Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019, triển khai nhiệm vụ thời gian tới của Ban chỉ đạo 138 và Ban chỉ đạo 389 ngày 25/7, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc - Cục trưởng Cảnh sát kinh tế (C03 – Bộ Công an) dẫn một số chuyên án lớn, C03 phối hợp cùng các lực lượng địa phương triệt phá như đường dây buôn lậu đường ở An Giang, đường dây buôn lậu điện thoại theo hàng không hoặc thành lập các công ty để hoạt động buôn lậu như Nhật Cường ở Hà Nội. “Thông qua những vụ việc đó chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương cùng tham gia điều tra, xử lý”, ông Ngọc nói.
Trong quá trình xử lý các vụ việc, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc cho rằng còn một số tồn tại cần trao đổi thêm với các địa phương. “Các đường dây chúng tôi phá án vẫn còn có dấu hiệu bảo kê, tiêu cực của lực lượng chức năng. Chúng tôi thống kê 25 địa phương có biên giới vùng biên trong 6 tháng đầu năm, chỉ có 6 địa phương khởi tố án buôn lậu…”, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc nói thêm.
Liên quan đến vụ Nhật Cường, trước đó Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an đã có văn bản đề nghị lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội chủ động chỉ đạo các đơn vị liên quan có biện pháp nhằm bảo vệ hệ thống hoạt động ổn định, đảm bảo an toàn thông tin đúng pháp luật; cung cấp tài liệu cho cơ quan điều tra về vụ Nhật Cường.
Cụ thể, căn cứ quy định tại Điều 5, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong đấu tranh, phòng chống tội phạm, Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) thông báo và đề nghị lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội một số nội dung sau:
Chủ động chỉ đạo các đơn vị liên quan có biện pháp nhằm bảo vệ hệ thống hoạt động ổn định, đảm bảo an toàn thông tin đúng pháp luật. Chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị có liên quan thuộc quyền quản lý của UBND thành phố Hà Nội cung cấp toàn bộ thông tin, tài liệu theo đề nghị của Cơ quan CSĐT, Bộ Công an.