Cục Quản lý lao động ngoài nước bất lực với các doanh nghiệp 'ma'?

Cục Quản lý lao động ngoài nước bất lực với các doanh nghiệp 'ma'?
TPO - Liên quan đến loạt bài “Xuất khẩu lao động và những trò lừa dân nghèo” phản ánh về một nhóm liên kết với nhau để mua bán lao động, và có dấu hiệu thuê, mượn giấy phép, qua hơn 1 tháng, đến nay Cục quản lý lao động ngoài nước cho biết, mới chỉ gửi công văn yêu cầu các công ty báo cáo, giải trình. Một số công ty, Cục “bó tay” không thể liên hệ được.

Trao đổi với phóng viên, bà Trần Anh Thư, Trưởng phòng Thanh tra Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, trong nhóm HR Group gồm 12 công ty mà Tiền Phong phản ánh có 5 công ty được cấp phép (Cty cổ phần liên kết nhân lực Việt Nhật, Cty cổ phần kết nối nhân lực Việt, Cty cổ phần đầu tư và nhân lực số 1 Hà Nội, Cty Cty Cổ phần nhân lực tương lai Việt Nam Nhật Bản...), còn 7 công ty không có giấy phép (Cty Cổ phần liên kết nhân lực Đông Du, Cty Cổ phần nhân lực tiến bộ quốc tế, Cty Cổ phần nhân lực hữu nghị Việt Nhật, Cty cổ phần 3KS nhân lực..).

Sau khi nhận được phản ánh của báo, Cục đã gửi công văn yêu cầu các công ty báo cáo giải trình, đồng thời phối hợp với cơ quan công an để điều tra các vi phạm của các công ty “chui”.

Tuy nhiên, theo bà Thư, đến nay mới chỉ có 3 công ty giải trình. Nội dung báo cáo thì giống nhau. Các công ty đều phủ nhận việc liên quan nhóm HR Group, địa điểm kinh doanh và tuyển nguồn lao động không có gì sai sót.

Cục Quản lý lao động ngoài nước bất lực với các doanh nghiệp 'ma'? ảnh 1 Sau phản ánh phóng viên tiếp tục nhận được một loạt đơn thư của người lao động về các công ty thuộc tập đoàn "ma" HR Group

Theo quy định, các công ty xuất khẩu lao động khi thay đổi địa điểm phải báo cáo với Cục quản lý lao động ngoài nước, tuy nhiên, khi được hỏi lý do vì sao các công ty chưa báo cáo, bà Thư thản nhiên cho biết, “Các công ty chuyển đi đâu rất khó xác định, Cục gửi công văn nhưng họ bảo không nhận được. Cục không có đầu mối nên rất…bất cập. Em (PV) biết lãnh đạo công ty là ai không cho chị xin số điện thoại”.

Về hướng xử lý, vị này cho biết, đang chờ ý kiến của lãnh đạo Cục. Trong khi đó, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước cho hay chờ các công ty giải trình hết mới có phương án xử lý.

Trong khi Cục quản lý lao động ngoài nước vẫn đang bất lực trước việc liên hệ với các công ty, thì ghi nhận của phóng viên cho thấy, giữa các công ty vẫn đang có sự trao đổi đơn hàng (chương trình tuyển dụng), địa điểm kinh doanh không có biển hiệu công khai. Các hóa đơn thu tiền của một số công ty như Cty cổ phần liên kết nhân lực Việt Nhật, Cty Cổ phần kết nối nhân lực Việt, Cty Cổ phần nhân lực tương lai Việt Nam Nhật Bản đều không có dấu đỏ.

Sau phản ánh của Tiền Phong, các công ty đã chuyển khỏi tòa nhà sông Đà (số 36 Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội) và đến các địa điểm khác. Một số công ty trong nhóm HR Group đã hoàn tiền cho người lao động.  Tuy nhiên, phóng viên tiếp tục nhận được hàng loạt phản ánh của người lao động về tình trạng tuyển dụng của nhóm công ty HR Group, nhất là Cty cổ phần liên kết nhân lực Việt Nhật...ôm hàng trăm triệu đồng của lao động bỏ trốn.

MỚI - NÓNG
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
Sắp thử tải cầu vượt biển hàng đầu Việt Nam
TPO - Ngày 13/12, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định cho biết đã thông báo tổ chức giao thông tạm thời qua cầu Thị Nại, TP. Quy Nhơn. Thời gian xếp xe thử tải bắt đầu từ lúc 8h đến 22h ngày 15/12. Đây là cầu vượt biển đầu tiên được xây dựng ở Việt Nam, hiện là cầu vượt biển dài thứ 2, sau cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở Hải Phòng.