Khi sự tình cờ chạm ước mơ
Điều gì đã thúc đẩy chị quyết định từ bỏ một công việc với mức thu nhập tốt, cùng bao nhiêu thời gian học tập để lấy tấm bằng thạc sĩ Quan hệ quốc tế tại Australia để đến với nghề phi công?
Mình và nghề phi công thật sự có duyên. Nhà mình sát sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM), từ sân thượng hàng ngày mình nhìn máy bay cất và hạ cánh. Từ nhỏ mình đã bị hấp dẫn bởi những chiếc máy bay rồi tưởng tượng nếu được bay, được điều khiển những cục sắt đó thú vị biết bao. Ước mơ được làm phi công được nuôi dưỡng từ đó. Lớn lên, thấy phi công là một nghề rất khó theo học, với những yêu cầu khắt khe về sức khoẻ, kiến thức, kỹ năng và tất nhiên cả tài chính nữa. Nên mình đành gác lại giấc mơ để chọn ngã rẽ khác.
Mình cũng rất thích ngoại ngữ, thích đi đây đó, gặp gỡ nhiều người bạn mới, tìm hiểu về những nền văn hoá khác nhau nên khi vào đại học mình đã định hướng trở thành nhà ngoại giao. Sau khi tốt nghiệp đại học dù chuyên Văn nhưng đã thành thạo 3 ngoại ngữ và với định hướng nghề nghiệp ban đầu mình đã sang Australia theo học thạc sĩ Quan hệ quốc tế. Lấy bằng thạc sĩ tại Australia mình về nước vì nghĩ không đâu bằng được sống và làm việc trên quê hương mình. Về nước làm việc được một thời gian mình vô tình đọc được thông báo về chương trình tuyển dụng học viên phi công của Jetstar Pacific. Ước mơ thuở nhỏ lại ùa về cùng sự tò mò muốn thử sức mình, nên quyết định đăng ký thi thử và được lựa chọn. Sau tất cả, mình nhận ra dù đã chọn nhiều ngã rẽ khác nhau, nhưng cuối cùng vẫn quay về với nghề phi công, như một duyên định sẵn vậy.
Khi chị quyết định chọn nghề phi công, gia đình phản ứng sao và nói gì về nghề này?
Khi mình quyết định đăng ký thi tuyển phi công, gia đình không biết vì mình trốn đi thi, lúc đó cũng sợ gia đình phản đối ngay khi mới đăng ký. Chỉ sau khi có kết quả được chọn mình mới nói với gia đình. Ba má mình thật sự cũng sốc với thông tin đó, và không muốn con gái theo nghề phi công, vì phi công rất vất vả, đi sớm về khuya, thường xuyên xa nhà. Đặc biệt, bao thời gian, công sức, tiền bạc đã đổ vào chặng đường học hành của mình suốt những năm trước đó. Nhưng mình may mắn có anh trai rất thương và ủng hộ mình. Anh Hai đã cùng mình thuyết phục ba má để mình có thể theo đuổi ước mơ. Cũng may mắn ba má mình không quá khắt khe, khi đã thuyết phục thì cũng không ép con cái phải nhất nhất nghe theo. Khi mình quyết định theo phi công và làm lại từ đầu, ba má cũng lo con không theo nổi vì khi đó mình đã 27 tuổi.
Mình cũng chưa bao giờ nghĩ những gì đã học sẽ bỏ phí. Chính những kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng học được từ bao năm tháng trên ghế giảng đường cả trong và ngoài nước là tiền đề vững chắc để mình bước tiếp vào nghề mới.
“Không bao giờ là quá trễ để theo đuổi ước mơ của mình. Các bạn trẻ hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn. Hy vọng một ngày nào đó trên bầu trời quê hương Việt Nam, chúng ta sẽ là đồng nghiệp sát cánh cùng nhau trên những chuyến bay”.
Nữ cơ trưởng
Lê Thị Bích Hồng
Tới nay nhìn lại, chị thấy những khó khăn, vất vả nào phải vượt qua so với các đồng nghiệp nam?
Đối với mình, khó khăn lớn nhất khi theo nghề phi công là sức khoẻ, vì thể lực của nữ không thể nào bằng nam được. Còn những điều khác không quá trở ngại. Khi làm việc gì đều phải cố gắng hết sức để hoàn thành nó tốt nhất. Suốt 4 năm qua, ngoài nỗ lực bản thần, mình rất may mắn luôn được cơ quan, thầy cô, bạn bè và gia đình hỗ trợ, giúp mình có được thành tựu nghề nghiệp như hôm nay.
Được biết, học phi công rất tốn kém, chị làm sao giải quyết được vấn đề này?
Mình may mắn được chọn theo học chương trình tuyển dụng học viên phi công của Jetstar Pacific, được hỗ trợ 90% chi phí nên vấn đề tiền bạc cũng được giải quyết phần lớn.
Làm gì cũng phải có tình yêu
Chị có thể chia sẻ chút chuyện riêng tư, tình yêu ra sao khi gần như những năm qua chị ăn ngủ trên buồng lái máy bay là chính?
Vấn đề riêng tư này mình xin được giữ lại, mong bạn thông cảm.
Tới nay chị đã 33 tuổi, gia đình nói sao về việc lập gia đình, có tạo thêm sức ép cho chị?
Ba má mình cũng như những bậc phụ huynh khác, luôn mong muốn con lớn có gia đình yên ấm. Ba má cũng mong mình sớm ổn định, lập gia đình, nhưng mọi việc ba má vẫn để mình tự giải quyết, chứ không tạo thêm sức ép. Cuộc sống cũng đã quá nhiều sức ép rồi.
Vậy về tương lai, chị sẽ lựa chọn người chồng ra sao? Chị có thấy là khó khi mình giỏi lại kiếm nhiều tiền, vì nhiều đàn ông Việt vẫn “tự ti” điều này khi chọn vợ?
Minh hy vọng chồng mình sau này là người yêu thương vợ con, bao dung và thông cảm cho nghề nghiệp của vợ. Giờ xã hội cũng phát triển rồi, quan niệm chồng ở tuổi nào không còn quá quan trọng. Mình cũng không phải giỏi hơn ai, người này giỏi mặt này, người kia giỏi mặt khác, và ai cũng có nhược điểm nào đó. Vì vậy, đã làm vợ chồng không nên so bì, quan trọng nên cảm thông, thấu hiểu, bổ sung và giúp đỡ lẫn nhau trong công việc, cuộc sống để gia đình yên ấm, hạnh phúc.
Là phi công chị bay suốt vậy làm sao sắp xếp thời gian để vừa chăm lo gia đình, bản thân vừa học để thành được cơ trưởng?
Công việc phi công cũng không quá bận rộn như mọi người nghĩ. Mình thường bay 4 ngày rồi được nghỉ 2 ngày. Khi được nghỉ mình cố gắng sắp xếp thời gian để vừa phụ giúp công việc gia đình vừa có thời gian cho bản thân.
Chị có lời khuyên nào với các bạn trẻ, đặc biệt bạn nữ có ý định học phi công? Theo chị, các bạn cần xác định điều gì là cốt yếu nhất khi chọn nghề này?
Mình chỉ khuyên các bạn nên cố gắng rèn luyện sức khoẻ, trau dồi ngoại ngữ và nâng cao những kỹ năng mềm, như giao tiếp, làm việc nhóm… Điều cốt yếu nhất phải có đam mê và tình yêu với nghề. Trong suốt quá trình huấn luyện cũng như làm việc sau này, sẽ có những đòi hỏi người phi công phải hết sức yêu nghề để vững vàng vượt qua.
Xin cảm ơn chị về cuộc trao đổi này!
Mình cũng không phải giỏi hơn ai, người này giỏi mặt này, người kia giỏi mặt khác, và ai cũng có nhược điểm nào đó. Vì vậy, đã làm vợ chồng không nên so bì, quan trọng nên cảm thông, thấu hiểu, bổ sung và giúp đỡ lẫn nhau trong công việc, cuộc sống để gia đình yên ấm, hạnh phúc.