: cởi bỏ váy áo, bước lên sân khấu và lao đầu vào thế giới khiêu dâm của vũ nữ thoát y.

Cuộc đời 'vũ nữ thoát y nổi tiếng nhất thế giới' Gypsy Rose Lee ảnh 2 Gypsy Rose Lee bước chân vào con đường vũ nữ thoát y vì "có thể trở thành ngôi sao mà không cần tài năng".
Đến năm 1931, Gypsy trở thành ngôi sao thực sự. Các show diễn trên khắp nước Mỹ của bà đều bán hết vé. Bà là vũ nữ nổi bật tại Minsky's Burlesque – câu lạc bộ thoát y vũ nổi tiếng nhất ở New York. Bà được ca tụng là “cô gái xinh đẹp nhất thế giới”, kiếm được 1.000 USD mỗi tuần (17.000 USD ngày nay).

Gypsy không đi theo lối mòn của các vũ nữ thoát y khác, thay vào đó tập trung phát triển phong cách riêng. Bà nổi tiếng hay trêu chọc, có thể dành 45 phút chỉ để cởi một chiếc găng tay. Bà thường kể những câu chuyện cười thú vị trong lúc lốt từng phần trang phục xuống. Tờ New York Times gọi bà là “vũ nữ thoát y trí tuệ”.

Sự nổi tiếng của bà không chỉ nhờ ngoại hình đẹp và một thân hình nóng bỏng, còn là khả năng thu hút khán giả. “Hành động của mẹ tôi hài hước hơn là gợi cảm. Bà ấy cởi đồ nhưng chưa bao giờ cho khán giả thấy bà khỏa thân hoàn toàn. Bà ấy được biết đến với sự thông minh bên cạnh thân hình của mình”, con trai của Gypsy, Erik Preminger, nói.

Sau 4 năm hoạt động ở Minsky's, Gypsy được mời đến biểu diễn tại Nhà hát Irving Place – được Vanity Fair gọi là “Nhà hát Opera của thoát y vũ”. 

Cuộc đời 'vũ nữ thoát y nổi tiếng nhất thế giới' Gypsy Rose Lee ảnh 3 Gypsy Rose Lee (trái) giúp vũ công Florence Bailey thực hiện màn thoát y trong chuyến lưu diễn.
Ngôi sao thực dụng
Danh tiếng đi kèm với cuộc sống xa hoa. Đến lúc đó, Gypsy tích lũy được khối tài sản lớn đến mức có thể tự mua một ngôi nhà 17 phòng ở Gramercy (New York), rồi đến biệt thự 26 phòng nguy nga ở khu dân cư Upper East Side. Gypsy trang trí tường bằng những bức tranh của Picasso, Chagall và Miro. Bà đã sửa sang lại phòng tắm của mình với màu đen và vàng, kèm theo tấm thảm tắm và nắp bồn cầu làm từ lông chồn.

Với thành công của Gypsy, em gái của bà – June bị “thất sủng”. Vai trò của hai người bị đảo ngược, June bỗng chốc trở thành kẻ “dư thừa”, phải vật lộn kiếm sống với nghề người mẫu kiêm diễn viên chỉ đủ sống qua ngày.

Dù thế, June coi thường công việc vũ nữ thoát y của chị gái. Hai người thường tranh cãi về lý tưởng mà họ theo đuổi. June hy vọng chị gái theo đuổi đam mê nghệ thuật biểu diễn cao cấp hơn như diễn xuất. Trong khi đó, Gypsy tuyên bố: “Nếu em là Gypsy Rose Lee, em không cần phải diễn. Mọi người trả tiền để gặp tôi”.

Gypsy có lối sống thực dụng. Bà không thuộc tuýp người cống hiến hết mình để trở thành một nghệ sĩ lý tưởng. Điểm mấu chốt của bà luôn là tiền. Bà tự nói về bản thân: “Nếu bạn là Gypsy Rose Lee, tất cả những gì bạn phải làm là giữ sức để có thể mang tiền đến ngân hàng”.

“Cuộc chiến” giữa hai chị em kéo dài cho đến khi Gypsy qua đời vì bệnh ung thư. Năm 1969, Gypsy bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi. Bà mất vào tháng 4/1970.

Trên thực tế, Gypsy từng có thời gian “lấn sân” sang nghề diễn viên. Năm 1937, bà lần đầu tiên xuất hiện tại Hollywood khi ký hợp đồng với nhà sản xuất Darryl Zanuck để làm 4 bộ phim. Bà đóng tổng cộng 5 bộ phim trong sự nghiệp nhưng không gây tiếng vang.

Ngoài vũ nữ thoát y, Gypsy còn là một nhà văn tài năng. Năm 1941, bà phát hành "The G-String Murders", tiểu thuyết ăn khách ăn khách nhất về đề tài tội phạm. Truyện xoay quanh một nhóm vũ nữ bị siết cổ bằng nội y. Bà sau đó viết thêm ba cuốn sách và một số vở kịch cho sân khấu Broadway. Tuy vậy, thành công nhất vẫn là cuốn hồi ký năm 1957 của bà "Gypsy" - sau này được chuyển thể thành một trong những vở nhạc kịch vĩ đại nhất từng được viết, với phần lời của Stephen Sondheim.

Cuộc đời 'vũ nữ thoát y nổi tiếng nhất thế giới' Gypsy Rose Lee ảnh 4 Là vũ nữ thoát y, Gypsy chưa bao giờ khỏa thân hoàn toàn.
Ba cuộc hôn nhân thất bại 

Về đời tư, Gypsy trải qua ba cuộc hôn nhân thất bại. Bà kết hôn lần đầu tiên với Arnold 'Bob' Mizzy, một nhà sản xuất vật tư nha khoa tốt bụng nhưng nhàm chán. Đây là cuộc hôn nhân sắp đặt, vì hãng phim nghĩ sẽ tốt cho con đường phát triển sự nghiệp làm diễn viên của bà nếu gắn liền với hình ảnh người phụ của gia đình. Mối quan hệ giữa họ không kéo dài qua nổi tuần trăng mật. Cùng với hôn nhân sụp đổ, khoảng thời gian ngắn ngủi tại Hollywood của Gypsy cũng chấm dứt. Bà trở lại New York với nghề vũ nữ thoát y.

Chính lúc này, bà gặp nhà sản xuất huyền thoại Mike Todd (chồng thứ ba của Elizabeth Taylor). Họ rơi vào lưới tình, đồng thời tạo ra một chuỗi các bản hit đình đám trên sân khấu Broadway, tất cả đều có sự tham gia của Gypsy Rose Lee.

Gypsy yêu say đắm Todd, nhưng ông không chịu bỏ người vợ đầu tiên. Với hy vọng khiến người tình ghen, bà tuyên bố đính hôn với nam diễn viên William Alexander Kirkland vào năm 1942. Vào ngày cưới, bà trì hoãn buổi lễ hàng giờ vì nghĩ rằng Todd có thể đổi ý vào phút chót. Mối quan hệ với Kirkland kết thúc trong vòng ba tháng.

Gypsy sinh con trai Erik Preminger vào năm 1944, khi bà 33 tuổi. Cho đến năm 17 tuổi, Preminger vẫn tin rằng cha ruột của ông là người chồng thứ hai của mẹ. Khi phát hiện sự thật không phải vậy, Preminger đã gặng hỏi mẹ về danh tính cha ruột. Phải đến khi Preminger hứa không bao giờ liên lạc với cha ruột, Gyspy mới chịu tiết lộ. Đến nay, người đàn ông này vẫn là bí ẩn với công chúng.

Cuộc hôn nhân thứ ba, cũng là cuộc hôn nhân lâu nhất, là với họa sĩ người Tây Ban Nha Julio de Diego. Hai người đến với nhau năm 1948 và chia tay 7 năm sau đó. Trong chuyến lưu diễn của “lễ hội hóa trang lớn nhất thế giới” vào năm 1949, Gypsy mang theo con trai lúc đó mới 5 tuổi và người chồng thứ ba. 

Cuộc đời 'vũ nữ thoát y nổi tiếng nhất thế giới' Gypsy Rose Lee ảnh 5 Gypsy ngồi cùng con trai, trong khi người chồng họa sĩ vẽ tranh lên thùng xe. 
Theo Theo Daily Mail
MỚI - NÓNG