Cử nhân báo chí làm báo mấy người?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Báo chí là ngành học được nhiều học sinh trung học phổ thông mơ ước. Nhưng nghề báo không đẹp như mơ nên nhiều sinh viên ngành báo ra trường đã… bẻ lái.

Bằng đỏ cũng phải “hi sinh” vài năm thử việc

Sau khi trúng tuyển vào các trường/khoa báo chí, rồi trải qua 4 năm học tập, tốt nghiệp ra trường, không ít tân cử nhân báo chí “vỡ mộng”. Cái khắc nghiệt nhất của nghề báo là không phải cứ tốt nghiệp ngành báo là có thể có ngay một việc làm ổn định. Có những em tốt nghiệp xuất sắc nhưng khó tìm một tòa soạn báo nào ký hợp đồng ngay mà đều phải thử việc 1 đến 2 năm.

Cử nhân báo chí làm báo mấy người? ảnh 1
Sinh viên báo chí đi thực tập.

Những em dám dấn thân vào nghiệp báo chí, đều xác định “hi sinh” 2 đến 3 năm, thậm chí 4 năm mới thực sự có thu nhập từ nghề phóng viên để trang trải cuộc sống. Minh Quân (sinh viên lớp Báo chí Mạng điện tử K39, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp hạng ưu, nhưng liên hệ đến nhiều tờ báo vẫn chưa thành công. Chỉ có một vài tạp chí đồng ý nhận, nhưng phải thử việc vài năm và sau đó xem xét năng lực mới ký hợp đồng.

Quân chia sẻ: “Ước mơ trở thành “cây” viết phóng sự nên em lặn lội từ TPHCM ra Hà Nội học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, vì đây là trường đào tạo ra nhiều nhà báo nổi tiếng. Trong quá trình thực tập, cũng như khi đã tốt nghiệp, em liên hệ với nhiều cơ quan báo chí, nhưng cũng chỉ có vài tạp chí nhận và yêu cầu thử thách rất gian nan. Với ước mơ của mình, em vẫn theo đuổi nghề báo để tiếp cận với những cơ hội tốt hơn”.

Theo Quân, qua thời gian thực tập, em thấy nghề báo hiện nay rất vất vả, gian nan đối với những sinh viên ra trường. Thực tế, những người bạn em biết và các bạn học cùng lớp sau khi tốt nghiệp có khoảng 80% bạn chuyển sang lĩnh vực khác, bỏ ước mơ theo nghiệp báo chí. Chủ yếu các bạn chuyển sang lĩnh vực truyền thông, đi làm có thu nhập ngay.

Để duy trì đam mê, Quân phải nhờ cậy sự hỗ trợ của bố mẹ. Quân cho biết, vì đam mê với nghề báo, em sẽ chấp nhận nhận sự hỗ trợ tài chính từ gia đình thêm mấy năm nữa. “Phải mất 5 năm phấn đấu, chắc chắn là vậy, em mới có thể sống được bằng nghề”, Quân cho hay.

Những người chóng vánh bỏ “cuộc chơi”

Trường hợp có bố mẹ, gia đình đứng sau hỗ trợ như Quân không nhiều. Đa số các em ra trường, gia đình sẽ cắt “viện trợ” hoặc tự các em thấy không thể “ăn bám” bố mẹ nhiều hơn nữa. Cho nên, phần lớn các em khi ra trường lập tức nộp đơn vào các lĩnh vực khác để có việc làm, thu nhập ngay.

Cử nhân báo chí làm báo mấy người? ảnh 2
Sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền đi thực tế.

Đỗ Thị Phương Huệ (Sinh viên lớp Truyền hình chất lượng cao K39, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) mơ ước thành biên tập viên truyền hình. Nhưng để kiếm việc làm ngay tại các đài truyền hình, hay một tờ báo đa phương tiện có uy tín rất khó, nên em đành chuyển hướng sang lĩnh vực truyền thông.

Huệ không tiếc nuối vì mình đã học ngành này vì trường báo dạy em rất nhiều kỹ năng, từ kỹ năng tìm kiếm, biên tập thông tin, kỹ năng xử lý tình huống, liên hệ, phỏng vấn nhân vật... Đó đều là những kỹ năng rất cần cho công việc của Huệ hiện nay. “Trong 4 năm học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, em đều đạt học sinh xuất sắc và tốt nghiệp với tấm bằng thủ khoa. Nhưng em không tự tin nộp hồ sơ ứng tuyển vào đài truyền hình, hay một tờ báo nào. Lý do không theo đuổi ước mơ, vì thu nhập từ nghề báo thấp, không ổn định. Một phần nữa là nghề báo quá vất vả, đi nhiều, em không đủ sức theo đuổi”, Huệ chia sẻ.

Trong những câu chuyện của các sinh viên báo chí ra trường, các em đều mong muốn theo nghề báo vì đó là ước mơ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Nguyễn Thanh Phương (Sinh viên Hệ Chất lượng cao, Học viện Báo chí và Tuyên truyền) nhớ lại, em đã rất hạnh phúc khi đỗ vào trường báo. Bố mẹ em cũng chắt chiu để có tiền cho Phương theo học nghề mình yêu thích. Việc học lớp chất lượng cao bố mẹ phải đầu tư rất nhiều tiền, vì học phí cao gấp 3 lần so với các lớp khác. Nhưng ra trường, theo đuổi nghề báo là một vấn đề rất lớn. Hiện tại, Phương tạm tìm hướng khác, chưa nghĩ đến việc trở thành một phóng viên. Phương đang đi làm trợ giảng tại một trung tâm tiếng Anh và đang nghĩ đến việc đi xuất khẩu lao động. “Em sẽ đi xuất khẩu lao động, kiếm một ít vốn, rồi 4 hay 5 năm nữa về Việt Nam, nếu còn đam mê với nghề báo sẽ tính tiếp”, Phương cho hay.

Trao đổi với một số giảng viên trường báo chí, các thầy cô đều cho rằng, nghề báo là một nghề hấp dẫn nhưng vất vả, cần có sự dấn thân. Trong đó, rào cản lớn nhất chính là thu nhập ngay sau khi ra trường. Thạc sĩ Phạm Thị Mai Liên, Giảng viên Viện Báo chí - Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, sinh viên báo chí hiện không khó để tìm được việc làm trong lĩnh vực mình theo học, thậm chí là dễ dàng hơn nhiều so với thế hệ trước. Các tòa soạn báo rất muốn tìm những nhân tố mới là sinh viên mới ra trường; đặc biệt là những bạn có năng lực, tư duy báo chí tốt, dám dấn thân...

“Nhiều bạn dù học báo, nhưng ngay từ trên ghế nhà trường đã xác định rất rõ ràng việc ra trường sẽ làm truyền thông tại các doanh nghiệp, tổ chức... Số sinh viên định hướng sẽ trở thành nhà báo sau khi tốt nghiệp thường chỉ chiếm khoảng 20% tổng số sinh viên ở các lớp tôi tham gia giảng dạy”.

Thạc sĩ Phạm Thị Mai Liên

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
Bản tin Hình sự: Bắt 4 đối tượng trong đường dây lừa đảo mạo danh công an, viện kiểm sát
TPO - TIN NÓNG ngày 12/12: Công an Hà Nội điều tra vụ cháu bé 11 tuổi bị cứa cổ, hành hạ khi câu cá tại ao nhà hàng xóm; Chủ tịch Công ty Trung Hậu 68 đã 'rửa' hàng trăm tỷ thu lợi bất chính từ khai thác trái phép cát ra sao?; Nhóm thanh niên Hải Dương mang kiếm sang Bắc Ninh trộm tiền công đức ở đền chùa...
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.