Công ty mẹ Tổng công ty Hàng hải Việt Nam lỗ trước thuế 824 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải lỗ do trích lập một số khoản dự phòng sau khi chuyển sang công ty cổ phần.
Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải lỗ do trích lập một số khoản dự phòng sau khi chuyển sang công ty cổ phần.
TPO - Kết thúc năm 2020, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC, tên trước đây là Vinalines) đạt lợi nhuận hợp nhất trước thuế 499 tỷ đồng, nhưng công ty mẹ lỗ trước thuế 824 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh được công bố tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2021 của VIMC diễn ra sáng 22/4.

Công bố tại đại hội đồng cổ đông sáng 22/4, Tổng giám đốc VIMC Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết, năm 2020, đánh dấu tổng công ty chuyển từ công ty 100% vốn Nhà nước sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần và niêm yết trên sàn Upcom. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động của VIMC vẫn đối mặt nhiều khó khăn, dù kết quả kinh doanh vượt kế hoạch đặt ra.

Kết thúc năm 2020, khối cảng biển đạt lợi nhuận trước thuế 1.402 tỷ đồng (tăng 9,8% so với kế hoạch). Khối dịch vụ logistics đạt lợi nhuận 60 tỷ đồng (tăng 7,9% so với kế hoạch). Riêng khối vận tải biển vẫn lỗ 684 tỷ đồng.

Tổng doanh thu hợp nhất của VIMC năm vừa qua đạt 11.127 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 499 tỷ đồng. Trong đó, tổng doanh thu của công ty mẹ đạt 1.483 tỷ đồng, lỗ trước thuế 824 tỷ đồng.

“Sau khi chuyển sang công ty cổ phần từ tháng 8/2020, VIMC đã phải trích hơn 1.117 tỷ đồng dự phòng về nợ đọng, đầu tư tài chính, dự phòng hàng tồn kho… của giai đoạn trước chuyển sang, nên ghi nhận lỗ”, ông Tĩnh lý giải.

Dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều tuyến vận tải biển quốc tế có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao, nhưng toàn bộ thuyền viên và nhân viên VIMC không để bị lây nhiễm bệnh, hoạt động vận tải biển vẫn được duy trì. Nhờ đó, việc làm cho toàn bộ người lao động được đảm bảo, thu nhập tăng.

Tuy vậy, dịch COVID-19 vẫn gây ra nhiều hệ lụy nặng nề ảnh hưởng đến lực lượng thuyền viên và gia đình, khi việc thay thuyền viên gặp nhiều khó khăn, thậm chí là không thực hiện được và chưa có giải pháp cho đến nay.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2021 và các năm tiếp theo, VIMC tiếp tục dự báo khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và thị trường vận tải biển. Đại hội đồng cổ đông đã thông qua mục tiêu doanh thu 10.800 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế 944 tỷ đồng. Trong đó, công ty mẹ dự kiến doanh thu 1.368 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 0 đồng.

Cùng với đó, VIMC sẽ triển khai thực hiện các dự án đầu tư như: bến số 4, 5 cảng Lạch Huyện; nâng cấp và mở rộng cảng Quy Nhơn; đầu tư cảng Tiên Sa giai đoạn 2; nghiên cứu đầu tư cảng Liên Chiểu...

VIMC cũng tiếp tục thanh lý các tàu biển thế hệ cũ, với mục tiêu bán 11 tàu có tổng tải trọng 295.000 tấn. Đồng thời, tiếp tục làm thủ tục phá sản 4 công ty thành viên.

Đặc biệt, VIMC sẽ tái cơ cấu đội tàu, phát triển đội tàu vận tải container tải trọng lớn, hiện đại cùng các vỏ container đồng bộ.

Do năm tài chính đầu tiên chuyển sang công ty cổ phần vẫn còn khó khăn và lỗ, các cổ đông đã thông qua phương án ủy quyền cho HĐQT quyết định về phương án cổ tức năm 2020. VIMC đang báo cáo xin hướng dẫn của Bộ Tài chính để tính toán với khoản lỗ của năm vừa qua.

VIMC có vốn điều lệ hơn 12.005 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 99,46% vốn. Hiện tổng công ty nắm cổ phần chi phối tại 19 công ty con và có vốn góp tại 15 công ty liên kết. Trong đó, VIMC nắm cổ phần chi phối tại 16 cảng biển (chiếm 20% năng lực cảng biển cả nước), với nhiều cảng lớn như: Cảng Hải Phòng, Sài Gòn, Đà Nẵng, Quy Nhơn và cụm cảng container Cái Mép - Thị Vải… Tổng công ty này còn đội tàu vận tải biển với tổng trọng gần 1,5 triệu tấn, hệ thống kho bãi quy mô lớn.

MỚI - NÓNG