Không có thời gian nghỉ
“Cố gắng lên em nhé, chúng tôi sẽ luôn bên cạnh. Em hãy vững tin, ít hôm nữa em sẽ khỏe mạnh trở lại và được về nhà với vợ với con”. Nam bệnh nhân mắc COVID-19 đang lên cơn suy hô hấp phải thở ô xy xúc động, gật đầu một cách khó khăn khi được TS.BS Đỗ Quốc Huy, Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đến tận giường bệnh thăm khám và động viên.
Theo bác sĩ Huy, đội ngũ y bác sĩ nơi đây xác định, cuộc chiến này có thể còn kéo dài. Họ hỗ trợ nhau trong công tác chuyên môn, động viên tinh thần để cùng nhau vượt qua khó khăn. “Nguy cơ lây nhiễm đối với chính y bác sĩ trong khu vực điều trị rất khủng khiếp nhưng chúng tôi được trang bị đầy đủ để bảo vệ sự an toàn cho chính mình. Khả năng trở thành F0 bất kỳ lúc nào là điều mọi người đều phải đối mặt nhưng cuộc chiến với COVID-19 không có chỗ cho sự sợ hãi. Tuy nhiên, chúng tôi đều nhắc nhở các y bác sĩ không chủ quan, lơ là mà phải luôn bảo vệ chính mình để duy trì lực lượng chiến đấu lâu dài, tránh tăng thêm gánh nặng cho đồng nghiệp”- bác sĩ Huy chia sẻ.
Tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 quy mô 1.000 giường, hơn 650 y bác sĩ đang căng mình suốt ngày đêm, theo dõi, điều trị cho bệnh nhân. Công tác điều trị ngày càng chịu nhiều áp lực, trong căn phòng gần 20 ca bệnh đang thở máy, có 2 trường hợp nguy cấp, ê kíp y bác sĩ phải tập trung hồi sức. Những bước chân của nhân viên y tế trở nên vội vã hơn, mọi người không có thời gian để nghỉ ngơi, dưới tấm kính chắn giọt bắn, ánh mắt họ gần như không bao giờ rời khỏi các bệnh nhân suốt ca trực.
Vừa ngơi tay sau khi hồi sức thành công một ca bệnh có dấu hiệu ngưng tim, ngưng thở, BS Trần Hữu Chinh, bệnh viện Hồi sức COVID-19 cho biết, ở đây quan trọng và áp lực nhất là việc cấp cứu, điều trị cho các bệnh nhân nặng và nguy kịch. Chỉ cần lơ là, để xảy ra sai sót là có thể phải trả giá bằng sinh mạng.
“Chúng tôi đang nỗ lực với hơn 200% sức lực của mình. Quá nhiều bệnh nhân nặng, chúng tôi gần như không có thời gian nghỉ chân, không ăn uống, không đi vệ sinh được. Chúng tôi đang nỗ lực làm tất cả những gì có thể, còn sức anh em còn làm, tất cả vì sự sống của người bệnh”- bác sĩ Chinh quả quyết.
“Kẻ thù vô hình”
Đến ngày 21/7, tại khoa Bệnh Nhiệt đới và khoa Hồi sức Cấp cứu khu D Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã tiếp nhận, điều trị cho khoảng 200 bệnh nhân mắc COVID-19 nặng. Trong số đó có 18 ca nguy kịch, 3 ca đang phải sử dụng ECMO. “Bệnh nhân liên tục được chuyển đến, ca bệnh nặng rất nhiều, chúng tôi đang kê thêm giường để tiếp nhận thêm các ca bệnh nặng khác”, điều dưỡng Cát Ngân, người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân tại khoa Hồi sức Cấp cứu khu D cho biết.
TS-BSCKII Nguyễn Tri Thức- Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 chia sẻ: “Đến thời điểm này tất cả các bệnh viện trên địa bàn thành phố đã phải bước vào cuộc chiến với kẻ thù vô hình mang tên COVID-19. Trận chiến căng thẳng, trong đó đội ngũ y bác sĩ là các chiến sĩ đang tập trung trên mặt trận điều trị để ngăn chặn nguy cơ tử vong cho các ca bệnh nặng và nguy kịch. Họ luôn đối mặt với nguy cơ lây nhiễm bất cứ lúc nào”.
Đến ngày 21/7 số ca COVID-19 đang điều trị tại TPHCM là gần 36.000 bệnh nhân. Bác sĩ Nguyễn Tri Thức cho biết, với sự hỗ trợ kịp thời từ Bộ Y tế và cơ chế đặc thù được TPHCM cho phép mua sắm trang thiết bị chống dịch, về cơ bản hiện nay, máy thở, ECMO và nhiều thiết bị khác đã được đáp ứng đủ.
Ngày 21/7, trao đổi với phóng viên Tiền Phong, PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết: “Bệnh viện đang cử hàng trăm y bác sĩ tham gia điều trị tại các bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19. Ngoài việc hỗ trợ y bác sĩ tham gia công tác chống dịch về vật chất, chúng tôi còn có những giải pháp để nâng cao tinh thần, sẵn sàng gửi vào bệnh viện dã chiến nhiều nhạc cụ theo nhu cầu của bác sĩ, mở các lớp hướng dẫn tập yoga, lớp thiền ngay tại nơi bác sĩ làm việc để giúp họ thư giãn, giải tỏa áp lực, nâng cao thể chất, tinh thần, an tâm công tác”.