Cư xử thế nào khi con bị cô giáo trù dập

TS Vũ Thu Hương cùng học sinh
TS Vũ Thu Hương cùng học sinh
TPO - TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) vừa  có bài viết bày tỏ quan điểm khi con bị trù dập. TS Hương cho rằng, xử lý tình huống con bị cô giáo trù dập không khó, quan trọng là kiên nhẫn và thiện tâm.

“Mỗi lần tớ kêu các cha mẹ mặc kệ con đi, đừng ép con học thêm, đừng ép con làm bài tập, các cha mẹ thường bảo tớ: cô sẽ ghét đấy, cô sẽ trù dập con đấy.

Tớ thì tớ nghĩ, sau này ra đời, con sẽ gặp vô khối người ghét con. Nếu chúng ta cứ tìm cách nịnh nọt cô giúp con thì con sẽ chẳng bao giờ biết cách làm giảm căng thẳng với những người ghét bỏ mà con gặp trong đời. Căng thẳng nối tiếp căng thẳng, cuộc sống con sẽ mệt mỏi. Vì thế, tốt nhất hãy giúp con giải quyết khi bị cô trù dập. Mà trù dập thì sẽ có cách xử mà.

Cần yêu thương con, theo sát để biết khi nào con ghét học, con bị cô giáo trù dập là một trong những việc cần thiết phải làm và các cha mẹ làm được cả rồi. Khám phá ra khó khăn của con rồi, giờ giúp con xử trí.

Cụ thể, con bị cô trù dập là con sẽ phản ứng lắm, con sẽ ghét cô lắm, ghét đi học, ghét môn học. Vậy phải làm cách nào cho con đỡ ghét.

- Con ơi, mẹ dốt môn này lắm (đúng môn nó ghét), con có thể làm ơn dạy lại cho mẹ được không? Mỗi tối nhé, mẹ quên sạch rồi.

Vậy là tối nào con cũng phải đọc sách để dạy cho mẹ. Chà chà, mẹ dốt ghê. Tác dụng có thể thấy rất nhanh là con sẽ học môn đó tốt hơn vì phải học để còn có chữ mà dạy lại mẹ chứ. Vì thế, mỗi ngày chỉ cần 15 phút con dạy mẹ, mẹ đã giúp con giỏi môn đó hơn nhiều mà khỏi cần học thêm nhé.

Khi con đã học giỏi hơn rồi, cô cũng sẽ đỡ giận con hơn hoặc ít lí do để gây sự với con hơn và con sẽ yêu thích môn đó hơn đấy.

- Tìm hiểu cuộc sống của cô, những khó khăn vất vả của cô để con hiểu và cảm thông với cô hơn. Tìm hiểu những lỗi mà con mắc phải khiến cô giận và giảng cho con hiểu lý do tại sao cô giận. Con thông cảm với cô là đã giúp con đỡ bực bội và ghét cô nhiều lắm rồi đó.

- Cô đang ác cảm với con, vậy cách cần làm không phải là nịnh cô, quà cáp cho cô mà cần giúp con xóa tan ác cảm với con.

Cách thức là: Con à, cô chỉ ra chỗ sai của con nghĩa là cô thương con, cô muốn con tốt đó. Con và mẹ cùng làm 1 tấm thiệp tặng cô để cảm ơn cô con nhé.

Tấm thiệp đó nhỏ thôi, không cần lớn, vẽ thật dễ thương đúng kiểu của con và chỉ cần ghi 1 câu rất ngắn: Con cảm ơn cô, hôm nay cô đã giảng rất hay hoặc con cảm ơn cô đã chỉ ra cho con chỗ sai để con sửa. Nhớ kí tên để cô biết là ai tặng thiệp cô nhé.

Sau đó, con đặt lên bàn làm việc của cô ngay trước giờ cô bước vào lớp. Nhận được tấm thiệp đáng yêu như vậy, tim cô không mềm ra như bún thì hơi lạ.

Dĩ nhiên, chiêu trò này cần tiến hành độ 4-5 lần chứ không làm có duy nhất 1 lần. Dần dần con sẽ biết cách viết câu cảm ơn hơn như: Con cảm ơn cô đã giảng 1 bài tập rất hay để con về dạy lại cho mẹ con ạ.

Cô đang rất căng thẳng với con, nhưng nhận được các tấm thiệp dễ thương sẽ dần dần trùng xuống, nghĩ lại và chắc chắn sẽ có đôi chút ân hận vì đã quá gay gắt với con. Đảm bảo khi đó cô sẽ bớt bực bội và giọng la mắng của cô sẽ mềm mại và nhiều cảm xúc yêu mến hơn. Việc làm này giống như hai người đang kéo co, một người nới lỏng tay thì người kia cũng phải nới theo quán tính. Dần dần cả 2 sẽ hết căng thẳng với nhau.

- Ngày lễ như 20/11, hãy gợi ý để con tự mình làm một món quà thật ý nghĩa và dễ thương tặng cô. Cô giáo là con người, cô cũng chẳng thể nào ghét được những món quà tràn ngập tình yêu. Đánh gục một cô giáo khó tính bằng những ngọn roi đầy tình cảm chính là điều chúng ta cần dạy cho con”.

Sau phần chia sẻ quan điểm, TS Hương cho rằng, cha mẹ ghi nhớ nhé, tuyệt đối không được nói xấu cô trước mặt con. Đừng phá tan nốt chút xíu cảm giác tích cực trong con. Đừng làm căng thêm mối quan hệ đã căng như dây đàn.

“Xử lý tình huống con bị cô giáo trù dập không khó, quan trọng là kiên nhẫn và thiện tâm”- TS Hương nhấn mạnh.

“Đừng tìm cách biến cô giáo thành người xấu, tham lam”- TS Hương nói.

MỚI - NÓNG