Ông Đinh San Hà trên chiếc xe ba gác chở đầy dụng cụ đi lo việc “bao đồng” |
Sắm xe để… lo việc thiên hạ
Người dân tại thị xã Bến Cát (Bình Dương) không xa lạ với hình ảnh ông Đinh San Hà luôn rong ruổi trên nhiều nẻo đường, bất kể nắng hay mưa, cặm cụi vá dặm đoạn đường bong tróc suốt 5 năm qua dù không nhận lại một đồng tiền công nào.
Tại khu tưởng niệm liệt sĩ trên địa bàn phường Mỹ Phước (thị xã Bến Cát), ông Hà cho biết, cứ vài ba hôm, ông lại đến đây dọn lá cây, lau chùi, tưới hoa, trồng hoa; thi thoảng trám lại những vết nứt ở khuôn viên bia tưởng niệm nếu nó bị bong tróc. Mỗi lần đến đây, ông không quên mang theo ít trái cây để thắp nhang, tỏ lòng thành kính với các Anh hùng liệt sĩ. Đây là việc mà ông tự nguyện làm suốt nhiều năm nay
Ông Hà trước đây ở TPHCM, chỉ mới chuyển đến Bình Dương sinh sống khoảng 10 năm nay. Gia đình ông mua được miếng đất, xây dựng vài phòng trọ cho thuê, nên cuộc sống hiện nay đỡ lo hơn trước đây.
Thời gian đầu, tranh thủ lúc rảnh, ông Hà đưa dụng cụ như cưa, xẻng, kéo cắt, đồ thông cống lên xe gắn máy rồi rong ruổi khắp các tuyến đường trên địa bàn thị xã Bến Cát. Một thời gian, ông Hà nhận thấy khối lượng công việc nhiều hơn nên chi cả chục triệu đồng sắm luôn con xe ba gác để “hành nghề”. Mỗi khi ra đường, trên xe luôn có cả khối cát, xi măng, nước, gậy lau, ống tưới... Đi tới đâu gặp việc là ông đủ đồ dùng để xử lý, không mất nhiều thời gian.
“Trước đây ngày nào tôi cũng thấy ông Hà chạy xe ba gác đi vá ổ gà trên đường, nhưng bây giờ thưa dần vì hầu hết các tuyến đường, điểm bong tróc đã được ông sửa chữa. Khi công việc ngoài đường ít dần, ông dành nhiều thời gian chăm sóc khuôn viên nghĩa trang, bia tưởng niệm liệt sĩ. Ông cũng đi lau chùi nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn” - ông Trần Huấn ở khu phố 3 (phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) nói, khi nhắc đến ông Hà.
Chủ tịch UBND thị xã Bến Cát Nguyễn Trọng Ân cho biết, từ việc làm ý nghĩa của ông Đinh San Hà, từng hộ gia đình ngăn nắp hơn, không gây ô nhiễm môi trường; chủ động thông cống, không xả nước thải ra đường, giữ vệ sinh trước khuôn viên nhà. Với những việc làm đầy trách nhiệm vì cộng đồng của mình, nhiều năm liền ông Hà được địa phương tuyên dương trong phong trào xây dựng văn hóa, văn minh đô thị.
Những sáng kiến vì cộng đồng
Người dân ở phường Mỹ Phước cho biết, hằng ngày cứ tầm 4 đến 5 giờ sáng, thay vì đi thể dục như mọi người, ông Hà lại tay chổi, tay xẻng đi dọc các tuyến đường để quét dọn, thu gom rác đem đến các thùng rác cố định. Những tuyến đường như NB 12, NB 14, NP 16 qua BD 8, NB 7, D1 ở phường Mỹ Phước luôn có dấu chân của ông Hà đến dọn dẹp.
Không chỉ vậy, ông Hà còn ngồi chế ra nhiều dụng cụ phục vụ việc dọn dẹp vệ sinh cho mọi người sử dụng. Hàng trăm chiếc chổi quét đường được ông Hà phát miễn phí cho hàng xóm sử dụng.
Anh Hoàng Anh, một người hàng xóm của ông Hà cho biết, những lần đi quét rác trên đường, ông Hà thấy các miệng cống quá lớn, nên khi trời mưa, nhiều loại rác trôi xuống cống, lâu ngày phát sinh mùi hôi gây ô nhiễm. Sau đó, ông Hà nghiên cứu và xin phép địa phương cho ông thí điểm loại miệng cống nhỏ hơn và có miếng nhựa ngăn mùi hôi từ cống thoát ra. Ông đã bỏ tiền túi làm thử nghiệm 10 miệng cống trên các tuyến đường ở khu phố 3 rất hiệu quả.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Hà nói rằng, những ngày đầu thấy ông đi lo việc của thiên hạ, người thân trong gia đình không vui vì sợ ảnh hưởng tới sức khỏe. “Con cái và cả hàng xóm bảo tôi sao không nghỉ ngơi cho khỏe, cứ đi lo việc bao đồng. Vốn xuất thân nghèo khó, làm đủ thứ việc, giờ nghỉ tay không quen, nên tôi làm điều gì đó giúp ích cho cộng đồng. Tôi đã suy nghĩ phải làm việc gì đó, để thế hệ trẻ noi gương. Sau này con cái trong nhà hiểu chuyện nên ủng hộ việc tôi làm” - ông Hà tâm sự.
Anh Tuấn Kiệt, một người dân ở khu phố 3, phường Mỹ Phước cho biết thêm, kể từ khi gia đình ông Hà chuyển về đây sinh sống, đường hẻm trong xóm luôn sạch sẽ, không còn thấy cảnh rác thải vứt bừa bãi như trước. Anh Kiệt nói: “Ngày nào ông Hà cũng ra đường quét rác, dọn dẹp, người dân trong khu vực thấy vậy cũng ý thức hơn. Người dân nơi đây ai cũng kính nể ông Hà”.