Cột cờ Hà Nội, những điều không phải ai cũng biết

Kỳ đài có cấu trúc gồm 3 tầng đế và một tòa tháp, các tầng đế có hình chóp vuông cụt, diện tích nhỏ dần và được xếp chồng lên nhau theo thứ tự nhỏ dần (ảnh chụp từ khuôn viên Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam) Ảnh: Đức Anh
Kỳ đài có cấu trúc gồm 3 tầng đế và một tòa tháp, các tầng đế có hình chóp vuông cụt, diện tích nhỏ dần và được xếp chồng lên nhau theo thứ tự nhỏ dần (ảnh chụp từ khuôn viên Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam) Ảnh: Đức Anh
TP - Cột cờ Hà Nội (hay còn gọi là Kỳ đài) là một trong những biểu tượng làm nên Hà Nội uy nghiêm và lắng đọng. Đây là công trình đặc biệt còn trường tồn với thời gian trong quần thể di tích Hoàng thành Thăng Long. Từ khi hoàn thành, trải qua 2 cuộc kháng chiến, Kỳ đài vẫn sừng sững hiên ngang.

Sừng sững, uy nghiêm

Những ngày đầu thu, hòa mình vào những đoàn du khách thăm lại Kỳ đài, một cảm giác xưa cũ và trang nghiêm lại dội về theo những bước chân trên nền gạch cũ. Theo sử sách ghi lại, năm 1805, dưới triều Nguyễn, vua Gia Long bắt đầu cho xây dựng công trình này với mục đích làm đài quan sát, đến năm 1812 hoàn thành. Từ vọng gác trên đỉnh cột cờ có thể quan sát toàn bộ thành Thăng Long xưa và vùng ngoại thành. Thực dân cũng sử dụng công trình này làm đài quan sát, kết nối liên lạc nên Kỳ đài không bị phá hủy.

Từ đường Điện Biên Phủ có thể nhìn bao quát cả Kỳ đài vững chãi mà thanh thoát. Kỳ đài có chiều cao 33 m, nếu tính cả trụ treo cờ là 44 m, cấu trúc gồm 3 tầng đế và một tòa tháp. Các tầng đế có hình chóp vuông cụt, diện tích nhỏ dần và được xếp chồng lên nhau theo thứ tự nhỏ dần.

Tầng một cao 3,1 m, chiều dài mỗi cạnh là 42,5 m, hai mặt có cầu thang bằng gạch dẫn lên tầng 2. Tầng 2 cao 3,7 m, chiều dài mỗi cạnh là 27 m, có 4 cửa. Tầng ba mỗi chiều 13m, cao 5m; cũng có 4 cửa theo hướng đông, tây, nam, bắc. Trừ cửa hướng Bắc, các cửa khác đều có tên riêng. Cửa Nam đắp hai chữ “Hướng Minh” (nghĩa là hướng về ánh sáng), cửa Đông hai chữ “Nghênh Húc” (đón nắng ban mai), cửa Tây là hai chữ “Hồi Quang” (ánh sáng phản chiếu). Ở cửa hướng Bắc không có chữ mà được bố trí hai cầu thang lên sân thượng phía bên phải và trái, mỗi cầu thang gồm 14 bậc, có tay vịn bằng sắt.

Sân thượng tầng 3 được bao quanh bằng lan can gỗ cùng với tường hoa trổ những hình lục giác có hình vuông ở giữa, được đan lồng với nhau trông tựa hình mạng nhện.

Tầng trên là thân cột cờ cao 18,2m, có hình trụ tám cạnh, nhỏ dần lên trên, mỗi cạnh đáy rộng chừng 2m. Trong thân trụ có 54 bậc thang dạng xoắn ốc lên tới đỉnh. Lòng trụ được soi sáng bằng 39 lỗ hình hoa thị và 6 lỗ hình rẻ quạt. Những lỗ này được đặt dọc các mặt trụ, mỗi mặt có từ 4 đến 5 lỗ. Nhờ vậy, phía trong trụ có ánh sáng tự nhiên và không khí lúc nào cũng được thông thoáng.

Phần còn lại là đỉnh Cột cờ Hà Nội. Nhìn từ xa, phần này giống như một lầu bát giác, có chức năng làm vọng gác. Vọng gác này cao 3,3m, có 8 cửa sổ ở 8 cạnh. Giữa lầu còn có một cột hình trụ tròn, đường kính 40cm cao đến tận đỉnh - đó là chỗ để cắm cán cờ.

Quan sát, Kỳ đài chỉ cách Đoan Môn (cổng chính dẫn vào Cấm thành xưa, hiện nằm trong khu di tích Hoàng thành Thăng Long) khoảng 300m; cách điện Kính Thiên (khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long) 500m và cách cửa Bắc Hoàng thành Thăng Long chừng 1.000m.

Từ vọng gác Kỳ đài phóng tầm mắt ra xa có thể thấy một vùng khá rộng trong và ngoài khu thành cổ Thăng Long xưa. Từ hướng Bắc của Cột cờ có thể thấy nhiều di tích cổ như Đoan Môn, Lầu Công chúa, Cửa Bắc; hướng Đông nhìn ra Nhà Bưu điện soi bóng xuống Hồ Gươm; hướng Tây là Quảng trường Ba Đình, Lăng và Bảo tàng Hồ Chí Minh và không gian thoáng đãng nằm ở hướng Nam.

Cột cờ Hà Nội, những điều không phải ai cũng biết ảnh 1

Khi hạ cờ người ở trên túm phần đuôi, níu xuống để hai người phía dưới giữ lại, không để cờ tung lên theo gió,động tác thực hiện phải nhanh gọn, dứt khoát (trong ảnh là Thượng úy Lưu Ngọc Huân, người có 4 năm nhận nhiệm vụ trong tổ đảm bảo cờ)

Ðể quốc kỳ tung bay trong gió

Lần đầu tiên trong lịch sử lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên Cột cờ khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Thủ đô hoàn toàn được giải phóng. Lịch sử còn chép lại, ngày 10/10/1954, gần như cả người dân Hà Nội đều hướng về Cột cờ Hà Nội để chứng kiến lễ thượng cờ. Lúc đó, một hồi còi dài nổi lên, đoàn quân nhạc cử Quốc thiều, lá cờ Tổ quốc được kéo tung bay theo nhịp khúc quân hành. Trước đây, cờ đỏ sao vàng chỉ xuất hiện trong dịp lễ, tết, kể từ năm 1986 đến nay, cờ luôn tung bay trên nóc Kỳ đài.

Trung tá Đỗ Hồng Sơn, Trưởng phòng Hành chính tổng hợp (Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam) cho biết, do cột cờ có vị trí rất đặc biệt, lại ở trước mặt Bộ Tổng tham mưu nên được nhiều đơn vị giám sát. Riêng tại Bảo tàng quân sự Việt Nam, đơn vị bố trí một tổ (gồm 7 người là các cán bộ chiến sỹ của phòng Hành chính tổng hợp) làm nhiệm vụ trông nom, chăm sóc toàn bộ khu vực Cột cờ. Trong đó, riêng tổ đảm bảo lá quốc kỳ có 3 người.

Việc treo cờ được các cán bộ đảm bảo thường xuyên 24/24h, bất kể nắng, mưa để lá cờ luôn tung bay trong gió. Khi cờ bị bạc màu hay bị rách ngay lập tức sẽ được tổ đảm bảo thay lá cờ mới. Đặc biệt, các ngày lễ trọng đại của đất nước cờ cũng sẽ được thay mới.

Theo thiết kế, lá cờ được treo trên đỉnh Cột cờ Hà Nội có kích thước rộng 4m, dài 6m, bề mặt có diện tích 24m2. Cờ được đặt may tại một đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng đáp ứng được yêu cầu khắt khe. Lá cờ may bằng chất liệu vải phi bóng, được may 3 đường chỉ, góc cờ chần hình quả trám, đuôi cờ được chần nhiều lần để có thể chịu được những trận gió to.

Dẫn phóng viên đi thăm Kỳ đài, Thượng úy Lưu Ngọc Huân (người có 4 năm nhận nhiệm vụ trong tổ đảm bảo cờ) cho biết, những người được lựa chọn kéo cờ phải có kinh nghiệm, bình tĩnh, có sức khỏe và quan trọng nhất là không có bệnh lý về tim mạch. Do chân cột cờ nằm trên vọng gác cao nhất, mái được thiết kế dốc hình nón, trong khi người kéo cờ phải đứng thẳng người lên kéo cờ phải được đảm bảo an toàn (con người, hệ thống cờ) bằng hệ thống đai an toàn. Việc thay cờ phải có 3 người vì khi hạ cờ người ở trên túm phần đuôi, níu xuống để hai người phía dưới giữ lại, không để cờ tung lên theo gió,động tác thực hiện phải nhanh gọn, dứt khoát. Nếu không có người trợ giúp, người kéo sẽ bay trong không trung như một người vừa nhảy dù từ máy bay. Khi kéo cờ phải làm theo quy trình ngược lại, hai người ở dưới níu lá cờ, người ở trên nhanh tay luồn cờ rồi từ từ kéo.

Kể từ năm 1986 (khi cờ được treo thường xuyên) cột cờ bằng sắt đã được thay bằng thép không gỉ. Dây kéo được làm bằng sợi cáp bọc inox, phía ngoài được bọc bằng lớp nhựa dẻo. Năm 1989, Kỳ đài được công nhận là di tích lịch sử, trở thành biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. 

“Khó khăn nhất là những ngày bão gió, cờ nhanh bị rách và phải thay khi gió to, mưa lớn trơn trượt. Có trận bão tháng 8/2018, tổ đảm bảo cờ 3 người phải mất hàng giờ đồng hồ mới thay được quốc kỳ”.
 Thượng úy Lưu Ngọc Huân 

Trong tâm khảm của những người Hà Nội nói riêng, người dân Việt Nam nói chung, ngoài 36 phố phường, Quốc Tử Giám, hồ Hoàn Kiếm, nói về Hà Nội, không thể không nhắc đến Hoàng thành Thăng Long nơi có Cột cờ Hà Nội sừng sững, cổ kính và trang nghiêm.

MỚI - NÓNG