Củng cố kiến thức học trực tuyến

Chiều 24/2, giáo viên Trường mầm non Thực hành Linh Đàm dọn vệ sinh, hấp sấy toàn bộ khăn chuẩn bị đón trẻ quay lại trường học
Chiều 24/2, giáo viên Trường mầm non Thực hành Linh Đàm dọn vệ sinh, hấp sấy toàn bộ khăn chuẩn bị đón trẻ quay lại trường học
TP - Tuần tới, nhiều trường phổ thông sẽ dạy bài mới, nhưng giáo viên cũng sẽ được giao nhiệm vụ bồi dưỡng, củng cố kiến thức cho số học sinh chưa được tiếp cận chương trình trong thời gian học trực tuyến.

Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ (Hà Nội), nói rằng, tính cả thời gian nghỉ Tết, đến nay, học sinh đã nghỉ trọn 1 tháng; nhiều học sinh, giáo viên đang nóng lòng được quay lại trường. Theo ông Vũ, dù “tạm dừng đến trường, không dừng học” nhưng chất lượng học trực tuyến không đồng đều. Với học sinh trung bình yếu, học sinh ở khu vực không có điều kiện, một số em không học được buổi nào. Cụ thể, tỷ lệ học trực tuyến ở cấp tiểu học đạt 94,6%, THCS đạt 97%. Các trường đã nỗ lực duy trì nhiều hình thức như gửi bài tập qua Zalo, in phiếu ở trường cho phụ huynh đến lấy trực tiếp… nhằm đảm bảo không đứt đoạn chương trình.

Ông Vũ nhận định, dù tuần tới các trường sẽ dạy bài mới, nhưng giáo viên cũng sẽ được giao nhiệm vụ bồi dưỡng, củng cố kiến thức cho số học sinh chưa được tiếp cận chương trình trong thời gian học trực tuyến. Vì thế, giáo viên sẽ vất vả hơn, nhà trường sẽ nỗ lực hơn.

Nóng lòng đến trường

Nhiều học sinh cuối cấp muốn quay lại trường học vì các kỳ thi cận kề. Các phụ huynh không có chỗ gửi con cũng muốn con em mình sớm được đến lớp trở lại.

Cả tuần nay, anh Trần Văn Thường, ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) phải “nhốt” 2 con, gồm 1 học sinh tiểu học, 1 trẻ mầm non, trong nhà để đi làm. Đến trưa, anh tranh thủ về nhà cơm nước cho con, đầu giờ chiều lại đi làm tiếp. “Vừa tất bật đi làm, vừa lo lắng con ở nhà nghịch ngợm bị ngã, sờ ổ điện nên tâm trạng luôn thấp thỏm, không yên. Chỉ mong tuần tới các con được quay lại trường học để bố mẹ yên tâm”, anh Thường nói. Vũ Hà My, học sinh lớp 11 Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam, nói rằng, học trực tuyến có hiệu quả đối với học sinh có ý thức, đỡ thời gian đi lại, nhưng em vẫn thích sớm được đến trường. “Có những vấn đề cần trao đổi trực tiếp với giáo viên mới làm rõ được hay gặp gỡ bạn bè khiến mình cảm thú vị hơn những ngày ở nhà”, Hà My nói.

Cô Phan Hà Thanh, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội), cho rằng, học trực tuyến có nhiều hạn chế như khó kiểm tra, đánh giá học sinh có ghi chép không, tiếp thu đến mức nào, trả bài cho cô có sử dụng tài liệu hay không… “Cô trò đều rất nóng lòng quay lại trường, lớp. Sau khi đi học trở lại, giáo viên sẽ phải kiểm tra, đánh giá lại kiến thức học sinh xem các em nắm được thực tế đến đâu”, cô Thanh nói.

Trong khi đó, ở bậc mầm non, khi hay tin Hà Nội đề xuất cho học sinh quay trở lại trường học từ ngày 2/3, giáo viên Trường mầm non Thực hành Linh Đàm hôm qua rửa, phơi khô tất cả đồ chơi, giáo cụ học tập; vệ sinh phòng học, phòng vệ sinh, sân chơi, hấp sấy lại toàn bộ bát đũa, khăn mặt. Lực lượng bảo vệ thau dọn bể cá, chỉnh trang lại cây, hoa. Nhà trường cũng xây dựng kịch bản chi tiết để đón trẻ trở lại đảm bảo an toàn như, bố trí bàn đo thân nhiệt trước từng cửa lớp, sát khuẩn tay. Giáo viên có trách nhiệm lưu nhật ký theo dõi thân nhiệt của trẻ mỗi ngày. 

“Hằng ngày, khăn lau mặt, lau tay của trẻ đều được máy hấp, sấy nhiệt độ cao… Trường có 4 sân chơi và các hành lang cũng sẽ được tận dụng để chia theo lớp trẻ tập thể dục và tăng cường hoạt động vận động nhưng không tập trung quá đông người”, Hiệu trưởng nhà trường, bà Vũ Nguyệt Ánh, cho biết.

MỚI - NÓNG