CSGT bí mật ghi hình trẻ em không đội MBH ở các trường học

Nhiều phụ huynh học sinh chưa chấp hành cho con em mình đội mũ bảo hiểm khi ra đường.
Nhiều phụ huynh học sinh chưa chấp hành cho con em mình đội mũ bảo hiểm khi ra đường.
CSGT dùng camera nghiệp vụ bí mật đến các trường học ghi lại các hình ảnh vi phạm của phụ huynh chở trẻ em không đội MBH. Sau đó, có thể phối hợp với nhà trường mời phụ huynh đến nhắc nhở. Nếu vi phạm nhiều lần có thể cảnh cáo, nêu tên học sinh và phụ huynh đó trước trường.

Ngày 10/4, Ban ATGT cùng lực lượng CSGT TP. HCM sẽ đồng loạt ra quân xử phạt về đội (MBH) đối với trẻ em trên 6 tuổi trên địa bàn thành phố. Theo Nghị định 171, nếu người điều khiển xe gắn máy không đội MBH có cài quai đúng quy cách cho trẻ em ngồi trên xe từ 6 tuổi trở lên sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.

Có trường khoảng 70% trẻ em không đội MBH

Ông Trần Quốc Hùng, Ủy viên Chuyên trách Ban ATGT TP.HCM cho hay, theo thống kê của Ban ATGT thành phố, tình trạng trẻ em trên 6 tuổi chấp hành đội MBH trên địa bàn còn thấp. Thậm chí, nhiều khu vực quận, huyện ngoại thành tỷ lệ đội MBH của trẻ em tại các trường chỉ đạt khoảng 30% tổng số lượng. 

Điều đáng nói, dù Ban ATGT phối hợp cùng cơ quan chức năng liên quan tuyên truyền, phổ biến nhiều nhưng sau mỗi đợt này thì tỷ lệ thậm chí chấp hành còn bị giảm sút, không ổn định. Đơn cử, khi ra quân các đợt cao điểm này tỷ lệ đội MBH đạt trung bình từ 50 đến trên 90% nhưng sau đó giảm xuống còn 30 đến 50%.

“Rõ ràng, ngoài việc thiếu ý thức chấp hành của phụ huynh học sinh thì công tác tuyên truyền chưa đạt hiệu quả cao”, ông Hùng nêu rõ.

Đại diện Phòng CSGT đường bộ và đường sắt (PC67), Công an TP.HCM cho biết, từ ngày 6 đến 9/4, cùng phối hợp với Ban ATGT thành phố tổ chức đợt tuyên truyền, vận động, nhắc nhở, việc thực hiện quy định đội MBH của học sinh tại các trường học, và hướng dẫn đội MBH đúng quy cách. PC67 sẽ dùng camera nghiệp vụ bí mật đến các trường học ghi lại các hình ảnh vi phạm của phụ huynh chở trẻ em không đội MBH.

Sau đó, có thể phối hợp với nhà trường mời phụ huynh đến nhắc nhở. Nếu vi phạm nhiều lần có thể cảnh cáo, nêu tên học sinh và phụ huynh đó trước trường.

Cũng theo đại diện PC67, ngày 10/4, PC67 sẽ tổ chức “Ngày cao điểm” tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm quy định bắt buộc đội MBH đối với trẻ em. Theo đó, thời gian kiểm tra từ 16h đến 18h hàng ngày nhằm tránh gây ảnh hưởng đến việc học của học sinh. Tổ công tác gồm 3 xe mô tô và 6 đồng chí CSGT sẽ tuần tra, kiểm soát và xử phạt.

Trao đổi với PV VTC News, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Ban chuyên trách Ban ATGT thành phố thừa nhận, hiện tỷ lệ đội MBH dành cho người lớn tại TP.HCM thực hiện tương đối nghiêm túc, thế nhưng tình trạng trẻ em không đội MBH còn cao.

Điều này, đa phần do phụ huynh học sinh vẫn đang còn hời hợt và không quan tâm đến việc con em mình đội MBH, cũng như chưa ý thức được tác hại đến sức khỏe, tính mạng khi không đội MBH.

Về các quận, huyện trên địa bàn thành phố, cần phối hợp đồng bộ để ra quân tuyên truyền, xử phạt có hiệu quả. Nếu không thực hiện tốt cần kiểm điểm trách nhiệm từng cá nhân, tổ chức liên quan. Ngược lại, nếu phụ huynh học sinh vẫn không chấp hành thì cần nêu tên trước các cuộc họp tổ dân phố để vừa nhắc nhở vừa tuyên truyền đạt hiệu quả cao.

“Nếu vi phạm không đội MBH mà cơ quan chức năng vì thấy tội quá mà bỏ qua, rồi sau đó chắc chắc lại tái diễn vi phạm thì tội của cơ quan chức năng còn nặng hơn. Do đó, để đạt được kết quả cao của chương trình, mỗi cá nhân, tổ chức cần nêu cao ý thức và chủ động trong việc chấp hành quy định”, ông Tường nêu rõ.

Cần chọn loại MBH đạt chất lượng

Thắc mắc về chương trình sắp tới, đại diện Thành đoàn TP.HCM chia sẻ, các ban ngành liên quan cần có các hướng dẫn cụ thể hơn về chương trình, về cách thức đội MBH, về loại MBH như thế nào mới đạt chuẩn, có các chương trình hỗ trợ người dân trong việc đổi MBH đạt chuẩn với giá cả phải chăng.

“Cơ quan chức năng cần cung cấp các video thực tế của chương trình cho Thành đoàn để có thể tuyên truyền sâu rộng đến các trường học và đạt kết quả cao”, đại diện Thành đoàn kiến nghị.

Về MBH đạt chuẩn, theo ông Trần Quốc Hùng, nếu Ban ATGT thành phố tư vấn cho các đơn vị lẫn người dân đơn vị nào uy tín về sản xuất MBH thì không khác gì mọi người nghĩ Ban ATGT đang quảng cáo cho doanh nghiệp. Điều này gây nên sự hiểu lầm và rất mang tiếng. Do vấn đề tế nhị nên người dân hay đơn vị có thể xem tại kênh thông tin trên trang Web của Sở Khoa học – Công nghệ thành phố về các doanh nghiệp được Sở cấp phép MBH đạt chuẩn để tham khảo.

Đề cập đến việc đội MBH đạt chất lượng, ông Nguyễn Ngọc Tường nói, ngoài việc ý thức được vấn đề đội MBH thì vấn đề đội MBH đạt chuẩn được xem là cái gốc của việc bảo vệ an toàn tính mạng của mỗi con em và người dân chúng ta.

Việc đội MBH mua ở lề đường từ 20 đến 30 nghìn đồng chắc chắn sẽ không đạt chuẩn, nên mua nhưng loại MBH đạt chuẩn được các trung tâm chứng nhận chất lượng cấp phép và mệnh giá các loại mũ này cũng phải trên 100 nghìn đồng trở lên.

“Hiện nay, tôi có thể khẳng định có 3 doanh nghiệp sản xuất MBH uy tín lâu nay mà Ban ATGT thành phố, Quỹ phòng chống thương vong châu Á cùng các đơn vị chức năng liên quan luôn đồng hành phối hợp trong các chương trình quy đổi MBH cũ lấy mới đạt chuẩn cho người dân”, ông Tường nêu rõ.

Ông Tường cũng cho biết, theo kinh nghiệm thì từ trước tới nay, phần lớn các đơn vị, cá nhân tự liên hệ làm các chương trình đổi hay mua MBH của các cơ sở sản xuất MBH thì gần như không đạt chất lượng, do chưa nắm rõ quy định về MBH đạt chuẩn.

Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm cả nước có khoảng 1.900 trường hợp trẻ em tử vong vì tai nạn giao thông (chiếm 20% số trẻ em tử vong trong cả nước). Trong đó, gần 50% trường hợp bị chấn thương sọ não vì không đội MBH.

Theo Theo VTC News
MỚI - NÓNG