Cục Cạnh tranh cảnh báo mất tiền cọc khi mua chung cư chưa đủ điều kiện

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) vừa đưa ra những lưu ý với người tiêu dùng để tránh rủi ro khi ký kết thỏa thuận đặt cọc mua căn hộ chung cư chưa đủ điều kiện mở bán.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, thực tế ghi nhận không ít kênh môi giới (nhận là kênh môi giới của chủ đầu tư) hoặc trực tiếp các chủ đầu tư đã giới thiệu và nhận các khoản đặt cọc trước của khách đối với những dự án chưa đủ điều kiện mở bán.

Hình thức nhận đặt cọc từ một tờ giấy đặt cọc đơn giản chỉ ghi nhận số tiền đặt cọc đến những văn bản chi tiết hơn như "Hợp đồng đặt cọc" hay "Văn bản thỏa thuận" về việc cung cấp các dịch vụ liên quan đến tư vấn, đăng ký mua căn hộ chung cư. Khoản đặt cọc từ vài chục triệu đến những khoản lớn hơn gấp nhiều lần.

Cục Cạnh tranh cảnh báo mất tiền cọc khi mua chung cư chưa đủ điều kiện ảnh 1

Thực tế ghi nhận không ít kênh môi giới (nhận là kênh môi giới của chủ đầu tư) hoặc trực tiếp các chủ đầu tư đã giới thiệu và nhận các khoản đặt cọc trước của khách đối với những dự án chưa đủ điều kiện mở bán. Ảnh: Dự án Athena Complex Pháp Vân (Hoàng Mai, Hà Nội) chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh bất động sản, nhưng chủ đầu tư đã bán cho nhiều người.

Trước thực tế này, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng lưu ý người dân cần tìm hiểu rõ địa vị pháp lý của bên nhận đặt cọc/ bên bán hàng trong mối quan hệ với chủ đầu tư. Ngoài thông tin do bên nhận đặt cọc/ bên bán hàng cung cấp, cần đề nghị cung cấp các giấy tờ chứng minh cũng như kiểm tra lại thông tin từ kênh chủ đầu tư.

Ngoài các thông tin quảng cáo từ bên nhận đặt cọc/ bên bán hàng, cần tìm hiểu các thông tin chính thức về dự án và căn hộ từ kênh chủ đầu tư và từ các hồ sơ pháp lý tùy từng giai đoạn. Không vội vàng đặt cọc dựa trên những thông tin một chiều do các đơn vị trung gian cung cấp.

Yêu cầu cung cấp dự thảo hợp đồng mua bán của chủ đầu tư và đính kèm nó làm một phần không tách rời của giấy tờ đặt cọc. Trong trường hợp chủ đầu tư chưa hoàn thiện dự thảo hợp đồng mua bán, cần yêu cầu quy định những nội dung tối thiểu sau trong giấy tờ đặt cọc, bao gồm:

Mục đích của việc đặt cọc (như thông tin về căn hộ bên đặt cọc muốn mua khi chủ đầu tư đủ điều kiện mở bán); ấn định thời điểm ký kết hợp đồng mua bán căn hộ với chủ đầu tư;

Các điều kiện đối với chủ đầu tư và dự án tại thời điểm ký kết hợp đồng như: dự án đủ điều kiện mở bán theo quy định pháp luật, chủ đầu tư hoàn thành nghĩa vụ đăng ký hợp đồng theo mẫu với cơ quan bảo vệ người tiêu dùng có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, người mua cần nghiên cứu kỹ nội dung của giấy tờ đặt cọc để đảm bảo chế tài xử lý vi phạm của bên đặt cọc và bên nhận đặt cọc đã được quy định rõ ràng.

Đặc biệt, cân nhắc thật kỹ trong trường hợp có các nội dung bất lợi về xử lý vi phạm hợp đồng của các bên, ví dụ như không cho phép bên đặt cọc chấm dứt hợp đồng hay chế tài đối với bên đặt cọc nặng hơn.

Như Tiền Phong thông tin, trên địa bàn Hà Nội, nhiều dự án khi đang xây dựng, thậm chí vẫn là bãi đất trống đã rao bán căn hộ khiến nhiều khách hàng đặt cọc, “xuống tiền” mua căn hộ sau đó mới ngã ngửa khi biết dự án chưa đủ điều kiện mở bán.

Có thể kể đến như, việc mới đây nhiều khách hàng kêu cứu việc Công ty TNHH Phát triển đô thị và xây dựng 379 chủ đầu tư Toà nhà hỗn hợp Athena Complex Pháp Vân (Athena Complex Pháp Vân) phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai bán nhà trái phép, không đúng quy định.

Đáng nói, đến nay dự án đã xây xong phần thô nhưng vẫn chưa đủ điều kiện bán. Việc chủ đầu tư chậm bàn giao cho người mua nhà khiến nhiều người dân bức xúc kêu cứu.

Theo Sở Xây dựng TP Hà Nội, đến thời điểm 15/7, Sở Xây dựng chưa có văn bản xác nhận nhà ở hình thành trong tương lại tại dự án Toà nhà hỗn hợp Athena complex Pháp Vân đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định tại Điều 55 của Luật Kinh doanh Bất động sản năm 2014.

"Như vậy, nếu chủ đầu tư Dự án nhà ở khi chưa được Sở Xây dựng có văn bản xác nhận nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện đưa vào kinh doanh mà vẫn thực hiện việc bán nhà ở hình thành trong tương lại (Ký hợp đồng mua bán) là vi phạm quy định. Căn cứ theo phản ánh của cơ quan báo chí, Sở Xây dựng sẽ giao Thanh tra Sở thực hiện việc kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có) tại dự án Athena complex Pháp Vân", Sở Xây dựng nêu.

Cục Cạnh tranh cảnh báo mất tiền cọc khi mua chung cư chưa đủ điều kiện ảnh 2
Dự án Eco Smart City Cổ Linh (Hà Nội) dù đang là bãi đất trống, chưa có hoạt động xây dựng nhưng trên thị trường đã rầm rộ thông tin quảng cáo, rao bán căn hộ chung cư của dự án.

Hay tại dự án chung cư Eco Smart City Cổ Linh (quận Long Biên), dù mới chỉ là bãi đất trống nhưng dự án đã dựng biển quảng cáo, rao bán khắp nơi. Chủ đầu tư đang nhận đặt cọc “thiện chí” của khách hàng mua căn hộ. Nhân viên môi giới cho biết, chính sách bán hàng của dự án chia làm 3 giai đoạn, giai đoạn 1 đặt cọc 100 triệu đồng, giai đoạn 2 ký hợp đồng đảm bảo khách hàng đóng 20% tổng giá trị căn hộ, giai đoạn 3 khách hàng hoàn thành toàn bộ số tiền mua căn hộ còn lại.

Thông tin từ Sở Xây dựng cho biết, đến thời điểm hiện tại, Sở chưa nhận được văn bản, hồ sơ nào liên quan đến việc cấp giấy phép xây dựng đối với Dự án Eco Smart City Cổ Linh. Sở Xây dựng cũng chưa nhận được văn bản, hồ sơ nào liên quan đến việc nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật của dự án trên, cũng như văn bản của chủ đầu tư đề nghị xác nhận nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện đưa vào kinh doanh.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.