Các nhà nghiên cứu ở Đại học Quốc gia Singapore quan sát Perisesarma eumolpe, một loài cua rừng ngập mặn có màu sắc sặc sỡ thuộc nhóm động vật bản xứ ở Đông Nam Á, theo Live Science. Họ phân tích cách những con cua đối thủ phản ứng trước điệu nhảy và ghi nhận khi con cua chiến thắng bò khệnh khạng với vẻ châm chọc, cua thua cuộc thường lặng lẽ rút lui.
Vũ điệu chiến thắng của loài cua rừng ngập mặn khá đơn giản. Con đực chống một chiếc càng lớn xuống đất, sau đó cọ xát chiếc càng còn lại với tốc độ nhanh theo hai chiều lên xuống, tạo ra tín hiệu hình ảnh và âm thanh, theo kết quả nghiên cứu đăng trên tạp chí Ethology hôm 12/10.
Để đánh giá hành vi của những con cua khi chiến đấu, nhóm nghiên cứu do tiến sĩ Paul Chen đứng đầu dựng một đấu trường và ghép ngẫu nhiên hai con cua đực. Họ ghi hình 27 vòng đấu thử và phân tích 77 trận chiến, cho điểm đánh giá độ hung dữ của những con cua theo thang từ 0 tới 3.
Khoảng 55% cuộc đụng độ kết thúc với vũ điệu chiến thắng của cua thắng trận. Con cua thua cuộc ít khi khiêu chiến tiếp nếu cua thắng cuộc kết thúc trận đấu bằng vũ điệu chiến thắng. Chỉ 55% số cua bại trận sẵn sàng chiến đấu thêm lần nữa.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện việc nhảy múa dường như giúp cua thắng trận thêm hăng hái và thôi thúc chúng trở nên hung dữ hơn. Ở những con cua biểu diễn vũ điệu chiến thắng, 65% tấn công cua bại trận thêm một lần nữa.
Biểu diễn vũ điệu chiến thắng làm tiêu hao năng lượng của cua, nhưng màn thể hiện này chắc chắn mang lại kết quả xứng đáng. Nếu con cua đã giành phần thắng, thực hiện thêm vài động tác nhảy múa có thể đảm bảo đối thủ của nó đầu hàng hoàn toàn thay vì quay lại đối đầu với nó. Vũ điệu cũng đóng vai trò cảnh báo đối với những con đực khác nằm chờ gần đó có ý định thách thức cua thắng trận.