Vụ hơn 32 ha đất giá bèo:

Công ty Tân Thuận bị thanh tra hoạt động ra sao?

Một phần khu đất Quốc Cường Gia Lai mua của Công ty Tân Thuận đang gây xôn xao dư luận
Một phần khu đất Quốc Cường Gia Lai mua của Công ty Tân Thuận đang gây xôn xao dư luận
TPO - Dư luận đang chú ý đến việc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận, doanh nghiệp của Văn phòng Thành ủy TPHCM vừa bị đề nghị thanh tra toàn diện, đồng thời tạm đình chỉ chức vụ tổng giám đốc doanh nghiệp này khi liên quan đến chuyển nhượng hơn 32 ha đất thấp hơn giá thị trường nhiều lần, gây thất thoát tài sản Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng.

Tân Thuận là ai?

Theo quyết định số 5629/QĐ-UB ngày 15/11/2004 do Phó Chủ tịch UBND TP HCM lúc đấy là Nguyễn Thiện Nhân ký về việc chuyển Công ty Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận thành Công ty TNHH một thành viên đầu tư và xây dựng Tân Thuận (gọi tắt Công ty Tân Thuận-PV).

Theo đó, UBND TP. HCM phê duyệt phương án chuyển đổi thành Công ty TNHH một thành viên đối với Công ty Đầu tư và xây dựng Tân Thuận trực thuộc Ban Tài chính Quản trị Thành ủy.

Cụ thể, chuyển Công ty Đầu tư và xây dựng Tân Thuận thành Công ty TNHH một thành viên (tên viết tắt TACONVESO), có trụ sở giao dịch chính đặt tại số 325 Huỳnh Tấn Phát, phường Tân Thuận Đông, quận 7, TP HCM.

Công ty Tân Thành sau khi chuyển đổi thành Công ty một thành viên kinh doanh các ngành nghề như: Thi công xây dựng và sửa chữa các công trình dân dụng và công nghiệp, giao thông, công cộng.

Thi công xây dựng các hệ thống hạ tầng kỹ; Tư vấn thiết kế quy hoạch, lập dự án đầu tư các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông, công trình công cộng, khu công nghiệp, khu dân cư; Đầu tư, xây dựng, kinh doanh các khu dân cư, khu công nghiệp; Kinh doanh nhà; Liên doanh và hợp tác kinh doanh với các thành phần kinh tế trong và ngoài nước…

Số vốn điều lệ của Công ty Tân Thuận tại thời điểm chuyển thành công ty một thành viên là 35 tỷ đồng. Trong đó vốn chủ sở hữu thực có tại thời điểm 31/12/2003 là hơn 24 tỷ đồng; Vốn do chủ sở hữu bổ sung dần trong quá trình kinh doanh (trong 02 năm 2004 và 2005)  là 10 tỷ đồng.

Quyết định này cũng nêu rõ, Ban Tài chính Quản trị Thành ủy là chủ sở hữu Công ty theo quy định, Công ty có trách nhiệm kế thừa toàn bộ các quyền, nghĩa vụ và xử lý những vấn đề tồn tại của Công ty Đầu tư và xây dựng Tân Thuận.

Đồng Công ty này là pháp nhân theo Luật Doanh nghiệp kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tổ chức hoạt động theo mô hình Hội đồng Quản trị Công ty, thực hiện chế độ hạch toán kinh tế độc lập, được sử dụng con dấu riêng, được mở tài khoản tại ngân hàng theo quy định của pháp luật.

Tại Quyết định này cũng nói rõ bãi bỏ Quyết định số 5005/QĐ-UB-KT ngày 25/25/ 1998 của UBND TP. HCM việc sáp nhập Công ty Kho vận Nhà Bè vào Công ty Xây dựng và phát triển Nhà Bè và đổi tên thành Công ty Đầu tư và xây dựng Tân Thuận sau khi Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và xây dựng Tân Thuận được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo Luật định.

Tân Thuận bị thanh tra toàn diện vì nhiều vi phạm

Sau khi “khoác” trên mình là doanh nghiệp của Thành ủy TPHCM, Công ty Tân Thuận đã được giao thực hiện và chuyển nhượng nhiều khu đất, dự án.

Đơn cử, chỉ 2 lô đất mới đây tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè và phường Tân Phong, Quận 7, TP.HCM chuyển nhượng cho CTCP Quốc Cường Gia Lai từ Công ty Tân Thuận được hé lộ trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp này là trị giá hơn 710 tỷ đồng.

Cụ thể, báo cáo tài chính bán niên soát xét và báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán của CTCP Quốc Cường Gia Lai (mã QCG) cho biết, trong năm 2017, QCG và Công ty Tân Thuận có 2 giao dịch mua bán chuyển nhượng quyền sử dụng đất dự án lớn ở khu vực huyện Nhà Bè và Quận 7, TP. Hồ Chí Minh.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2017, QCG có khoản trả trước người bán ngắn hạn phát sinh gần 335,4 tỷ đồng cho Công ty Tân Thuận. Đây là khoản tiền QCG thanh toán trước cho Tân Thuận tương đương 80% giá trị hợp đồng để mua lại toàn bộ diện tích đất mà Tân Thuận đã nhận chuyển nhượng của người dân tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè.

Giao dịch mua bán lớn thứ hai, giữa QCG và Tân Thuận được thuyết minh báo cáo tài chính của QCG hé lộ. Vào ngày 28/11/2017, Tân Thuận đã ký với QCG hợp đồng chuyển nhượng số 271/HĐKT/2017 nhằm chuyển nhượng giá trị quyền sử dụng đất của một phần dự án khu ven sông, phường Tân Phong, Quận 7 với tổng giá trị hơn 293,3 tỷ đồng.

Trong thông tin kết luận của Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM vừa qua nêu rõ, Công ty Tân Thuận là doanh nghiệp kinh tế của Đảng bộ TP nhưng trong việc chuyển nhượng đất đã đền bù, công ty không đặt lợi ích của Đảng bộ lên hàng đầu (vi phạm các quy định của Ban thường vụ Thành ủy về quản lý các doanh nghiệp thuộc sở hữu của Thành ủy và các quy định pháp luật của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng nếu Ban thường vụ Thành ủy không chỉ đạo hủy hợp đồng).

Công ty này cũng đã vi phạm các quy định của Nghị định 91 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Vì vậy,Ban thường vụ Thành ủy giao Ban cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo Thanh tra TP tiến hành thanh tra toàn diện Công ty Tân Thuận trong tháng 5 và tháng 6/2018, xử lý trách nhiệm của các cá nhân liên quan theo đúng quy định của pháp luật và quy định của Ban thường vụ Thành ủy.  Đồng thời, tạm đình chỉ chức vụ tổng giám đốc của ông Trần Công Thiện để kiểm điểm và xử lý trách nhiệm.

Trong khi đó, Ban thường vụ Thành ủy cũng cho rằng Văn phòng Thành ủy đã không thực hiện đúng và đầy đủ trách nhiệm là cơ quan đại diện chủ sở hữu (Thành ủy TP.HCM) tại Công ty Tân Thuận và đối với Đảng bộ TP.

Thiếu trách nhiệm, không kiểm tra, giám sát hoạt động của Công ty Tân Thuận đầy đủ, không thẩm định nghiêm túc các đề xuất của Công ty Tân Thuận với Văn phòng Thành ủy, gây thất thoát nghiêm trọng nếu Ban thường vụ Thành ủy không chỉ đạo hủy hợp đồng.

Theo ý kiến của một số Luật sư, việc quản lý vốn đầu tư ở các doanh nghiệp do các cơ quan Đảng thành lập cũng cần phải được thực hiện như với phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thông thường chứ không nên xem là đặc thù. “Lợi nhuận có được từ việc kinh doanh cũng như tài sản của các doanh nghiệp này phải chịu sự kiểm soát bởi pháp luật để tránh sự thất thoát tài sản, đầu tư không hiệu quả”, vị này phân tích.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.