Nghe nhiều về cụ bà luyện chó thồ hàng và vốn tính tò mò, chúng tôi đã vượt gần 150km để đến vùng biên giới Việt Nam - Campuchia - nơi có bến nước Trung Dân (xã Phước Vinh, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) - để gặp người đàn bà độc đáo này.
Thật không dễ dàng chút nào để tìm ra bà. Theo lời người dân, bà vốn là thân "chim trời cá nước" nên khi lặn lội tìm ra nơi bà trú ngụ, đứa cháu ngoại bà đưa chúng tôi ra bờ sông chỉ tay về phía xa xăm : "Ngoại ở trên chiếc xuồng màu xanh đó. Bác chờ một lát đi, ngoại bắt cá, hái rau xong sẽ về thôi".
Rồi xuồng cập vào bờ. Người chèo xuồng trước mắt chúng tôi là một bà cụ. Bà gầy nhom nhưng cứng cáp. Bộ quần áo mỏng manh trên người bà đã ướt sũng. Bà gác mái chèo. Với lấy dây neo cột xuồng vào một gốc cây rồi vơ lấy chiếc thùng nhựa, bà lên bờ.
Bà là Châu Thị Mỹ - còn gọi là bà Tư Mỹ - vừa tròn 80 tuổi. Bà Tư không phải là người vùng này. Chồng bà qua đời cách nay đã 50 năm lúc bà còn khá trẻ. Một mình bà bươn chải với sóng gió của cuộc đời để kiếm miếng ăn nuôi 6 đứa con dại. Những tưởng cuộc sống cứ thế dần trôi, mấy ai ngờ được vào khoảng năm 2005, một trong 2 con trai của bà qua đời vì tai nạn giao thông. Thế là bà bán tất cả cơ ngơi nhỏ bé của mình để lấy tiền ma chay cho con. Không còn đất sống, bà lên ghe dắt theo 2 con chó xuôi dòng đến vùng này lam lũ mưu sinh.
2 con chó này cùng ăn cùng ở với bà. Những lúc khó khăn nhất, 2 chú chó này đã kéo xe chở những bao hàng đi giao giúp bà. Bà chỉ cần đạp xe dẫn đường chúng sẽ chở hàng đến nơi theo bà muốn.
2 con này sống với bà khá lâu. Rồi một đêm nọ, không may chúng ra đồng ăn phải bả chuột, chết hết. Bà đau khổ vô cùng.
Kể đến đây giọng bà Tư nghẹn lại.
Bà Tư kể tiếp: "Tôi tìm mua 3 con khác. Chó vào tay tôi là tôi phải huấn luyện. Một tháng không được thì 2 tháng cho đến khi nào chúng thuần thục. 3 con chó mới giờ được giao cho kéo một xe. Dĩ nhiên là phải nhiều hàng hóa hơn 2 con trước.
Cỗ xe chó kéo được thiết kế giống xe ngựa nhưng thấp hơn. Phía trước có 2 gọng để móc 3 con chó vào . Phía sau là nơi chất hàng nằm trên một trục với 2 bánh xe đạp".
“Cỗ xe tam khuyển này tôi phải mất khá nhiều thời gian để huấn luyện. Rồi cũng xong. Cả 3 con ngày ngày chở hàng đi hàng chục km giúp tôi làm ăn buôn bán . . .”, bà Tư chia sẻ.
Giọng buồn bà kể tiếp: Có thể nói, những năm cuối của cuộc đời tôi gắn liền với chó. Với chó, tôi thương chúng, chúng thương tôi. Cái lý lẽ thường tình đó chắc ai cũng hiểu. Có thể tôi nhịn ăn hoặc ăn những thứ dở hơn để sẵn sàng nhường cơm cho chúng. Miếng cơm, hạt gạo tôi có được có sự góp công của chúng.
Nhớ lần khi tôi cất chòi ở một mình bên kia sông. Tôi bệnh nằm vùi trong chòi. Có tiếng ghe máy chạy ngang qua tôi gọi xin dược quá giang. Chiếc ghe ghé vào. Họ tưởng tôi đi nhưng không ngờ tôi xin cho con chó. Nó vào được bờ chạy ngay đến nhà con gái tôi quanh quẩn bên chân. Con gái tôi nhìn trên cổ nó có miếng giấy liền giựt ra xem thấy tôi ghi những thứ cần thiết phải mua và những điều căn dặn. Vậy là trong ngày hôm ấy, nhờ chó mà tôi được tiếp tế . . .
Còn nhiều chuyện lắm. Tôi rất buồn vì những con chó tôi dày công huấn luyện không chết vì bệnh, vì thuốc độc thì cũng vì . . . cẩu tặc. 3 con chó đó đã rơi vào tay bọn chúng. Sau này cũng còn nhiều con nữa đã giúp tôi nhiều việc rồi cũng ra đi.
Giờ đây, tôi mới mua được một con khác, đang trong quá trình huấn luyện. Trước mắt tập cho nó kéo xe, mang hàng hóa trên lưng . . .
Thôi trưa rồi. Xin phép anh để tôi dẫn nó đi giao hàng. Bà dắt con chó ra đặt 2 bao hàng nhỏ trên lưng chó. Người và chó vui vẻ lên đường".