Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, thông tin, sau khi được UBND TP Hà Nội giao nhiệm vụ, UBND quận Hoàn Kiếm đã đề nghị ông làm Chủ tịch Hội đồng thi tuyển phương án kiến trúc cho bãi giữa sông Hồng. Hội đang lên đề bài để thi tuyển, lấy phương án tốt nhất.
Với khu vực bãi giữa, ông Chính bày tỏ sự tiếc nuối vì cơ quan nhà nước quá chậm trễ, thiếu quyết tâm khi xác định cao độ nước lũ sông Hồng. “Từ khi chúng ta làm các nhà máy thủy điện, các dòng sông qua Hà Nội đã cắt lũ, trị thủy vì thế giờ mới thực hiện làm quá chậm. Trong khi bãi giữa sông Hồng rộng cả trăm héc-ta bỏ hoang thì gần 10 triệu dân Hà Nội không có chỗ vui chơi”, ông Chính nói.
Ngoài không gian mặt nước, cây xanh xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận (có diện tích khoảng 13,5ha, với tính chất không gian công cộng, văn hóa, tâm linh), các không gian cây xanh tập trung ở quận Hoàn Kiếm chủ yếu nằm tại các nút giao thông, vừa mang tính chất của “đảo giao thông” vừa là các vườn hoa công cộng với quy mô nhỏ, không đáp ứng được yêu cầu sử dụng của dân cư, khắc phục tình trạng ô nhiễm, tạo lập sự cân bằng trong hệ sinh thái đô thị của Thủ đô.
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định, bãi giữa sông Hồng là cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, kéo dài qua nhiều quận nội đô. Nơi đây phải trở thành công viên văn hóa, giải trí, nghỉ ngơi đặc biệt. Tới đây, khi cầu Long Biên không còn đường sắt đi qua, chúng ta có thể biến cây cầu lịch sử này thành nơi kết nối, thưởng ngoạn công viên bãi giữa sông Hồng. Với diện tích hàng trăm héc ta, quy hoạch phải xác định cụ thể nơi nào làm công viên xanh - trồng cây như rừng, nơi nào làm văn hóa. “Chúng ta có thể quy hoạch trồng rừng cây, hồ nước qua việc đào hồ, nơi vui chơi của trẻ con, người già, nơi hẹn hò của thanh niên… hay cả một bãi tắm trên sông Hồng”, ông Chính nói.
Ngoài ra, một diện tích rộng như vậy vẫn có những công trình cho các dịch vụ thiết yếu. “Nhìn rộng ra ta có thể thấy ở Singapore, họ trồng cây, làm lưới hiện đại, thả chim chóc trong đó để trải nghiệm. Theo tôi, một công viên ở bãi giữa không thể là một công viên bình thường mà phải là một công viên đẳng cấp, hiện đại”, ông nói.
Bãi giữa sông Hồng rộng hàng trăm héc ta là không gian kỳ vọng cho phố đi bộ |
Ông Nguyễn Đỗ Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn Quốc tế enCity (đơn vị quy hoạch Khu đô thị sáng tạo Thủ Đức, TP HCM), cho rằng, bãi giữa sông Hồng là cơ hội lớn của Hà Nội để tạo ra không gian xanh ngay trong lòng thành phố. Điều đầu tiên khi thực hiện công viên bãi giữa là phải khơi thông dòng chảy, làm sạch nguồn nước sông Hồng. Để có một điểm đến hấp dẫn, trước tiên phải xử lý vấn đề về môi trường, xử lý được nước thải trực tiếp từ các hộ dân ven sông. Thứ hai cần xác định dòng chảy, các phương án thiết kế có thể cho điều kiện ngập nước.
“Việc này thế giới đã có nhiều mô hình hay, Trung Quốc có rất nhiều mô hình như vậy mà tiêu biểu là bãi sông tại Puyangjiang River Corridor tỉnh Chiết Giang, họ đã làm những cây cầu đi bộ sang bãi giữa, biến nơi đây thành không gian xanh được đông đảo du khách biết tới. Thậm chí họ còn tạo các trải nghiệm khi đến không gian này mùa nước ngập, vô cùng thú vị”, ông Dũng nói và nêu ví dụ ở Việt Nam có cây cầu Long Biên, nếu trở thành cầu đi bộ thì sẽ là kết nối hoàn hảo cho công viên bãi giữa. Tại Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), bãi sông là nơi hoạt động du lịch, sân bóng, sân golf, nước ngập thì dừng hoạt động. Nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm bảo dưỡng sau lũ rút, bù lại, họ được một vị trí kinh doanh vô cùng thuận lợi.
Khu vực bãi bồi ven sông sẽ tổ chức các khu chức năng không gian công viên cây xanh (cơ bản giữ lại các cây lớn hiện có), khu chức năng trồng cây ngắn ngày, cây cảnh, cây hoa theo mùa, kết hợp phục vụ khách du lịch. |
Đặc biệt, bãi giữa sông Hồng rất gần không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Trong khi không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm đang quá tải, chật chội thì bãi giữa sẽ là một không gian mở rộng với nhiều hoạt động hơn. “Chúng ta cũng không nên cứng nhắc mà nên mở hơn cho phát triển dịch vụ thương mại, đó là các công viên chủ đề, nhà hàng để tạo nguồn thu, tạo sự hấp dẫn. Có thể xây dựng các nhà hàng, quán café là công trình tạm, xây dựng trên cọc, bỏ tầng 1 để đảm bảo yêu cầu thoát lũ”, ông Dũng đề xuất.
TS.KTS Lê Thị Bích Thuận, Phó Tổng Thư ký Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nhận định, tiềm năng bãi giữa sông Hồng rất rõ, nhưng vấn đề là phải triển khai được kế hoạch khai thác hiệu quả quỹ đất bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng, chỉnh trang, sắp xếp thành các khu công viên, vườn cây, vườn du lịch, không gian sáng tạo, các hoạt động dịch vụ du lịch, giao thông tĩnh… đảm bảo theo các quy định phòng chống lũ và đê điều. Nếu khai thác được lợi thế của sông Hồng, sẽ tạo thành một điểm tham quan, du lịch, bổ trợ không gian mở cho khu phố cổ, khu phố cũ Hà Nội.