Mẫu thẻ tuần tra kiểm soát dành cho CSGT được Bộ Công an quy định cấp. Ảnh: Hữu Vinh |
Ngày 10-1, Thượng tá Trần Thanh Trà - Phó Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TPHCM (PC67), cho biết, kể từ ngày 1-1, áp dụng Thông tư 65, 66 và 45 (ban hành ngày 27-7-2012, có hiệu lực từ ngày 1-1-2013), lực lượng tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của TPHCM và cả nước nói chung, mang biển hiệu tuần tra kiểm soát trên ngực trái mới có quyền dừng phương tiện đang lưu thông để xử lý.
Theo thông tư 45 của Bộ Công an quy định về biển hiệu và giấy chứng nhận tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT, những cán bộ chiến sĩ CSGT không đeo biển hiệu này mà ra tín hiệu dừng xe đều vi phạm quy định của ngành.
Những người có đủ tiêu chuẩn cấp thẻ phải có trình độ trung cấp trở lên, buộc trải qua khóa tập huấn, sát hạch gắt gao và thi hai lần đạt mới được cấp thẻ. Những người không đeo thẻ (thuộc lực lượng CSGT hoặc các đơn vị chức năng khác), chỉ tham gia hỗ trợ lực lượng tuần tra kiểm sát làm nhiệm vụ.
“Tuy nhiên, trong một vài trường hợp hạn chế, nhằm thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự (lực lượng cảnh sát phản ứng nhanh 113, cảnh sát đặc nhiệm hình sự…), khi phát hiện quả tang người phạm tội, vi phạm quy định khi lưu thông trên đường, như đi vào đường cấm, không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe phóng vượt tốc độ, lạng lách, đánh võng…, những lực lượng này đều có thể phát tín hiệu dừng xe, kiểm tra, lập biên bản” – Thượng tá Trà nói.
Ngoài ra, CSGT không được lập biên bản, giữ phương tiện, giấy tờ của người vi phạm các lỗi đơn giản.
Theo Thượng tá Trà, những vi phạm có mức phạt không quá 200.000 đồng/lỗi, kể cả một người phạm nhiều lỗi nhỏ và tổng mức phạt cộng lại lên đến cả triệu đồng, vẫn phải thực hiện xé biên lai phạt tại chỗ.
Chỉ trường hợp người dân không có tiền thì mới ghi biên bản, giữ giấy tờ để giải quyết sau.
Việc Bộ Công an ra các thông tư nói trên và buộc các lực lượng công an tỉnh thành trên cả nước chấp hành, thực hiện nhằm ngăn chặn những hành vi lạm quyền trong thi hành công vụ của CSGT.