Theo ghi nhận của phóng viên từ 15-16h chiều mùng 5 Tết, tình hình giao thông tại các cửa ngõ của Hà Nội tuy có đông nhưng không xảy ra ùn tắc. Tại nút giao Pháp Vân - Vành đai 3 - Giải Phóng, dòng ô tô nối đuôi nhau xếp hàng chờ đèn đỏ, chỉ phải chờ 2-3 nhịp đèn là có thể vượt qua các nút giao. Tại các nút giao, lực lượng cảnh sát và thanh tra giao thông được huy động từ sáng sớm để điều tiết phương tiện.
Dù vậy, vẫn có một số thời điểm xảy ra lộn xộn trên đường do nhiều xe khách trả khách ngay bên đường, khiến dòng phương tiện khó khăn di chuyển, đặc biệt là tại các vị trí đường trước các bến xe như Nước Ngầm, Giáp Bát, Mỹ Đình. Riêng đường vành đai 3 trên cao, dòng phương tiện đông đúc, xe ô tô phải mất khá nhiều thời gian mới có thể xuống được nút giao với đường Nguyễn Trãi.
Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 29/1, ông Nguyễn Văn Khôi, Tổng Giám đốc Cty CP Đầu tư và Xây dựng Giao thông Phương Thành (Phương Thành Tranconsin) - nhà đầu tư BOT cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết: Riêng mùng 5 Tết tới cuối giờ chiều vẫn chưa xảy ra hiện tượng ùn ứ. Dịp Tết Nguyên đán năm nay, lượng phương tiện lưu thông qua tuyến đường này tăng từ 15-20% so với Tết năm trước, dẫn tới một số thời điểm xảy ra ùn ứ tại trạm thu phí và vị trí cuối đường giao với đường Vành đai 3, nhưng chưa tới mức phải xả trạm. Các phương tiện di chuyển trên đường cũng đông hơn, nên đi lại với tốc độ thấp hơn so với ngày thường.
Theo ông Khôi, năm nay người dân cân nhắc hơn về thời điểm đi lại, nhiều người lựa chọn lên Hà Nội trước ngày nghỉ cuối 1-2 ngày, hoặc đi vào sáng sớm, nên ngày cuối của dịp nghỉ, lượng phương tiện có đông nhưng chưa xảy ra ùn ứ. Thay vào đó lại xảy ra ùn tắc vào khung giờ tối mùng 4 Tết. Về yêu cầu “xả trạm”, không thu phí do ùn tắc, ông Khôi nói: “Do trạm thu phí Pháp Vân thu chung cho cả cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, nên việc xả trạm phải xin ý kiến các bên, nên mất nhiều thời gian và cũng khó khăn hơn cho chủ đầu tư”. Để giảm ùn tắc cho nút giao Pháp Vân - Giáp Bát, lực lượng cảnh sát giao thông đã chủ động phân làn xe khi điều tiết lên đường Vành đai 3 trên cao, khi đi ra đường Giải Phóng, nên vị trí cuối đường cao tốc cũng bớt căng thẳng hơn các năm trước.
Tình hình giao thông cũng tương tự tại cửa ngõ Quốc lộ 5 và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Lãnh đạo Tổng Cty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) - nhà đầu tư và vận hành cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Quốc lộ 5 cho hay, phương tiện qua tuyến cao tốc tăng, còn Quốc lộ 5 lại giảm, do các hãng vận tải nghỉ dịp Tết nên đường vắng xe tải. Dù phương tiện trên cao tốc có tăng, nhưng không xảy ra ùn tắc, và phân bổ rải ra các ngày nghỉ cuối và trong ngày mùng 5 Tết.
Không chịu “xả trạm” thu phí
Chiều qua đại diện Cục CSGT cũng đề nghị một số trạm thu phí trên cao tốc, trong đó có cao tốc Pháp Vân – Ninh Bình “xả trạm’. Tuy nhiên, ghi nhận đến thời điểm 18h chiều qua, các trạm thu phí trên cao tốc Pháp Vân – Ninh Bình vẫn chưa thực hiện yêu cầu này.
Đội Tuần tra kiểm soát số 3, Phòng Hướng dẫn, tuần tra kiểm soát giao thông thuộc Cục CSGT cho biết, trước đó chiều 28/1 (mùng 4 Tết), trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình cũng đã xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài tại các trạm thu phí. Thời điểm ùn tắc kéo dài từ 16 đến 19h. Phòng Hướng dẫn, tuần tra kiểm soát của Cục CSGT đã yêu cầu trạm thu phí tại khu vực Thường Tín thuộc Công ty CP BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ quản lý xả trạm, tuy nhiên nhà đầu tư vẫn không xả ngay. “Đến khoảng 18h30, Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ mới bắt đầu xả trạm, giải tỏa ùn tắc tại trạm thu phí trong ngày mùng 4 Tết”, đại diện Đội Tuần tra kiểm soát CSGT số 3 thông tin.
Trọng Đảng