Nỗi lòng người cha
Trong bộ phim “Cây táo nở hoa”, NSƯT Quốc Trọng đảm nhận vai ông Lân, bố của Hạnh (Hồng Ánh đóng). Ông Lân tính tình hơi trẻ con, thích dằn dỗi, “ăn vạ” con cái để được quan tâm. Từ vẻ mặt, dáng đi, điệu bộ, lời nói của ông đều khiến khán giả ấn tượng. Những chiếc sơ mi rộng thùng thình in họa tiết lớn, những chiếc quần kaki và đôi dép được đoàn phim tìm kiếm tỉ mỉ từ các chợ đồ cũ đã góp phần tạo nên một ông Lân thật “phong cách”.
Dù chỉ là tuyến nhân vật phụ nhưng mỗi lần ông Lân xuất hiện, cách ông tán tỉnh bà bán tạp hóa, mè nheo đòi các con cho ăn cua khổng lồ, đi ăn lẩu và chữa răng... đều khiến khán giả buồn cười. Có thể nói, với một bộ phim đầy rẫy những bi kịch, căng thẳng, ngột ngạt như “Cây táo nở hoa”, thì ông Lân giống như một bản nhạc vui, giải tỏa cho người xem khỏi sự mệt mỏi khi theo dõi suốt hành trình của bộ phim.
NSƯT Quốc Trọng vào vai ông Lân trong bộ phim "Cây táo nở hoa". |
Nhưng sâu thẳm, ông Lân là người cô đơn, ông có một tiệm sửa giày trong hẻm, vợ mất sớm, con gái đi lấy chồng nên bao năm ông sống lủi thủi một mình. Ông cũng không biết cách bộc lộ tình yêu thương của một người cha, mà chỉ lặng lẽ quan sát, lo lắng và thấu hiểu. Suốt ngày ca thán các con không báo hiếu mình, không cho mình ăn cua khổng lồ, nhưng cuối cùng ông lại là người mua món ăn này cho các con mình tẩm bổ trước.
Vẻ ngoài xù xì, khó gần nhưng mỗi lần nhắc đến người vợ đã ra đi vì bạo bệnh năm xưa, ông Lân lại khóc òa như đứa trẻ. Hạnh nhiều lần than trách nhà chồng nhưng ông Lân chưa bao giờ cay nghiệt với con rể. Những lần Hạnh giận chồng bỏ về nhà, ông Lân mắng con xa xả, nhưng không phải vì ghét bỏ hay hắt hủi con, mà ông mong con gái biết nhẫn nhịn để vợ chồng nhanh chóng làm lành, tránh đánh mất hôn nhân.
Tính tình hơi trẻ con nhưng thực chất ông Lân là người tình cảm, thương yêu các con. |
Biết Hạnh và Ngọc (Thái Hòa) quyết định ly hôn, ông Lân đã hẹn gặp Ngọc. Mặc dù giận con rể nhưng ông vẫn giữ thái độ ôn hòa, nhẹ nhàng hỏi: "Cậu định ly hôn với con Hạnh thật hả?". Khi Ngọc xác nhận, ông không nói gì, nhưng biểu cảm đôi môi giật giật, đôi mắt cụp lại, bàn tay bóp chặt chén rượu và tiếng thở dài được nén lại đã thể hiện được sự nhẫn nhịn, bất lực của một người cha. Thương con gái nhưng ông là người hiểu chuyện. Câu nói "Không còn tình cảm thì chẳng còn gì để nói" của ông phản ánh tư duy văn minh của một bậc phụ huynh lớn tuổi. Đó là sự lựa chọn của các con và ông buộc phải chấp nhận.
Thay vì nói những lời an ủi con gái hay phân tích ai đúng ai sai, trong những lần nói chuyện, ông chỉ động viên Hạnh tìm kiếm hạnh phúc mới, rồi kiếm cớ vun vào cho tình cảm của Hạnh và người bạn đang theo đuổi cô. Ông cũng tìm đồng minh ở cháu ngoại trong việc ủng hộ mẹ đi bước nữa. Thấy Hạnh quay về chăm Ngọc khi biết Ngọc bị ung thư, ông xồng xộc chạy đến bắt Hạnh về.
Nhưng khán giả không ghét ông nổi, bởi chỉ là ông quá thương con gái, 20 năm qua đã chịu khổ, chịu tủi đủ rồi. Thấy con không nghe lời, ông dằn dỗi: “Sau này có chuyện gì đừng trách bố” rồi bỏ về, nhưng chỉ một lát sau đã quay lại mang theo mấy con cua cho hai vợ chồng Hạnh bồi bổ sức khỏe...
Lối diễn duyên dáng, nhẹ nhõm, dung dị nhưng có chiều sâu của NSƯT Quốc Trọng đã khiến cho ông Lân để lại dấu ấn mạnh trong lòng khán giả, khiến người xem cảm thấy nhân vật rất thật, rất đời.
“Ở ngoài, tôi trái ngược với ông Lân”
Nhắc đến NSƯT Quốc Trọng, người ta vẫn nhớ mãi về hình ảnh anh chàng Xuân tóc đỏ gầy nhom, trào phúng trong bộ phim “Số đỏ” (năm 1990). Trước “Số đỏ”, nghệ sĩ Quốc Trọng cũng từng khẳng định khả năng diễn xuất qua các phim “Thị xã trong tầm tay”, “Tội và tình”, “Giông tố”, “Lời nguyền của dòng sông”… gần đây nhất là phim truyền hình “Người phán xử”. Ngoài vai trò diễn viên, ông còn thành công ở cương vị đạo diễn với các tác phẩm tiêu biểu như “Mùa lá rụng”, “Ngõ lỗ thủng”, “Bí thư tỉnh ủy”, “Chủ tịch tỉnh”, “Hương đất”, “Công dân tập thể”...
Nhắc đến NSƯT Quốc Trọng, khán giả sẽ nhớ ngay đến nhân vật Xuân Tóc đỏ mà ông từng thủ vai trong bộ phim "Số đỏ". |
Nói về cơ duyên với vai ông Lân trong “Cây táo nở hoa”, nghệ sĩ Quốc Trọng chia sẻ: “Ban đầu, khi nhận được lời mời của đạo diễn, tôi cũng ngạc nhiên bởi mình sống ngoài Bắc, lại ngại xa xôi vì đây chỉ là vai phụ. Nhưng sau khi đọc kịch bản, tôi rất ấn tượng. Cây táo nở hoa lấy đề tài gia đình vốn quen thuộc nhưng kịch bản biết khai thác vấn đề, đan xen tình tiết rất khéo để tạo ra sự mới lạ, hấp dẫn. Vì vậy, tôi nhận lời tham gia”.
Nhận lời rồi, sợ đoàn phim “chết tiền vé” để ông bay ra bay vào nên Quốc Trọng góp ý điều chỉnh lịch quay, dồn các bối cảnh chính, sao cho tiết kiệm và thuận tiện với hai bên. Phim quay trong mùa dịch COVID-19 nên cũng gặp nhiều khó khăn. Nhiều hôm đang quay lại phải giải tán vì quy định chung của nhà nước. Hay có nhiều hôm đang quay thì trời mưa, chờ mãi không tạnh nên đành chuyển sang quay đêm.
Cảnh ông Lân và Hạnh ôm nhau khóc đã lấy đi nước mắt của biết bao khán giả. |
Nghệ sĩ Quốc Trọng cũng cho biết, kỷ niệm với đoàn phim thì nhiều nhưng nhớ nhất là cảnh quay khi ông Lân và Hạnh ôm nhau khóc. Khi diễn thử, cả nghệ sĩ Quốc Trọng và Hồng Ánh đều cảm thấy khó thoại, không tạo ra được cảm xúc. Cảnh phim ngắn thôi nhưng mất gần một đêm không xong. Sau đó, bằng kinh nghiệm xử lý hiện trường của mình, Quốc Trọng đã bàn bạc với đạo diễn để chỉnh sửa, đảo các câu cho dễ diễn nhất. Cuối cùng, cả đạo diễn Võ Thạch Thảo và diễn viên Hồng Ánh đều cảm thấy hợp lý hơn. Cảnh quay này sau đó được hoàn thành chỉ trong 15 phút và lấy đi biết bao nước mắt của khán giả vì quá xúc động, chân thực.
Ngoài đời, NSƯT Quốc Trọng là người vui vẻ, hóm hỉnh, nhiều bạn bè. |
Đồng cảm với ông Lân, nhưng nghệ sĩ Quốc Trọng tự nhận mình khác hoàn toàn ông Lân trong phim. Ở ngoài đời, Quốc Trọng là người hóm hỉnh, tếu táo, ham chơi nên "chả bao giờ biết cô đơn là gì”. Cuộc sống hưu trí của anh chàng Xuân Tóc đỏ ngày nào khá sinh động. Ông thường dành thời gian cho thú vui câu cá và gặp gỡ bạn bè. Kể từ khi bùng dịch COVID-19, Quốc Trọng ngoan ngoãn ở nhà, tranh thủ đọc sách, chơi với các cháu, chơi chim, cây cảnh. Đồng thời không quên chuẩn bị kịch bản, hứa hẹn trở lại phim trường trong một ngày không xa.