Dời gần 3.000 nhà xưởng ra khỏi khu dân cư ở Bình Dương:

Cuộc 'cách mạng' tăng trưởng xanh

0:00 / 0:00
0:00
TP - Gần 3.000 nhà máy, xưởng sản xuất nằm rải rác trong các khu dân cư ở Bình Dương sẽ được di dời đến các cụm, khu công nghiệp để tránh ô nhiễm. Khoảng 1.800 ha đất sau khi di dời các nhà máy, doanh nghiệp (DN) sẽ được chuyển đổi công năng, xây nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp.

Dành đất cho người nghèo

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Toàn cho biết, đã hoàn thiện đề án trình UBND tỉnh, dự kiến vào tháng 6 tới sẽ trình HĐND tỉnh thông qua về việc di dời các nhà máy, DN hoạt động sản xuất công nghiệp nằm trong các khu dân cư.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Bình Dương, số DN phải di dời vào các khu, cụm công nghiệp chiếm 71% tổng số các cơ sở sản xuất công nghiệp tại địa phương. Trong số đó, chủ yếu tập trung khu vực phía Nam của tỉnh với các ngành nghề phổ biến là sản xuất sắt thép phế liệu, cơ khí, hóa chất, da giày, gốm sứ.

Cuộc 'cách mạng' tăng trưởng xanh ảnh 1

Bình Dương xây nhà ở xã hội nơi nhà xưởng được di dời đi. Ảnh H.C

“Bình Dương sẽ ưu tiên xây dựng một cụm công nghiệp kiểu mẫu để thử nghiệm, kiểm chứng kết quả và hiệu quả di dời DN, nhà máy, trước khi triển khai đại trà. Địa phương đang triển khai xây dựng Khu công nghiệp (KCN) VSIP 3, Cây Trường với diện tích 1.700 ha, thuận lợi cho việc di dời nhà máy”, ông Nguyễn Thanh Toàn thông tin.

Trong khi đó, ông Phạm Trọng Nhân - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, cho rằng địa phương hiện có 29 KCN, trong đó 27 khu đã hoạt động và lấp đầy hơn 85%; 12 cụm công nghiệp lấp đầy khoảng 68%. “Với diện tích còn lại thì các khu, cụm công nghiệp thừa sức đáp ứng nhu cầu di dời của DN”, ông Nhân nói.

Đề cập đến “số phận” khu vực đất sau khi di dời nhà máy, ông Lê Quang Vinh - Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương cho biết, nhu cầu nhà ở đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, số người có thể sở hữu nhà ở xã hội là 288.718 người, tương đương 288.718 căn. Bình Dương sẽ ưu tiên kêu gọi đầu tư trên quỹ đất được quy hoạch phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch xây dựng các KCN mới; đồng thời sử dụng các quỹ đất nhà nước trực tiếp quản lý do các DN đang sử dụng làm nhà xưởng thuộc diện di dời để xây nhà cho người thu nhập thấp.

Theo ông Vinh, Bình Dương có gần 3.000 DN nằm ngoài khu, cụm công nghiệp phải di dời hoặc chuyển đổi công năng với diện tích đất đang sử dụng gần 1.800 ha.

Nhiều chính sách hỗ trợ DN di dời

Theo ông Vương Siêu Tín - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ Bình Dương, hiệp hội có hơn 60 DN hoạt động sản xuất lâu đời nằm trong khu dân cư. Lĩnh vực sản xuất này mang tính đặc thù gắn với dân cư, làng xóm. Do đó, việc buộc DN di dời nằm xa khu dân cư và thuộc một địa phương khác sẽ gây khó khăn cho cả người lao động và DN.

“Tỉnh cần quan tâm, với DN thuộc diện di dời phải có phương án cụ thể nhằm tạo điều kiện cho DN ổn định sản xuất trước; đồng thời, có chính sách hỗ trợ thỏa đáng trong việc chuyển đổi công năng sử dụng đất tránh thiệt hại kép cho DN”, ông Tín kiến nghị.

“Tỉnh sẽ ưu tiên phát triển có chất lượng, hiệu quả, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao trong sản xuất, kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường để tạo nên sự hài hòa giữa phát triển kinh tế-xã hội và tăng trưởng xanh, góp phần xây dựng thành phố thông minh Bình Dương, phù hợp với xu hướng của quốc tế. Việc di dời nhà máy ra khỏi khu dân cư là rất cần thiết”.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh

Nguồn lao động sản xuất cũng là nỗi trăn trở đối với các DN khi di dời về nơi mới. Bà Trương Thị Thúy Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương kiến nghị, nên chia ra theo từng khu, từng thời gian cụ thể để DN chuẩn bị trước lao động, nhà xưởng. “Không nên ồ ạt di chuyển DN trong một thời điểm, tỉnh cần dàn trải trên một khoảng thời gian dài. Khu vực nơi dời nhà máy về, tỉnh nên bố trí theo ngành nghề để DN có thể hỗ trợ nhau cùng hình thành chuỗi cung ứng trong tương lai”, bà Liên nêu giải pháp.

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Toàn cho biết, đề án di dời các DN trong khu dân cư là một chủ trương lớn của tỉnh; kế hoạch di dời được thông báo trước để các DN có thời gian chuẩn bị. Cụ thể, TP Dĩ An, TP Thuận An, TP Thủ Dầu Một, thị xã Tân Uyên và thị xã Bến Cát bắt đầu di dời từ tháng 1/2024.

“Sở rà soát các khu, cụm công nghiệp sẵn có, làm việc với chủ đầu tư để bố trí quỹ đất thích hợp cho DN di dời phù hợp cơ sở sản xuất cũng như chuyển đổi công năng sản xuất. Mô hình nhà máy di dời phải phát huy hiệu quả tương trợ”, ông Toàn cho hay.

Về chính sách cho người lao động, Phó giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Bình Dương Phạm Văn Tuyên cho biết: “Quá trình di dời là cơ hội để DN xây dựng cơ sở mới, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất trên cơ sở lao động giảm đi nhưng doanh thu tăng lên. Sở sẽ tham mưu xây dựng một số chính sách đặc thù để hỗ trợ người lao động khi DN di dời như về tiền lương và vấn đề hỗ trợ đào tạo nghề. Người lao động trong các DN thuộc diện di dời được hỗ trợ bằng 3 tháng tiền lương cơ bản nếu đã làm việc từ đủ 12 tháng trở lên”.

Đối với DN, Bình Dương dự kiến hỗ trợ tập trung vào 2 nhóm đối tượng. Thứ nhất, hỗ trợ một lần đối với nhóm cơ sở tự chấm dứt hoạt động sản xuất hoặc chuyển đổi ngành nghề hoạt động tại địa điểm cũ, với mức chi 500.000 đồng/m2 nhà xưởng xây dựng hợp pháp (không quá 1 tỷ đồng cho 1 cơ sở). Với nhóm thứ hai, hỗ trợ đối với cơ sở di dời vào trong khu, cụm công nghiệp bằng tiền thuê đất, nhà xưởng tại địa điểm mới, chi phí tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt nhà xưởng, thiết bị và lãi vay đầu tư xây dựng cơ sở mới.

MỚI - NÓNG