Chiều 2/11, đại biểu Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và Tổ Đại biểu Quốc hội đơn vị 4 tiếp xúc với cử tri quận 11.
Tại buổi tiếp xúc, một số cử tri bày tỏ bức xúc về bộ Luật lao động sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua. Cử tri Đoàn Văn Phúc (phường 5) cho rằng Luật Lao động (sửa đổi) rất nhiều cử tri băn khoăn. Ông Phúc đặt vấn đề: Khi Luật được sửa đổi, toàn bộ lực lượng lao động trên cả nước thực sự đã thoải mái chưa, đã thỏa đáng chưa?
Cử tri này khẳng định: Rất nhiều cử tri mà ông tiếp xúc cho rằng chưa thỏa đáng. Cả nước có gần 100 triệu dân, số lượng lao động vài chục triệu người nhưng chủ yếu là lao động chân tay, lao động phổ thông.
Theo cử tri Đoàn Văn Phúc, những người lao động chân tay, cơ bắp không muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu vì đến tuổi 55 - 60 thì không còn đảm bảo sức khỏe. Nhiều người đang làm việc trong các ngành, lĩnh vực nặng nhọc, độc hại, lẽ ra phải được nghỉ sớm hơn. Chỉ có một thiểu số những người có chức quyền, có trình độ, thu nhập cao là muốn kéo dài tuổi nghỉ hưu.
“Mỗi năm, cả nước có hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm. Kéo dài tuổi nghỉ hưu, tình trạng thất nghiệp sẽ còn tăng vì người lớn tuổi không chịu nhường ghế cho lớp trẻ”, ông Phúc nhận xét.
Cử tri này đề nghị Quốc hội lắng nghe và quan tâm đến nguyện vọng của đại bộ phận người lao động để sửa đổi lại Luật Lao động (sửa đổi) vì Luật này còn có dấu hiệu bất bình đẳng giữa nam và nữ.
Theo đó, chênh lệch về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ trước kia là 55-60 (tức 5 tuổi); trong khi Luật sửa đổi quy định mức chênh lệch là 60 – 62 tuổi (2 tuổi). “Phụ nữ rất vất vả. Ngoài công việc bên ngoài hội còn lo việc gia đình, sinh nở, nuôi con”, ông Phúc giải thích.
Ghi nhận ý kiến các cử tri, đại biểu Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho hay Luật lao động sửa đổi vừa qua được Quốc hội thông qua là trên cơ sở đồng thuận và đã phân tích, đánh giá nhiều mặt, kể cả mặt được và chưa được.
Ông Lê Minh Trí cho hay quy định về thời gian làm việc bình thường, Quốc hội đã giao Chính phủ ban hành giờ làm việc phù hợp trên nguyên tắc hài hòa lợi ích các bên, đảm bảo phát triển kinh tế.
Về tuổi nghỉ hưu, kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu đối với lao động nam là 60 tuổi 3 tháng và cứ mỗi năm sẽ tăng thêm 3 tháng.
Người đứng đầu Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao khẳng định những ý kiến phản ánh của cử tri Tổ Đại biểu sẽ ghi nhận, chuyển đến Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM để xem xét, phản ánh lại với Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Theo ông Lê Minh Trí, việc ban hành Luật lao động (sửa đổi) ngoài đáp ứng nguyện vọng của người dân còn căn cứ theo năng lực của nền kinh tế. Ông Trí phân tích :Nhiều nước quy định giờ lao động thấp vì năng suất lao động rất cao, ứng dụng công nghệ hiện đại.
“Còn Việt Nam mình phải chạy đua. Năng suất lao động của mình thấp, so với khu vực thì còn rất thấp. Mình chỉ cao hơn Campuchia, thậm chí còn thấp hơn cả Lào có 5-6 triệu dân. Nói như vậy không có nghĩa không xem xét đến các yếu tố khác. Như tăng thêm ngày nghỉ lễ. Trước dịp Quốc khánh chỉ nghỉ 1 ngày, bây giờ tăng 2 ngày. Phải xem xét nhiều yếu tố, không chỉ tuổi nghỉ hưu”, ông Trí nhấn mạnh.
Người đứng đầu Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao giãi bày thêm: Vấn đề cử tri đã nêu, trên diễn đàn Quốc hội đã bàn, thậm chí bàn rất gay gắt. Có gần 20 đại biểu có ý kiến, tranh luận nhưng Quốc hội làm việc theo quy chế đa số. Khi đưa dự án Luật ra biểu quyết thì có hơn 80% đại biểu đồng ý thông qua. Sau này nếu vận dụng vào đời sống thấy không hợp lý thì có thể tiếp tục kiến nghị xem xét sửa đổi.